Bài 43:

Vụ áp thuế 5,7 tỷ cho 253m2 đất huyện: Từ cụ bà có gần 4000m2 đất đến tay trắng!

(Dân trí) - Bị thu hồi 3.925m2 đất, gia đình cụ Lích được cấp lại 610m2 đất thổ cư, tuy nhiên gần 30 năm sau, cụ bà này có nguy cơ phải đóng thuế tiền tỷ cho 162,3m2 đất trên chính mảnh đất đã được “quy đổi” từ 3.925m2 đất mà gia đình bà đã đổ mồ hôi khai phá và công nhận là lô đất thổ cư từ nhiều năm trước.

culich1-1458595400699

Sau khi bị thu hồi 3.925m2 đất, cụ Lích được cấp lại 610m2 đất và được công nhận là lô đất thổ cư, nhưng đến nay, cụ Lích đang đứng trước nguy cơ phải đóng thuế đất lên đến nhiều tỷ đồng, số tiền mà cả đời cụ cũng chưa mơ thấy

UBND huyện Đức Trọng vừa có Quyết định trả lời khiếu nại Công văn số 71/UBND-ĐT ban hành ngày 19/2/2016 gửi đến bà Đàm Thị Lích (76 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), phần cuối quyết định trả lời khiếu nại của UBND huyện Đức Trọng kết luận: “Không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại đơn của bà Đàm Thị Lích khiếu nại Công văn số 71/UBND-ĐT ngày 19/2”

Theo đó, bà Lích sẽ phải đóng thuế 162,3m2 đất vượt hạn mức”. Nếu theo quyết định số 26/QĐ-UBND-ĐT và hệ số K (hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất) tại khu vực này (áp dụng như khi tính tiền sử dụng 253m2 đất = 5,7 tỷ đồng tiền thuế đất) thì cụ Lích sẽ phải chịu đóng tiền sử dụng đất cho 162,3m2 khoảng 3,7 tỷ đồng.

Xoay quanh vụ việc này và quyết định mới nhất của UBND huyện Đức Trọng đưa ra, Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích:

Nhìn lại quá trình sử dụng đất của bà Đàm Thị Lích (76 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, có chồng là ông Vy Văn Lan) thấy rằng: Từ trước 1975 gia đình bà Lích đã được chế độ cũ cấp quyền sở hữu 3.925 m2 đất. Sau giải phóng, theo yêu cầu của nhà nước gia đình bà đưa 3.925 m2 vào HTX canh tác. Năm 1986, nhà nước quy hoạch 3.925 m2 HTX canh tác thành đất thổ cư rồi chia cho 11 hộ sử dụng. Nhà nước đã hoán đổi “cấp lại” cho gia đình bà 750 m2 nhưng do ủi đường nên còn lại 610 m2.

Tại Quyết định số 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993 của UBND huyện Đức Trọng đã công nhận lô đất thổ cư có diện tích 610 m2 đã được UBND thị trấn Liên Nghĩa giao năm 1986. Năm 2002 bà Lích đăng ký cấp QSDĐ đối với 610 m2 đất ở thì được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số V.183088 ngày 17/12/2002 nhưng chỉ được cấp là 310 m2 đất nông nghiệp. Đến ngày 23/11/2012 bà Lích tiếp tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với 300 m2 đất ở chưa cấp.

Quyết định 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993 của UBND huyện Đức Trọng
Quyết định 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993 của UBND huyện Đức Trọng

Sau khi kiểm tra thì UBND huyện Đức Trọng quyết định thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ số V.183088 để chấp nhận cho bà Lích 253,9 m2 đất ODT (đất ở đô thị) và 310 m2 đất HNK (đất trồng cây hàng năm khác), tổng cộng là 563,9 m2. Vậy là bà Lích hụt mất thêm 46,1 m2 đất ở trên số 610 m2 đã được công nhận lô đất thổ cư. Ngoài ra, ngày 15/11/2004, bà Lích được 01 Giấy chứng nhận QSDĐ 208,4 m2 đối với căn nhà có nguồn gốc được chế độ cũ cấp quyền sở hữu từ năm 1970 tại đường Nguyễn Trãi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Vì vậy, căn cứ điểm 1.5.2 Điều 1 Thông tư số 93/2011/TT-BTC “Trường hợp cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở (công nhận QSDĐ) đối với đất đang sử dụng thì: Việc xác định diện tích trong hạn mức để tính tiền sử dụng đất theo quy định tại điểm này chỉ được tính cho một thửa đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất thì người sử dụng đất được lựa chọn một thửa đất để xác định diện tích trong hạn mức” nên Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện Đức Trọng xác định 253,9 m2 đất ở này là vượt hạn mức nên bà Lích phải nộp tiền sử dụng đất, sau đó Chi Cục thuế huyện Đức Trọng thông báo nộp hơn 5,7 tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện Đức Trọng căn cứ theo qui định mới cho phép trong phạm vi một tỉnh được cộng dồn diện tích đất để tính trong hạn mức và ngoài hạn mức, từ đó giảm diện tích đất nộp tiền sử dụng đất từ 253,9 m2 giảm còn phải nộp trên 162,3 m2 vượt hạn mức.

