Vì sao có những “vấn nạn” trong dịch vụ y tế?

Ý kiến bạn đọc thảo luận xung quanh vấn đề “đưa và nhận phong bì tại bệnh viện công” trên Diễn đàn Dân trí rất gay gắt và cũng đa chiều, hầu hết là ý kiến phản đối. Qua phân tích sơ bộ, tôi thấy nổi cộm là các nguyên nhân:

Mất cân đối nghiêm trọng trong cung - cầu về dịch vụ y tế; Nạn phong bì có nguyên nhân xã hội nói chung và ngành y tế là 1 trong số đó; Quản lý về Y tế và giáo dục y đức còn nhiều bất cập; Thu nhập của bác sỹ và nhân viên y tế không đủ sống; Bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân nhiều khi cố tình đút lót phong bì.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Là một bác sỹ, tôi xin nêu thêm 1 lý do khác nữa mà ít ai để ý xem xét, phân tích đó là nguyên nhân nằm ngay trong "sản phẩm" đặc thù của lĩnh vực dịch vụ y tế hay chính xác hơn là dịch vụ khám, chữa bệnh, kê đơn.

 

Sau hơn 20 năm đổi mới của đất nước ta, ai ai cũng nhận thấy là sự cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ rất rõ nét, trên mọi ngành, mọi lĩnh vực, dịch vụ y tế cũng nằm trong số đó nhưng mức độ cạnh tranh quyết liệt thì thua xa các ngành khác bởi khu vực y tế công vẫn nắm quyền chi phối gần như tuỵệt đối. Người tiêu dùng khi mua sản phẩm hay dịch vụ của các ngành khác rất dễ dàng thử nghiệm, đánh giá, kiểm chứng, so sánh , chỉ thích hợp mới mua, còn "sản phẩm" dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì có thể nói khách hàng gần như lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp dịch vụ.

 

Để hạn chế và dần dần loại bỏ hiện tượng tiêu cực tại bệnh viện, cần những giải pháp đồng bộ chữa trị những căn nguyên trên đây. Tôi chỉ xin nêu biện pháp khắc phục những mặt trái của "sản phẩm" y tế như sau:

 

1. Với bệnh nhân và thân nhân:

 

- Nâng cao kiến thức về y học, tìm hiểu tốt nhất về tình trạng bệnh tật của mình, ngay cả trong những trường hợp cấp cứu cũng cần bình tĩnh nắm bắt vấn đề, quan sát kỹ lưỡng những nội quy, qui chế, qui trình khám, chữa bệnh, kíp trực và các thông tin liên quan tại nơi khám chữa bệnh vì hầu hết các bệnh viện đều có chỉ dẫn những điều này.

 

Tôi thấy hầu hết bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân hầu như chả đọc những dòng chữ to đùng được hướng dẫn công khai mà cứ lo lắng, tìm cách lân la hỏi riêng nhân viên hay bác sỹ. Hãy làm 1 khách hàng thông thái là tự cứu mình.

 

- Nâng cao nhận thức và hiểu rõ quyền của mình, dũng cảm bảo vệ quyền lợi mà nhà nước và xã hội đã tạo cho mình. Tôi quan sát các người nhà bệnh nhân hay bệnh nhân hầu hết có biểu hiện cực đoan, hoặc là thiếu tự tin, sợ hãi hoặc là nóng nảy quá khi giao tiếp với bác sỹ và nhân viên y tế.

 

- Trong điều kiện có thể nên tham vấn những người có chuyên môn và thấy tin tưởng để có thái độ tự chủ trong quyết định sử dụng dịch vụ y tế mà không lệ thuộc hoàn toàn vào sự chỉ đạo của Bác sỹ, nhân viên y tế tại nơi khám, chữa bệnh.

 

- Trong những trường hợp khẩn cấp, hãy trực tiếp gặp lãnh đạo của khoa, phòng hay BGĐ bệnh viện để bày tỏ thái độ một cách chính đáng. Tôi đảm bảo 100% rằng không 1 lãnh đạo nào dám bênh vực cho sự sai trái của cấp dưới.

