Không thể tuyển chọn tốt bằng một phép loại trừ đơn giản

(Dân trí) - Vừa qua, TP Đà Nẵng đưa ra quy định không tiếp nhận người có bằng tại chức vào danh sách tuyển chọn cán bộ, công chức tại địa phương, tôi thấy điều đó thật bất công đối với một bộ phận những người có chí cầu tiến.

Bạn đọc Trần Thị Phương:

 

 Khi còn trẻ, do điều kiện và hoàn cảnh nào đó mà bạn không có điều kiện học đại học thì sau khi đi làm, có thể học đại học  hệ tại chức hoặc hệ vừa làm vừa học. Với những người xác định học để nâng cao kiến thức, mở rông hiểu biết thì việc học của họ có thể sẽ có thực chất hơn những sinh viên chính qui (vì họ còn có thêm kinh nghiệm nhiều năm đã tiếp xúc thực tế với công việc). Tuy nhiên, cũng phải công nhận là chất lượng đào tạo hệ tại chức ở nước ta hiện còn chưa được coi trọng đúng mức như giáo viên chưa đầu tư cho việc giảng dạy, chỉ là thỉnh giảng; một số người học tại chức chỉ là hợp thức hóa bằng cấp nên dẫn đến chất lượng kém là điều không tránh khỏi.

Tôi là người đã có bằng trung cấp trước khi vào làm tại cơ quan nhà nước và đã học tiếp xong chương trình đào tạo Đại học Luật. Qua thời gian học hệ vừa làm - vừa học tôi thấy mình tiến bộ rất nhiều, ứng dụng được rất nhiều kiến thức vào công việc. Theo tôi, việc tuyển công chức mà chỉ căn cứ vào bằng cấp là không công bằng, khách quan, mà phải chú trọng đến chất lượng đào tạo ở hệ tại chức trong tương lai để tấm bằng hệ tại chức không bị rẻ rúng như hiện nay.

 

Bạn đọc Phạm Đình Cương:

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tôi nhất trí với bài: "Lỗi không ở tấm bằng mà ở cách tuyển dụng" trên báo Dân trí. Tôi thấy ở hệ đào tạo nào cũng có cái hay và cái dở, cũng có người giỏi và người kém. Một số người quá coi trọng bằng cấp, cho nên xem những người có bằng cấp chính quy là có trình độ. Ta thấy trên mạng hiện nay đang sôi nổi về "Luồng sáng bí ẩn"; vấn đề này không ít người có bằng cấp của hệ đào tạo chính quy (kể cả đào tạo ở nước ngoài) không hiểu gì, cho là vấn đề khoa học bí ẩn phải có thời gian nghiên cứu, nhưng thực chất đó chỉ là ánh sáng phản xạ của sợi tơ nhện!

Năm 1970, tôi học tại chức khoa vô tuyến điện ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng nhà trường nhờ tôi phụ đạo cho sinh viên năm thứ 4 khoa vô tuyến điện đang chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, tôi vẫn hoàn thành tốt công việc.

Tôi thấy nên căn cứ vào thực chất trình độ, năng lực con người chứ không nên chỉ dựa vào bằng cấp.

 

Bạn đọc Trần Ngọc Bình:

Theo tôi, học "giỏi" hay không phụ thuộc phần lớn vào người học chứ không phải người thầy.

vận dụng tốt kiến thức được học  vào cuộc sống-công việc hay không thì điều đó phụ thuộc chính vào nhận thức mối quan hệ “con người-xã hội-thu nhập” chứ không phải là bằng đại học chính qui hay tại chức.

Để làm tốt công viêc thì yếu tố quan trọng là trình độ-tư duy, phẩm chất đạo đức, tư cách con người chứ không phải là trẻ hay già...bằng chính qui hay bằng tại chức.

Ngoài ra, cũng có một số người học tại chức vì lí do hoàn cảnh cần phải vừa làm vừa học, nhưng cũng không ít người vì lí do...”quá dốt” phải tìm con đường vòng để kiếm được tấm bằng, cho nên việc xem xét, đánh giá phải tùy theo trường hợp cụ thể.

Tóm lại bằng cấp là bằng chứng đánh giá trình độ của một người học ở thời điểm quá khứ chứ không thể đánh giá được một “công chức viên” trong tương lai, vì vậy nếu doanh nghiệp-cơ quan mà công tâm thì chắc chắn họ sẽ tìm được người có trình độ...”tốt” còn không thì ngược lại... mà thôi.

 

Bạn đọc Khanh Lien:

 

