Bài 62:
Vụ áp thuế oan 5,7 tỷ đồng: “Tổng lực” vì niềm tin của bạn đọc!
(Dân trí) - Hơn 60 kỳ báo điều tra kéo dài gần 1 năm của Báo Dân trí đã làm sáng tỏ vụ áp thuế oan hơn 5,7 tỷ đồng đối với cụ bà 75 tuổi Đàm Thị Lích. Hành trình gian truân ấy có lúc tưởng chừng rơi vào “ngõ cụt” nhưng với quyết tâm bảo vệ sự thật, chúng tôi đã dấn thân đi đến cùng sự việc, không phụ sự tin tưởng, đồng hành của hàng vạn bạn đọc suốt thời gian qua.
Ngược xuôi những chuyến xe đêm!
Cuối tháng 6/2015, Báo Dân trí nhận được đơn cầu cứu của cụ Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) trình bày về việc cụ bị áp mức thuế hơn 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất của gia đình. Câu chuyện áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất ở huyện đã thu hút sự chú ý cho những người làm báo chúng tôi. Trong cuộc họp giao ban, tôi xin ý kiến Ban Biên tập tiếp cận vụ việc này và được lãnh đạo đồng ý. Để kịp thời thông tin và giải đáp những điều mà chúng tôi xác định còn mập mờ, uẩn khúc từ đơn kêu cứu của cụ Đàm Thị Lích, tôi lập tức lên đường.
Vượt qua chặng đường 300km từ TP.HCM ngược lên huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) thì trời cũng vừa sáng. Theo địa chỉ, tôi đến được nhà cụ Đàm Thị Lích, hình ảnh đầu tiên mà đến giờ tôi vẫn không thể quên được là cảnh một cụ bà lom khom, tóc bạc, vẻ mặt khắc khổ ngồi trên ghế với đống hồ sơ, đơn cầu cứu và tờ thông báo nộp thuế lên đến hơn 5,7 tỷ đồng. Trong buổi làm việc, nhiều lần cụ Lích uất nghẹ khi kể về những ngày tháng đổ mồ hôi, nước mắt để khai phá mảnh đất gần 4.000m2 để rồi sau đó bị thu hồi và huyện Đức Trọng cấp lại cho cụ 610m2 đất thổ cư. Đắng cay hơn, cụ Lích còn bị dồn ép vào đường cùng với số tiền thuế buộc phải đóng lên đến hơn 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất/610m2 đã được công nhận là đất thổ cư cư năm 1986, số tiền thuế ấy ngay cả trong mơ bà cụ cũng chưa bao giờ thấy.
Từ những tài liệu, chứng cứ cụ thể mà gia đình cụ Đàm Thị Lích trình bày và cung cấp, chúng tôi tiếp tục làm việc với UBND huyện Đức Trọng để có sự đối chiếu, khách quan. Trước câu hỏi việc áp mức thuế 5,7 tỷ đồng với một bà cụ 75 tuổi nghèo khổ khiến nhiều người “giật mình” có hợp lý?. Ông Phan Anh Tuấn, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng cho rằng, Phòng Tài nguyên chỉ lập hồ sơ, chuyển phiếu thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính. Trong khi đó, đại diện Chi Cục thuế huyện Đức Trọng vô tư cho biết chỉ làm theo quy định, người dân có “giật mình” vì phải đóng hơn 5,7 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất cho 253m2 đất cũng đành chịu!
Cách trả lời có phần vô trách nhiệm của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục thuế huyện Đức Trọng khiến chúng tôi càng quyết tâm đi đến cùng sự thật. Liên tiếp những chuyến xe đêm ngược xuôi từ TP.HCM lên Đức Trọng và ngược lại được PV Dân trí sử dụng để tiết kiệm thời gian và kịp thời tìm ra những điểm mấu chốt của vụ việc. Khoảng thời gian gần 7 tiếng nằm trên xe khách ấy là bao nỗi niềm trăn trở của chúng tôi về số phận của một cụ bà, dù ở cái tuổi “gần đất xa trời ấy” nhưng mấy chục năm nay cụ Lích chưa có một giấc ngủ yên lành, chưa có được một ngày thanh thản.
Có những lúc vì áp lực công việc, cuộc sống khiến tôi đuối sức nhưng nghĩ đến cụ Lích, nghĩ đến nỗi trăn trở, uất ức mà cụ đang gánh chịu thì những chuyến đi ngược xuôi đêm hôm ấy có đáng kể gì. Hàng trăm ý kiến bạn đọc thể hiện sự bất bình về vụ việc này và mong muốn sự thật được đưa ra ánh sáng khiến tôi như được tiếp thêm sức mạnh để bước trên con đường đồng hành cùng bà cụ nghèo khổ cho đến ngày niềm vui được òa trong cảm xúc tột cùng của khoảnh khắc cụ Lích cầm trên tay cuốn sổ đỏ với phần diện tích 563,9m2 đất với mức thuế 0 đồng. Nếu như theo cách tính trước đây của UBND huyện Đức Trọng thì muốn chuyển đổi diện tích đất ấy, cụ Lích phải đóng ít nhất là 12,6 tỷ đồng/563,9m2.
