Gió rét, mưa dông đầu mùa Hè
Năm nay đã qua lập hạ 5/5 mà miền Bắc vẫn rét. Là phóng viên theo dõi lĩnh vực thời tiết, tôi nhận được nhiều câu hỏi của đồng nghiệp và bạn đọc, "Thời tiết năm nay sao lạ thế?"; "Đây có phải đợt không khí lạnh cuối cùng không?".
Chuyển các câu hỏi trên đến chuyên gia, tôi được ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), cho biết, đợt không khí lạnh kèm mưa vừa qua là hiếm gặp vào tháng 5 trong vòng 40 năm qua, tính từ mốc năm 1981 trở lại đây. Số liệu quan trắc lịch sử của trạm Láng (Hà Nội), vào ngày 4/5/1981 ghi nhận nhiệt độ trung bình 19,6 độ C và ngày 5/5/1994 là 19.8 độ C.
Về nguyên nhân, ông Hưởng nói các khối không khí lạnh từ lục địa châu Á đã di chuyển xuống nước ta, nơi có khối không khí ẩm gây nên hiện tượng thời tiết xấu. Hiện tượng thời tiết này không chỉ khiến nhiều người dân Thủ đô co ro khi ra đường vào đầu mùa hạ. Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong các ngày 22-24/5, tại 14 tỉnh, thành (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang và Hà Nội) xảy ra mưa to, làm chết 4 người, bị thương 2 người; làm hỏng 58 nhà dân; sạt lở 4.330m3 ta luy đường giao thông nông thôn; 16 điểm ao, hồ, đập ở Vĩnh Phúc có nguy cơ vỡ…
Những hiện tượng nói trên phần nào cho thấy, biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan ngày càng trở nên gay gắt hơn. Vậy làm thế nào để người dân, chính quyền địa phương có thể chủ động phương án phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại? Đây là câu hỏi khó và đã được nhắc đi nhắc lại tại nhiều diễn đàn liên quan đến phòng, chống thiên tai và dự báo thời tiết.
Gần đây, ngày 25/4, phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh rằng "chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định". Ông lý giải, đây là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa; đồng thời là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ và nguồn lực đầu tư lớn.
"Ngày 21/4, tôi đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói. Ông yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch và chỉ thị nêu trên.
Nói về việc nâng cao chất lượng dự báo, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), cho biết trong năm 2022 Trung tâm sẽ theo dõi chặt chẽ các loại hình thiên tai; ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sớm khi thiên tai có dấu hiệu xuất hiện và cập nhật theo sát diễn biến để các cơ quan hữu quan và người dân có kế hoạch chủ động ứng phó.
Trong dài hạn, Trung tâm sẽ đề xuất việc bổ sung các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn ở vùng biển, vùng núi chưa có hoặc còn thưa số liệu; đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để cải tiến các mô hình dự báo, kể cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng cường độ của thiên tai để bổ sung thông tin vào các mô hình, phương án dự báo.
Các kế hoạch công việc nêu trên của cơ quan dự báo thời tiết đều cần thiết, nhưng ứng phó với biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường và cực đoan của thời tiết không thể từ nỗ lực đơn lẻ của một đơn vị. Nâng cao chất lượng dự báo thời tiết là việc cần làm ngay, tuy nhiên, công tác truyền thông dự báo sao cho người dân nắm bắt nhanh và có phản ứng kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cũng cần thiết không kém. Đây là công việc đòi hỏi sự chung tay của nhiều cơ quan khác nhau cả ở trung ương và địa phương, đặc biệt trong đánh giá phân vùng rủi ro, chia sẻ số liệu kinh tế - xã hội, tăng cường quan trắc chuyên dùng và tích hợp với số liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
Hơn nữa, tình trạng "mưa là ngập" ở nhiều địa phương không thể cứ đổ cho "ông trời". Ở đây cần xem lại công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước. Với nhiều địa phương, vấn đề còn nằm ở tình trạng phát triển đô thị lấn dần diện tích sông hồ, kênh, rạch. Đây là trách nhiệm của con người chứ không thể do "ông trời".
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, viết mảng xã hội. Hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng. Anh cũng là phóng viên đưa tin thời tiết, phòng chống thiên tai nhiều năm nay.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!