Nhiều văn bản, quyết định khác của UBND huyện Đức Trọng, UBND tỉnh Lâm Đồng thể hiện việc hoán đổi 3.925m2 đất thành 610m2 đất thổ cư cho gia đình cụ Lích
Nhiều văn bản, quyết định khác của UBND huyện Đức Trọng, UBND tỉnh Lâm Đồng thể hiện việc hoán đổi 3.925m2 đất thành 610m2 đất thổ cư cho gia đình cụ Lích

Từ quá trình sử dụng đất như trên, có thể thấy “nhận định” của Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện Đức Trọng (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng) có sự nhầm lẫn khi xác định QSDĐ ở đối với 610 m2 đất của bà Lích đang sử dụng. Bởi, bà Lích không có yêu cầu “công nhận mới” 610 m2 đất của bà Lích đang sử dụng là “đất ở mới” vì mặc nhiên 610 m2 của bà Lích là đất ở (đất thổ cư) do chính UBND thị trấn Liên Nghĩa giao năm 1986 từ việc nhà nước quy hoạch 3.925 m2 của bà Lích thành đất thổ cư rồi hoán đổi “cấp lại đất thổ cư” cho gia đình bà 610 m2. Từ ban đầu là 3.925 m2 đất canh tác, nhà nước thu hồi rồi cấp giao lại 750 m2 đất thổ cư nhưng do ủi đường nên còn lại 610 m2 đến nay xác định lại 563,9 m2 (trong đó 253,9 m2 đất ở và 310 m2 đất nông nghiệp) là một sự thiệt thòi lớn cho bà Lích.

Nếu năm 1986 sau khi giao 610 m2 đất thổ cư nhà nước thực hiện luôn việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ở cho bà gia đình bà Lích thì mọi việc đã giải quyết dứt điểm. Nhưng nay, việc “công nhận lại” từ 610 m2 đất thổ cư thành gần một nửa đất ở và hơn một nửa đất nông nghiệp là vi phạm qui định luật đất đai tại khoản 2 Điều 2 Luật đất đai năm 1993, khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2003 và khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013 qui định “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”.

Cụ Lích bên mảnh đất có diện tích 610m2 đất đã được công nhận là lô đất thổ cư nhưng đến nay vẫn rơi vào tình cảnh bị áp thế nhiều tỷ đồng
Cụ Lích bên mảnh đất có diện tích 610m2 đất đã được công nhận là lô đất thổ cư nhưng đến nay vẫn rơi vào tình cảnh bị áp thế nhiều tỷ đồng

Hành vi “công nhận lại” QSDĐ cho bà Lích có dấu hiệu tương tự như việc UBND thị trấn Liên Nghĩa đã giao cho bà Lích 610 m2 đất thổ cư từ năm 1986 thì nay UBND huyện Đức Trọng đòi lại rồi công nhận lại 563,9 m2 nhưng trong đó chỉ có 253,9 m2 đất ở, còn lại là 310 m2 đất nông nghiệp rồi buộc bà Lích phải nộp tiền sử dụng đất ở lên tới tiền tỷ. Một điều bất thường là tại sao đang là loại đất ở thổ cư được công nhận và giao sử dụng từ năm 1986 thì đến năm 2002 bà Lích đăng ký cấp QSDĐ đối với 610 m2 đất ở thì UBND huyện Đức Trọng lại “hạ chuẩn” từ đất thổ cư thành đất nông nghiệp rồi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số V.183088 ngày 17/12/2002 nhưng chỉ được cấp là 310 m2 đất nông nghiệp?

Luật sư Lễ cho rằng, theo Điều 1 của Quyết định số 477 ngày 30/7/2001 giải quyết đơn khiếu nại của bà Lích, UBND huyện Đức Trọng đã xác định: “Đất cũ (3.925 m2) đã được gia đình bà đưa vào HTX và nhà nước đã quy hoạch cấp đất thổ cư cho nhân dân (11 hộ), trong đó gia đình bà cũng được cấp 610 m2 tại khu quy hoạch này”. Như vậy có thể hiểu rằng, 610 m2 đất thổ cư này đã được nhà nước “hoán đổi” cho bà Lích bởi bà Lích “đã cam kết không khiếu nại đối với diện tích 3.925 m2 đã được nhà nước quy hoạch cấp thổ cư cho nhân dân” do đó bà Lích phải được miễn thực hiện các thủ tục về nghĩa vụ tài chính thủ tục cấp QSDĐ ở để đổi 3.925 m2 đất nông nghiệp thành 610 m2 đất thổ cư.

Thực tế đất của bà Lích là đất thổ cư được nhà nước giao từ trước ngày 15/10/1993 và ở ổn định không tranh chấp đến nay chứ không phải đất rừng, đất hoang bà Lích khai hoang sử dụng cất nhà ở rồi bây giờ xin nhà nước công nhận mới là đất ở. Vì thế 610 m2 đất là đất thổ cư đã được giao từ năm 1986 thì nay không thể xét lại là đất vượt hạn mức. UBND huyện Đức Trọng đã không tháo gỡ vướng mắc “hạ chuẩn” từ đất thổ cư thành 310 m2 đất nông nghiệp đã cấp chưa đúng thì nay lại quyết định thu tiền sử dụng đất 162,3 m2 vượt hạn mức của bà Lích nhưng hình như vẫn còn quên chưa hoàn trả 310 m2 đất nông nghiệp trở lại thành 310 m2 đất ở thổ cư cho bà Lích (?).

Cụ Lích quá mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng theo đến cùng để tìm công lý
Cụ Lích quá mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng theo đến cùng để tìm công lý

Đối chiếu với các qui định pháp luật, toàn bộ diện tích đất của gia đình bà Lích là đất thổ cư được nhà nước giao sử dụng từ năm 1986 và sau này đã được Quyết định 419 của UBND huyện Đức Trọng xác nhận một lần nữa là đất thổ cư thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ phải tiếp tục công nhận là đất ở và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với toàn bộ 563,9 m2 đất trên cho bà Lích là đất ở và không được tính tiền sử dụng đất theo qui định pháp luật, đó chỉ là việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Lích đúng qui định pháp luật về cả nội dung lẫn hình thức nhằm đảm bảo cho bà Lích có đầy đủ quyền sử dụng đất mà bà Lích có quyền được thụ hưởng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!

Trung Kiên