Tuyển bằng hay tuyển người?
Tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng mới đây, Sở Nội vụ của thành phố này có tờ trình về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp cho năm tới. Theo đó, bắt đầu từ năm 2011, thành phố sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước.
Thoạt nghe, nhiều người sẽ rất đồng tình với văn bản này, song xét dưới góc độ nhân văn và giáo dục, thì đó là một tờ trình cần phải cân nhắc. Nếu áp dụng văn bản trên một cách triệt để thì cũng có nghĩa là chúng ta sẽ xóa bỏ toàn bộ hệ đào tạo tại chức của các trường đại học, ít nhất là trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Bởi vì, đào tạo mà không biết sử dụng vào đâu thì đào tạo làm gì?
Có một thực tế không thể phủ nhận trong nhiều năm qua là các trường đại học đã vươn “cánh tay tại chức” của mình đến hầu hết các hang cùng ngõ hẻm, mở ra một cơ hội “phổ cập đại học” cho toàn dân. Chính vì mở rộng hệ tại chức một cách tràn lan như vậy, nên chất lượng của những lớp học này có thể nói là rất kém. Lâu nay, không ít con em của các quan chức, do không chen nổi vào hệ chính quy, bèn rẽ sang hệ tại chức, nắm được mảnh bằng tốt nghiệp đại học trong tay, cứ thế tiến thẳng vào các cơ quan nhà nước một cách ngon lành, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy hẳn hoi, đành phải đứng ngoài nhìn.
Nhiều cơ quan nhà nước khi tuyển người chỉ dựa vào bằng cấp cộng với các mối quan hệ, mà không dựa trên năng lực thực tế của đối tượng được tuyển. Chất lượng của cán bộ kém đi, một phần là ở khâu tuyển dụng theo kiểu này.
Chúng ta không vơ đũa cả nắm, rằng hễ học tại chức đều kém cỏi cả. Đã có những người, chỉ bằng con đường học tại chức hoặc tự học, nhưng trí tuệ và năng lực của họ chẳng hề thua kém với những người được đào tạo chính quy, số này rất ít nhưng không phải là không có. Thực tế cho thấy, không hiếm người đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống bộ máy công quyền hiện nay, dù không được đào tạo chính quy nhưng họ vẫn hoàn thành tốt trọng trách được giao. Họ là những người, do hoàn cảnh khác nhau nên không có cơ hội để được thi thố tài năng của mình qua các đợt tuyển sinh chính quy. Vì vậy, hệ tại chức với họ như là một cửa ngõ và cũng là cơ hội để họ chứng tỏ năng lực của mình.
Tại chức và chính quy, hai hệ đào tạo khác nhau nên chất lượng không như nhau. Tuy nhiên, Nhà nước nên tạo cơ hội ngang nhau cho những người theo học ở hai hệ đào tạo này. Muốn vậy, các nhà tuyển dụng cần phải xem xét năng lực thực tế của các đối tượng được tuyển chứ không nên dựa hoàn toàn vào bằng cấp. Bằng cấp là điều kiện cần nhưng tự nó chưa đủ để làm cơ sở duy nhất trong tuyển dụng.
Đà Nẵng lâu nay vẫn được xem là thành phố năng động nhất ở miền Trung với nhiều ý tưởng “chẳng giống ai”, và họ đã gặt hái được nhiều thành công từ những ý tưởng ấy. Tuy nhiên, kế hoạch không tuyển sinh viên tại chức sang một bên khi tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước thì lại là một “sáng kiến” cần phải cân nhắc trước khi áp dụng rộng rãi vào năm tới.
Lao Động