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến nhìn nhận chung là người học tại chức thường không làm tốt công việc như những người học chính quy, bởi một lý do rất đơn giản: hệ tại chức không được đào tạo về trình độ chuyên môn một cách cơ bản, họ học cũng chỉ cốt lấy tấm bằng để “theo kịp” với đồng nghiệp, bạn bè cùng trang lứa và điều cốt lõi tấm bằng sẽ giúp họ thăng tiến cao hơn. Họ học không để lấy kiến thức, không nhằm mục đích nâng cao trình độ hiểu biết cho bản thân.Ở nước ta, có sự lơi lỏng trong quản lý ở  các trường có hệ tại chức; thầy cô giảng dạy hệ này thiếu nhiệt tình,  chỉ là giảng dạy cho xong nhiệm vụ. Những người đi học tại chức có thể  thuê người khác đi học thay hoặc nhờ anh em, bạn bè học hộ, miễn sao sau 4 năm hoặc 1 khoảng thời gian nào đó họ nghiễm nhiên cầm trong tay tấm bằng là được. Mọi chế độ quyền lợi của người học tại chức hay học chính quy ở nước ta đều được áp dụng như nhau, nhưng về chất lượng thì sao? Tôi mong muốn sẽ có nhiều địa phương khác áp dụng hình thức tuyển dụng như Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng. Có như vậy mới thắt chặt được sự quản lý về nguồn nhân có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được với nhu cầu tình hình của đất nước, tránh tình trạng có bằng mà không có kiến thức về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

 

Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng:

 

Tôi thấy TP Đà Nẵng đã làm đúng, có lẽ nước ta phải làm vậy thì xã hội mới thóat khỏi cái cảnh “xã hội bằng cấp” như hiện nay. Tôi làm ở một trường dạy nghề, trường có liên kết đào tạo với một trường đại học để đào tạo cho cán bộ xã phường theo đề án, nhưng có hơn nửa số đó là người mới tốt nghiệp THPT. Nếu như họ học nghiêm túc thì không nói nhưng các bạn có thể tưởng tượng chỉ có vài ngày mà thi những 10 môn thế thì làm sao mà có chất lượng chứ, vậy mà với những tấm bằng đó họ có thể ngoi lên rất cao, còn hơn cả những người học chính quy. Tôi nghĩ rằng ở nước ta phải đổi tên bằng đại học tại chức thành tên khác không phải là bằng đại học để đỡ lẫn lộn chứ cứ như thế này thì người học cũng bằng người không học thật bất công.

 

Bạn đọc Đặng Mạnh Cường:

 

Tôi cũng rất đồng tình với quan điểm của thành phố Đà Nẵng. Chúng ta phải làm mạnh tay trong vấn đề này. Cứ làm theo cảm tính nhân nhượng như thế thì chẳng bao giờ Việt Nam đi lên được. Mục đích chính ở đây là chọn người tài, mà tại chức ở Việt Nam phải nói từ "VÔ CÙNG CHÁN". Bằng "thật" nhưng chất lượng "giả". Tôi cũng hiểu cho một số độc giả không đồng tình, nhưng đấy chỉ là biện minh cho một lý lẽ đi xuống. Giả dụ tại chức Việt Nam đào tạo tốt thì cái điều đó tôi cũng sẽ không đồng tình với thành phố Đà Nẵng. Nhưng ngay cả các trường Đại học chính quy cũng đã đạt "tiêu chuẩn" chưa? Câu trả lời là chưa. Nhưng qua thực tế tôi cũng thấy, sinh viên chính quy “đầu vào” khó vì vậy khi ra trường họ làm việc linh hoạt hơn rất nhiều. Còn nếu nói về kinh nghiệm nghề nghiệp so với người tốt nghiệp hệ tại chức, nếu cùng làm thời gian như nhau, trong điều kiện như nhau thì họ có hơn tại chức không? Câu trả lời của tôi chắc chắn là hơn. Họ nhận thức nhanh hơn, mà làm việc trên cơ sở không dập khuôn, có sự sáng tạo. Như vậy chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này và xử lý cho đúng. Có "đau" một tý nhưng trị được căn bệnh “đào tạo giả” đối với hệ tại chức hiện nay.

Bạn đọc Lê Nguyễn Thị Kim:

 

Theo tôi thì tất cả nằm ở khâu tuyển dụng, nếu muốn tìm được người tài thực sự thì nên có cuộc tuyển dụng thực sự.

Khi muốn làm trong cơ quan nhà nước thì ai cũng phải qua cánh cửa tuyển dụng,  vậy tại sao không rào ngay cánh cửa này mà phải đến tận cổng trường để rào?

 

LTS Dân trí - Tựu trung cho đến nay vẫn có hai luồng ý kiến: đồng tình hoặc không đồng tình với quyết định của TP. Đà Nẵng về việc không tuyển dụng người có bằng tại chức vào cơ quan nhà nước của địa phương.

Vấn đề mấu chốt ở đây là làm sao việc tuyển chọn cán bộ, công chức được công bằng, chính xác - tuyển chọn đúng người có năng lực chuyên môn, có khả năng sáng tạo, có tư cách, đạo đức tốt và biết cách ứng xử, giao tiếp… Điều đó không thể căn cứ vào tấm bằng mà phải qua những hình thức trắc nghiệm, phỏng vấn và thử việc.

Tình trạng không bảo đảm chất lượng trong việc tuyển chọn cán bộ, công chức hiện nay chủ yếu là do thiếu khách quan, không công bằng, minh bạch trong quy trình tuyển chọn. Vì vậy không thể khắc phục tình trạng này bằng một phép loại trừ đơn giản những tấm bằng tại chức. Hơn nữa, việc làm này trái với pháp luật cũng như trái với xu thế phát triển của thời đại là phải khuyến khích việc học tập suốt đời bằng nhiều hình thức, trong đó có học tại chức.

Đương nhiên là phải lập lại trật tự trong tình hình đào tạo tại chức lộn xộn hiện nay.