Ảo như "tiền số"
Từng là một trong 10 loại tiền mã hóa (crypto) có giá trị nhất, đồng LUNA đạt đỉnh gần 120 USD vào tháng trước, tuy nhiên nó đã sụt giảm xuống tới sát mức 0 trong tuần qua.
Dù có lúc phục hồi mạnh so với đáy và có thể giúp một số nhà đầu cơ bắt đáy đạt được khoản lãi nhất định, song theo cập nhật thì đến chiều Chủ nhật 15/5 (giờ Việt Nam), đồng LUNA vẫn chỉ loanh quanh mức 0,0003 USD. Tóm lại, với những người bỏ vốn vào LUNA khoảng nửa tháng trước, nếu không kịp "thoát hàng" thì gần như đã mất trắng tài sản.
Có thể coi sự mất giá đột ngột của đồng LUNA là câu chuyện điển hình cho sự lao dốc của các loại tài sản trên thị trường tài chính, từ crypto (tiền mã hóa) đến cổ phiếu trong thời gian vừa qua. Về nguyên nhân, các chuyên gia đề cập đến bối cảnh kinh tế Mỹ bị dự báo đứng trước nguy cơ suy thoái, lạm phát dao động trên vùng đỉnh. Việc FED nâng lãi suất được cho là phát súng mở đầu cho xu hướng nâng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương khác, khiến dòng vốn trở nên đắt đỏ hơn. Đó là bối cảnh chung, đi vào cụ thể thì sự sụt giá của đồng LUNA không hẳn do các yếu tố kinh tế vĩ mô, mà chủ yếu vì cách vận hành của nền tảng liên quan đến đồng tiền mã hóa này.
Dù sao, cú sập của LUNA đã trở thành bi kịch với nhiều nhà đầu tư, trong đó có những người ở Việt Nam. Tiền ảo nhưng mất mát đối với họ là thật, đặc biệt với những trường hợp lấy tiền vay mượn để đầu tư vào crypto. Vấn đề đáng bàn là ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, chưa có quy định pháp lý về giao dịch, kinh doanh tiền ảo. Vì crypto chưa được công nhận nên cơ quan quản lý đã nhiều lần khuyến cáo người dân tham gia sẽ không được bảo vệ khi gặp rủi ro.
Những tranh cãi về giá trị thực sự của crypto đã diễn ra lâu nay và chưa có điểm dừng. Ngay cả với Bitcoin - có thể coi là đồng tiền kỹ thuật số thành công nhất hiện nay, đang dần được giới tài chính và nhà đầu tư truyền thống chấp nhận - song dưới con mắt của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, ông vẫn khẳng định đây không phải là một tài sản hữu ích và không tạo ra bất cứ thứ gì hữu hình.
Ở Việt Nam, cơ quan quản lý đã nêu rõ Bitcoin không là phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời phát đi cảnh báo về một số hình thức mua bán chứng khoán quốc tế, tiền ảo nở rộ gần đây. Thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến tiền ảo, biến tướng dưới hình thức đa cấp đi kèm với tín dụng đen.
Diễn biến mất giá đột ngột của đồng LUNA nói riêng cũng như các vấn đề về tiền ảo nói chung, một mặt đặt ra vấn đề tăng cường thông tin, khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng để hạn chế tổn thất có thể xảy ra, mặt khác cũng cho thấy sự cần thiết bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.
Các chuyên gia nhìn nhận rằng, một trong những sáng tạo nổi bật của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay là sự ra đời của công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và tiền ảo (crypto). Cho dù tiền ảo đang đứng trước những tranh luận về giá trị thực sự như nêu ở trên, có một thực tế là hoạt động giao dịch, đầu tư… tiền ảo đang diễn ra đa dạng ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Từ năm 2017, Thủ tướng đã ra quyết định 1255 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Một trong những quan điểm của Đề án này là góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…
Trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt ngày 15/6/2021, Thủ tướng cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), với thời gian thực hiện là năm 2021 - 2023.
Hồi tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu bộ, ngành liên quan xác định cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới gắn với cơ quan chủ trì và thời gian thực hiện cụ thể, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa theo các nhiệm vụ đặt ra tại quyết định 1255 cũng như các chỉ đạo liên quan của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản trong lĩnh vực nêu trên, bao gồm tiền ảo.