"Chuồng cọp" - mở không gian hay đóng đường sống?
Không chỉ chung cư cũ mà nay, hình ảnh "chuồng cọp" đã dần quen thuộc với hàng loạt căn nhà mặt phố, nơi tấc đất tấc vàng. Với các chung cư cũ xây dựng từ 40 - 50 năm trước, "chuồng cọp" là lựa chọn giúp người dân cơi nới, mở rộng không gian sống.
Chắc rằng ai cũng đều biết rằng duy trì khung sắt bịt bùng ở ban công là rủi ro, song với không gian sống chật hẹp của họ thì đó có thể là gian bếp, nơi phơi quần áo hay thậm chí là phòng ngủ của một gia đình. Có lẽ vì thế nhiều người đã tặc lưỡi.
Mới đây khi tác nghiệp một vụ hỏa hoạn khiến 7 người thương vong trong ngõ 65, phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), các phóng viên ghi nhận khu tập thể ở gần hiện trường dày đặc "chuồng cọp" và đã phản ánh về tình trạng này. Theo nhiều người dân, ngoài chức năng cơi nơi không gian sống thì "chuồng cọp" còn giúp bảo vệ gia chủ, chống trộm cắp. Chính vì vậy, không chỉ có chung cư cũ mà các căn hộ riêng biệt, nhà mặt phố ở nhiều nơi cũng lắp đặt khung sắt thép ở ban công.
Các "chuồng cọp" càng kiên cố bao nhiêu thì càng rủi ro cho chính chủ nhà bấy nhiêu. Thực tế nhiều vụ cháy nhà đã cho thấy "chuồng cọp" khiến nạn nhân không thể thoát ra ngoài. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại gặp khó trong việc tiếp cận hiện trường, di chuyển vào trong để cứu người do gặp rào cản, cần thời gian để phá dỡ khung sắt thép.
Vậy đâu là giải pháp cho "chuồng cọp"? Từ tháng 4 đến tháng 10/2021, thực hiện đợt cao điểm "Tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh", tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), gần 8.000 "chuồng cọp" được mở cửa tạo lối thoát nạn, đạt gần 50% "chuồng cọp" trên địa bàn.
Kết quả trên ngoài sự tuyên truyền, vận động, thay đổi ý thức của người dân, cần phải kể đến các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương. Cụ thể, các phường đã hỗ trợ kinh phí cho người dân mua sắt làm khung cửa, trả tiền thuê thợ cơ khí để hàn cắt "chuồng cọp" mở lối thoát nạn thứ 2, thậm chí tổ chức các nhóm thợ đi mở cửa "chuồng cọp" cho từng khu dân cư.
Như vậy, đối với các chung cư cũ chưa thể cải tạo, xây mới, thì việc mở lối thoát hiểm từ các công trình cơi nới bất đắc dĩ này, dù chỉ là giải pháp tình thế song cần thiết. Về lâu dài và căn cơ hơn, việc xóa "chuồng cọp" không thể chỉ trông chờ vào ý thức, sự tự giác và "biết sợ" của người dân hay việc mở lối thoát hiểm, mà cần đẩy mạnh các dự án cải tạo chung cư cũ bằng cơ chế, chính sách phù hợp.
Tại thành phố Vinh (Nghệ An), các "chuồng cọp" từng là hình ảnh quen thuộc của hệ thống chung cư xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, hiện nó đã trở thành một phần ký ức của người dân, khi các dãy nhà chung cư cũ được thay thế bằng các tòa nhà mới, hiện đại theo phương thức căn hộ đổi căn hộ có bù chi phí, hoặc đền bù cho người dân chuyển đến nơi khác sinh sống. Cách thức này giúp xóa các chung cư cũ, đã xuống cấp và xây dựng diện mạo một đô thị hiện đại, an toàn hơn cho cuộc sống người dân.
Đối với nhà ở độc lập tại các khu đô thị, cần thiết phải có chế tài đối với các công trình cơi nới vi phạm quy định phòng, chống cháy nổ. Ngoài việc trang bị kỹ năng thoát hiểm cho người dân, nên chăng bổ sung quy định về trang bị thiết bị báo cháy, chữa cháy trong hộ gia đình thay vì chỉ thực hiện tại các cơ sở kinh doanh, cơ quan, đơn vị hành chính như hiện nay.
Có thể việc này sẽ phát sinh chi phí cho hộ gia đình, nhưng nếu vì tính mạng của mỗi người thì đây là quy định cần thiết.