Chậm như… thu phí không dừng!
Trước năm 2015, các trạm BOT đều thu phí thủ công, tài xế qua trạm dừng xe mua vé và trả tiền mặt. Việc thu phí không dừng được triển khai với kỳ vọng minh bạch hóa nguồn thu và chống ùn tắc giao thông tại các trạm. Thế nhưng, sau 7 năm triển khai, đến nay cả nước mới có 575 làn thu phí không dừng trong 118 trạm thu phí, chiếm 70% tổng số làn cần lắp đặt ETC. Tỷ lệ dán thẻ nhận diện khoảng 57% tổng số phương tiện với 2,6 triệu thẻ dán trên ôtô.
Đằng sau kết quả khiêm tốn trên là những lần lỡ hẹn của ngành Giao thông. Vào năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết 437 nêu rõ thời hạn sau 2 năm, tức từ 2019 phải triển khai đồng bộ thu phí không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.
Thế nhưng, cuối năm 2019, khi thời hạn đã hết, Bộ Giao thông Vận tải xin lùi việc hoàn thành thu phí không dừng sang năm 2020, do các trạm BOT tại một số cao tốc chưa có vốn đầu tư thiết bị.
Đến cuối năm 2020, hệ thống thu phí không dừng vẫn dở dang trên toàn quốc và người dân không biết khi nào mới hoàn thiện. Vậy khó khăn của việc triển khai hệ thống thu phí không dừng là gì mà nó lại ì ạch như vậy? Đại diện Bộ Giao thông Vận tải từng liệt kê ra nhiều khó khăn. Ví dụ như thiếu vốn đầu tư, ví dụ như hệ thống khác nhau, ví dụ như người dân chưa sẵn sàng.
Trong những lý do được kể trên, lý do hệ thống khác nhau thuộc trách nhiệm của chính Bộ Giao thông Vận tải, bởi việc chọn lựa để quy định một hệ thống đồng nhất cho toàn bộ hạ tầng là vấn đề của chính Bộ này.
Lý do thiếu vốn, một phần do việc đầu tư hạ tầng thu phí không dừng chưa từng được coi là thành phần bắt buộc trong các hợp đồng BOT. Nhưng, cho dù vậy, đây cũng không thể coi là khó khăn đối với một yêu cầu cấp bách, không ít lần được Thủ tướng Chính phủ ấn định thời hạn phải hoàn thành. Việc thực hiện thu phí không dừng là một lĩnh vực hoàn toàn có thể thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội.
Lý do người dân chưa sẵn sàng là ít thỏa đáng nhất. Bởi việc thu phí không dừng là lợi ích của chính người dân, nếu hệ thống vận hành tốt. Không lẽ nào người dân lại từ chối sự tiện lợi cho chính mình.
Nhìn ra nước ngoài, không thể nói rằng hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng là việc khó làm. Bởi kinh nghiệm thế giới đã có rất nhiều ví dụ thành công. Gần 20 năm trước, khi những tuyến đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng, tôi đã từng dự một cuộc hội thảo giới thiệu công nghệ và giải pháp thu phí không dừng của Hàn Quốc tại Hà Nội. Năm 2004, tức là cũng gần 20 năm trước, người Đài Loan cũng đã bắt đầu thu phí không dừng, và đến năm 2012, họ đã có một hệ thống hệ thống hoàn hảo, loại bỏ toàn bộ những vướng mắc của người sử dụng. Đưa ra những ví dụ này, tôi không có ý định so sánh, nhưng chúng ta có rất nhiều bài học gần gũi để ứng dụng, có độ lùi thời gian để nghiên cứu giải pháp phù hợp nhất. Nhưng, cụ thể đến bao giờ thì người dân có thể thoát khỏi cảnh ùn tắc tại những trạm thu phí thủ công?
Sau những lần lỗi hẹn, ngành Giao thông vẫn chưa thể đưa ra một cam kết chắc nịch và kế hoạch đặt ra từ năm 2023 bỏ barie trên các trạm BOT nhờ ứng dụng hệ thống thu phí không dừng, đang rất khó trở thành hiện thực.
Thiết nghĩ Chính phủ cần đưa ra "tối hậu thư" cho các đơn vị chịu trách nhiệm về thu phí không dừng, thay vì yêu cầu "đẩy nhanh tiến độ" một cách chung chung, cần có mốc thời gian rõ ràng và đặc biệt là chế tài kèm theo với tinh thần "ai không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm".
Việc triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một cách làm tốt, cần sớm nhân rộng ra các tuyến cao tốc khác. Đã đến lúc cần biện pháp mạnh, nếu không muốn thu phí không dừng lại ì ạch như những năm qua.
Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.