 

- Hãy xây dựng niềm tin rằng, ngay cả khi không có phong bì, ngay cả khi có bất đồng với bác sỹ trực tiếp điều trị, thì bất kể 1 bác sỹ nào cũng không đủ sự bất lương và cả gan dám làm hại bệnh nhân. Đây là sự thật 100%, nếu tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tin và thực hiện vấn đề này tôi tin chắc môi trường bệnh viện sẽ trong lành hơn rất nhiều.

 

2. Với bác sỹ và nhân viên y tế:

 

- Tôi thiết nghĩ, dù cho bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân không có kiến thức về y học thì họ cũng hiểu được những chỉ dẫn, những lời lẽ mạch lạc, rõ ràng về tình trạng bệnh tật của họ và phương hướng xử trí, vì vậy các bác sỹ không nên “huyền bí hóa” về cái gọi là "chuyên môn" của mình.

 

- Tư vấn kỹ cho bệnh nhân mới là cách thức điều trị tích cực nhất. Ai ai đã từng ngồi trên ghế trường Y khoa đều hiểu rất rõ sự hợp tác tận  tâm của bệnh nhân quyết định ít nhất 50% kết quả điều trị, ngay cả những trường hợp phải dành giật mạng sống.Tôi quan sát tại bệnh viện, điều này gần như không được thực hiện.

 

3. Với các cấp quản lý y tế:

 

Do đặc thù của "sản phẩm" y tế nêu trên, ngành y tế bên cạnh thúc đẩy mạnh mẽ "xã hội hóa" dịch vụ khám chữa bệnh, còn cần khuyến khích  thành lập nhiều những trung tâm tư vấn sức khỏe, những trung tâm kiểm định chất lượng cơ sở khám chữa bệnh, kiểm định chất lượng bác sỹ (rất nên để cả nhà nước và tư nhân làm); công  việc này hiện còn rất ít, thậm chí còn để trống.

 

Thật không khó khăn gì nếu mỗi bệnh viện, mỗi Sở y tế, Bộ y tế lập các Website kèm theo email từng cá nhân lãnh đạo, lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi của bệnh nhân nhưng nó phải được quan tâm cập nhật và xử lý thường xuyên chứ nếu chỉ hình thức thì cũng không có tác dụng.

 

Tôi nghĩ rằng, vấn nạn "phong bì" trong xã hội ta là một sự thật, nó có căn nguyên từ những cung cách quản lý kinh tế - xã hội, lại còn là hệ quả của thời kỳ  quá độ phát triển kinh tế thị trường, muốn thay đổi nó cần có thời gian, nhưng nếu chúng ta làm quyết liệt thì tốc độ thay đổi nhanh hơn, và ở đây tôi muốn nói tất cả phải vào cuộc: Từ cơ quan quản lý nhà nước đến các bệnh viện, thầy thuốc và bệnh nhân đều phải chung tay góp sức mới đẩy lùi được những hiện tượng tiêu cực không đáng có tại bệnh viện.

 

BS. Minh Tân

(Hoaminhtan05@yahoo.com)

 

LTS Dân trí: Phân tích về những nguyên nhân gây ra những “vấn nạn” trong dịch vụ khám, chữa bệnh, BS. Minh Tâm - tác giả bài viết này đã có con mắt nhìn khá toàn diện. Tệ nạn “phong bì lót tay” đúng là tình trạng chung đáng quan tâm giải quyết của xã hội hiện nay chứ không phải là chuyện riêng của ngành y tế. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, đây là lĩnh vực hoạt động mang tính nhân đạo, trực tiếp góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, Bộ Y tế cũng như các cấp, các ngành có liên đới cần tập trung sức giải quyết vấn nạn trong ngành y tế trước hết.

 

Trong tình hình chưa thực hiện được triệt để việc cải cách tiền lương nói chung thì nên thực hiện ngay phụ cấp thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh (tương tự như phụ cấp giáo viên đứng lớp). Mặt khác, cần kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương đi đôi với đề cao y đức của người Thầy thuốc. Toàn dân ta rất mong ngành y tế lên tiếng mạnh mẽ “nói không với tiêu cực” trong môi trường vốn phải trong sạch của những người Thầy thuốc mặc áo trắng.