“Tổng lực” vì niềm tin của bạn đọc
Khi vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất huyện đối với cụ bà 75 tuổi nghèo khổ được đăng trên chuyên mục Bạn đọc của Báo Dân trí đã nhanh chóng gây chấn động dư luận, thu hút sự quan tâm của người dân cả nước. Để đưa ra những cơ sở pháp lý và chứng minh những bằng chứng giúp dân đã bị UBND huyện Đức Trọng cố tình “lãng quên”, chúng tôi đã tìm đến Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhờ hỗ trợ. Bằng những phân tích sắc sảo và kinh nghiệm hành nghề lâu năm của mình, luật sư Lễ đã chỉ ngay ra những điểm bất hợp lý và những sai phạm của UBND huyện Đức Trọng. Ngay sau đó, hàng loạt cơ quan, ban ngành huyện Đức Trọng và UBND tỉnh Lâm Đồng vào cuộc. Nhiều cuộc họp diễn ra nhưng sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”, cả một hệ thống chính quyền vẫn quyết áp thuế vài tỷ đồng đối với cụ Lích.
Cụ Đàm Thị Lích hạnh phúc cầm cuốn sổ đỏ.
Quyết tâm đi đến cùng sự việc để tìm lại công lý cho cụ bà 75 tuổi, Báo Dân trí liên tiếp đăng tải hàng chục bài điều tra nhằm đưa sự việc ra trước công luận, mọi thông tin, phân tích trong bài viết đều khách quan, rõ ràng mà bất cứ bạn đọc, người dân nào nhìn vào cũng thấy sự bất thường và vô lý ở vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất huyện. Tuy nhiên, chỉ có những ông “quan huyện” là không nhìn ra. Đây cũng là giai đoạn, chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhất khi chính quyền huyện Đức Trọng “đá bóng” trách nhiệm và né tránh phóng viên bằng “điệp khúc…bận họp”. Không ít lần chúng tôi vượt hơn 300km trong đêm tối để kịp nắm bắt thông tin giải quyết từ cơ quan chức năng huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng nhưng khi đến nơi thì lại phải trắng tay đi về. Cái vòng luẩn quẩn, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh của những người có liên quan như muốn làm cho cánh nhà báo chúng tôi nản chí phải bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, với sự đồng hành của nhà báo Anh Thế - Trưởng Ban bạn đọc, nhà báo Lý Toàn Thắng - Trưởng đại diện Văn phòng TP Hồ Chí Minh báo Dân trí và sự hỗ trợ nhiệt tình của luật sư Hồ Nguyễn Lễ Trưởng đã giúp tôi vượt qua gian khó, đeo đuổi và thông tin sự việc.
Những lúc khó khăn nhất, Báo Dân trí đã phát huy sức mạnh “tổng lực” với sự vào cuộc của nhà báo Phạm Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập đã tạo ra bước ngoặt mang tính chất quyết định cho vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo “nóng” và yêu cầu: “Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sai phạm thì xử lý theo tinh thần thượng tôn Pháp luật, xử lý nghiêm không loại trừ một ai”. Liên quan đến vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng làm rõ và báo cáo Thủ tướng. Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã “chuyển mình” bằng cách lập tức thành lập đoàn thanh tra liên ngành, giải quyết vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng và chỉ đạo UBND huyện Đức Trọng cấp sổ đỏ diện tích 563,9m2 cho cụ Đàm Thị Lích với mức thuế 0 đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định trong quá trình xem xét, giải quyết đơn của bà Đàm Thị Lích, UBND huyện Đức Trọng đã vận dụng quy định của pháp luật chưa đúng, để vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân khiếu nại, tạo dư luận không tốt tại địa phương…UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đức Trọng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong vụ việc này, đề xuất hướng xử lý và báo cáo UBND tỉnh”.
Ngày 3/6, cụ Đàm Thị Lích chính thức được nhận cuốn sổ đỏ sau hàng chục năm gian nan khiếu nại, cầu cứu khắp nơi. Trong khoảnh khắc kỳ diệu ấy, tôi và cụ Lích đều có chung cảm xúc vỡ òa, cụ Lích mếu máo gửi lời cảm ơn đến phóng viên, đến Báo Dân trí, đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và luật sư Hồ Nguyên Lễ. Nụ cười mãn nguyện ở cuối đời của cụ Lích khi được cầm cuốn sổ đỏ trong tay như một món quà vô giá với những người làm báo như chúng tôi bởi công lý đã được thực thi. Có thể khẳng định rằng, thay tiếng nói của người dân đi tìm công lý và đem lại sự công bằng cho bạn đọc đã tin tưởng và ủng hộ Báo Dân trí suốt thời gian qua là sứ mệnh của những người làm báo chúng tôi.
Thành công sau hành trình gian truân xin cấp sổ đỏ cho cụ Lích là món quà ý nghĩa nhất mà chúng tôi luôn mong muốn nhận được và càng ý nghĩa hơn khi món quà ấy đến đúng vào dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2016.
Trung Kiên