Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và khối “di sản” nặng nề từ người tiền nhiệm
(Dân trí) - Hi vọng bằng quyết tâm và sự nỗ lực của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng tập thể ngành Công Thương sẽ sớm dỡ bỏ được gánh nặng hiện nay, nhất là tuyệt đối tránh vết xe đổ của người tiền nhiệm và quan trọng hơn, đưa ngành Công Thương trở lại đúng vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế.
Trong bài “Không loại trừ có sự cố ý vi phạm pháp luật tại các siêu dự án thua lỗ" trên Dân trí, tác giả Bích Diệp cho biết những phát biểu thẳng thắn, không né tránh, đi thẳng vào vấn đề tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Điều này, thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu ngành công thương Việt Nam, một trong những khâu mấu chốt để phát triển kinh tế đất nước.
Có lẽ trong số các tân bộ trưởng của Chính phủ nhiệm kì này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là người phải đón nhận khối “di sản” rất nặng nề từ người tiền nhiệm, ông Vũ Huy Hoàng, người vừa bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Có thể nói, những hậu quả mà ông Hoàng để lại là hết sức nghiêm trọng. Từ công tác cán bộ, chính sách phát triển kinh tế, ô nhiễm môi trường và khối tài sản 30.000 tỉ đồng đầu tư vào những dự án “đắp chiếu”, gây tổn hại vô cùng cho nền kinh tế đất nước.
Về công tác cán bộ, ông Vũ Huy Hoàng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là việc bổ nhiệm người con trai Vũ Quang Hải vào các chức vụ “màu mỡ” và “o bế” Trịnh Xuân Thanh trên con đường “thăng tiến kỳ ảo”. Đó là chưa kể trường hợp ông Vũ Đình Duy đang “mất tích” một cách bí ẩn.
Về chính sách kinh tế, đáng ra trong sự phát triển kinh tế đất nước, Bộ Công thương phải là cơ quan giúp Chính phủ có những chính sách phù hợp để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển thì trái lại, Bộ Công thương nhiệm kỳ vừa qua còn có những qui định cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, đó là Thông tư 37 qui định mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may khiến các doanh nghiệp lĩnh vực này mất hàng ngàn tỉ đồng/năm.
Về ô nhiễm môi trường, việc đồng ý cho hàng loạt các công trình thủy điện và một số nhà máy, khu công nghiệp đã gây ô nhiễm nặng nề nhiều mặt, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất đai đến ô nhiễm nguồn nước, biển và các dòng sông.
Về khối tài sản ước tính sơ bộ từ 5 dự án Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ và dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol đã lên đén 30.000 tỉ đồng. Hiện, các dự án này đang trong tình trạng "tắc nghẽn", hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ và thậm chí có nguy cơ phá sản.
Vì thế, chỉ tính riêng việc tiếp nhận và sửa chữa, khắc phục những “di sản” nặng nề từ người tiền nhiệm Vũ Huy Hoàng đối với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã là một khối công việc không hề nhỏ, cần phải có các quyết định kịp thời và cứng rắn.
Về công tác cán bộ, được biết Bộ Công Thương đã và đang có cuộc “cách mạng”, thay thế, chuyển đổi, bổ nhiệm (cũng tức là miễn nhiệm) không ít chức danh quan trọng. Đặc biệt đối với vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và người tiền nhiệm Vũ Huy Hoàng, trả lời báo Dân trí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ thực hiện đầy đủ, triệt để kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và quyết định của Ban Bí thư.
Về chính sách kinh tế, gần như ngay lập tức, Bộ Công thương đã quyết định hủy Thông tư 37 như đã nói ở trên. Đây là bước khởi đầu khó khăn, song đã mang lại cho doanh nghiệp hàng ngàn tỉ đồng/năm và được coi như “món quà nhân Ngày doanh nhân”.
Về môi trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định việc “giữ môi trường cũng chính là giữ sự sống cho chúng ta và tương lai con cháu chúng ta sau này” và “đánh đổi hay hủy hoại môi trường là tội ác”. Từ đó, đề ra hàng loạt các phương án như rà soát lại các dự án gây hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành công thương đồng thời công bố công khai danh sách 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cần giám sát đặc biệt.
Về khối tài sản 30.000 tỉ đồng của 5 dự án nêu trên, không chỉ tìm biện pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý, phụ trách phê duyệt chiến lược, quy hoạch, chủ trương đầu tư. "Thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý trong vi phạm pháp luật của Nhà nước trong hoạt động quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước". Ông Trần Tuấn Anh nói.
Chỉ sơ sơ những công việc trên, đủ thấy “di sản” để lại của ông Vũ Huy Hoàng là vô cùng nặng nề, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Song, hi vọng bằng quyết tâm và sự nỗ lực của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng tập thể ngành Công Thương sẽ sớm dỡ bỏ được gánh nặng hiện nay, nhất là tuyệt đối tránh vết xe đổ của người tiền nhiệm và quan trọng hơn, đưa ngành Công Thương trở lại đúng vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế.
Có lẽ khó có thể nói khác, sự bê bối, lũng đoạn của ngàng Công Thương những nhiệm kỳ vừa qua đã cản trở rất nhiều bước đi lên của đất nước, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám