Nữ sinh đòi tự tử vì tin đồn thất thiệt: Cảnh báo mạng xã hội "sát hại" người

Vụ việc hai nữ sinh đòi tự tử vì tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về sự vô cảm của nhiều người trên mạng xã hội, những nút like, share hay bình luận ác ý có thể giết chết một con người.

Mạng xã hội “ăn thịt” người

Những ngày gần đây, nhiều trang mạng xã hội, tài khoản cá nhân lan truyền thông tin 2 nữ sinh bị công an bắt giữ vì cưỡng hiếp một thanh niên đến tử vong. Danh tính hai cô gái bị mạng xã hội “kết tội” đính kèm hình ảnh là Nguyễn Thị Tuyết H. (19 tuổi) và Nguyễn Thị Thu H. (20 tuổi), cùng ngụ xã Măng Tố, huyện Tánh Linh.

Tuy nhiên, sự thật là có hai cô gái vô tội bị lấy hình ảnh để gán ghép vào thông tin nhạy cảm, ác ý. Một trong hai nạn nhân bị tung tin đồn thất thiệt là Nguyễn Thị P. (20 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Phương cho biết ai đó đã lấy cắp hình ảnh của mình chụp cùng bạn ở TP Biên Hòa từ Facebook cá nhân, rồi ghép vào tin nhạy cảm.

Trước hình ảnh của mình bị lan truyền trên mạng xã hội gắn với thông tin hiếp dâm nam thanh niên đến tử vong, các nạn nhân cảm thấy sốc, không muốn gặp ai, không muốn ra khỏi nhà. Thậm chí một trong hai người còn có ý định tử tự.

Sự việc này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy mà mạng xã hội mang lại. Mạng xã hội ảo nhưng những tổn thương và những cái chết là thật.

Cách đây không lâu, cuối tháng 9/2016, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu (Yên Bái) đã thắt cổ tự tử ngay tại nhà. Người thân cho hay H. hành động dại dột như vậy có thể vì hoảng sợ và xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.

Tháng 6/2015, một nữ sinh 15 tuổi đã uống thuốc diệt cỏ tự tử khi bị bạn trai tung clip sex lên mạng facebook. Theo thông tin từ cơ quan công an cung cấp, khoảng 16h30 ngày 17/6, nữ sinh T. này đã uống thuốc diệt cỏ (tên thường gọi là thuốc cháy) tự tử tại nhà riêng vì phát hiện ra bạn trai mình là Phạm Đ. L (SN 1994, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) phát tán clip sex giữa T. và L. lên mạng xã hội.

Được biết, L. và T. quen nhau được gần một năm, nhưng sau đó T. muốn chia tay vì ba mẹ khuyên T. nên tập trung vào học. Trưa ngày 17/6, Lộc đến nhà T. nói chuyện, sau đó phát sinh mâu thuẫn, khi Lộc về khoảng vài tiếng, T. phát hiện clip sex của mình và bạn trai được lan truyền khắp mạng xã hội. Chiều cùng ngày, T. ra sau nhà lấy thuốc diệt cỏ uống.

Trước đó, năm 2013, em N.T.C.L (khi đó là nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L, khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết.

Những cái chết được báo trước, ngăn chặn cách nào?

Những vụ việc đau lòng liên quan tới mạng xã hội vẫn thường xảy ra, nó thậm chí là những cái chết đã được báo trước tuy nhiên vẫn không thể ngăn được những nút like, share vô cảm.

Về vụ việc nữ sinh 15 tuổi tự tử do người yêu phát tán clip sex lên mạng xã hội, nhà xã hội học, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình từng nhấn mạnh: “Bản thân việc quyên sinh không có gì đảm bảo 100% do mạng xã hội. Lý do khiến một cá nhân tự tử, trong trường hợp này có thể do quá thất vọng về người tình, cảm giác bị lừa dối, nhục nhã đến cùng cực.

Ngoài ra, cô gái còn thiếu kỹ năng chia sẻ, tự co mình vào cái tôi nhỏ bé, yếu ớt. Trong khi đó, hiệu ứng của mạng xã hội lại có sức mạnh khủng khiếp. Người ta đăng một status cốt để thiên hạ nhấn “like” - thứ mang lại niềm kiêu hãnh ảo.

Đám đông xem, bình luận, bâu vào chia sẻ, kiểu như: Cho chết, đáng đời, kẻ cắp gặp bà già,… Tất cả sự chia sẻ, những bình luận lạnh lùng vô cảm ấy là đòn bồi đã man khiến một người thiếu kỹ năng chia sẻ có thể tìm đến cái chết.

Trong trường hợp này, nếu có một người cứng cáp, từng trải, ân cần đưa nạn nhân vào việc học tập, công việc,… thì họ có thể dần quên nỗi đau. Càng tự nhấm nháp nỗi đau, sự đau đớn càng tăng theo cấp số nhân. Facebook có sức cộng hưởng khen - chê rất lớn, trong khi mặt trái lên ngôi cùng những đòn bồi thay vì lời khích lệ chân thành”.

Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, từng khuyên đừng bao giờ “ném đá” bất kỳ ai.

“Vì sẽ làm méo mó hình ảnh của bản thân. Không chỉ vậy, còn khiến người khác bị tổn thương thể lý lẫn tinh thần. Và mạng xã hội tuy ảo nhưng thật, đôi khi những cái like (thích), share (chia sẻ) hay comment (bình luận) có thể giết chết người.

Những sự việc nữ sinh tự tử vì không chịu nỗi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng. Chính vì cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội”.

“Thái độ cần có là bình tĩnh và chia sẻ. Bình tĩnh để không hành động dại dột, chia sẻ để tìm thêm nguồn động lực nâng đỡ lúc yếu thế. Hãy chia sẻ với những người thân mà mình tin tưởng.

Sau đó cần nhìn nhận xem việc ném đá đúng sai thế nào. Nếu sai thì sửa, nếu đúng thì không cần bận tâm đến những bình luận của những người trên mạng, những người mà có khi cả đời mình không gặp”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy nói.

Theo Đỗ Quyên

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm