Có nên “nói không” với đào tạo tại chức?

(Dân trí) - Vừa qua, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng đưa ra quy định không tuyển những viên chức nhà nước từ nguồn sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức. Chủ trương này đã tạo nên một cuộc tranh luận trên Diễn dàn của báo Dân trí cùng một số báo bạn.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1631/Da-ang-noi-khong-voi-sinh-vien-tai-chuc.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Đà Nẵng nói “không” với sinh viên tại chức</b></a>

Tựu trung, có hai luồng ý kiến: đồng tình và không đồng tình với chủ trương của Đà Nãng.

Nên hay không nên áp đặt quy chế tuyển dụng như vậy?

Những người đồng tình với Đà Nẵng thì cho rằng hệ tại chức có chất lượng quá kém do việc tuyển đầu vào rất dễ dàng, quá trình học tập cũng như thi và kiểm tra từng môn học không nghiêm túc, hầu như mọi sinh viên đều đạt yêu cầu, thậm chí là khá, giỏi, miễn là có tiền nộp học phí và biết đối xử “hậu hĩ” với thầy trước mỗi kỳ thi hoặc làm khóa luận tốt nghiệp, vì vậy chất lượng học tập không bảo đảm nhưng vẫn có tấm bằng đại học rất đẹp trong tay.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nếu coi những người tốt nghiệp đại học theo kiểu như vậy cũng có quyền bình đẳng như những người tốt nghiệp đại học chính quy để cùng được tuyển dụng làm viên chức nhà nước thì thật là không công bằng. Trên thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp tốt nghiệp đại học chính quy hẳn hoi nhưng vẫn bị thất nghiệp trong khi những người chỉ tốt nghiệp hệ đại học tại chức nhưng là “con ông cháu cha”, có những mối quan hệ mật thiết với những người có chức có quyền  hoặc sẵn tiền để chạy chọt thì được tuyển dụng. Vì vậy, để ngăn ngừa những trường hợp tiêu cực như vậy thì quyết định của TP Đà Nẵng là sáng suốt và công bằng.

 

Những người không đồng tình với chủ trương của Đà Nẵng thì cho rằng quyết định đó thể hiện cách xử sự theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Đã đành, hệ đào tạo đại học tại chức những năm gần đây phát triển quá nhanh, trong khi điều kiện dạy và học  không bảo đảm yêu cầu chất lượng đào tạo. Tuy nhiên không phải tất cả các trường đại học có hệ có hệ đào tạo tại chức đều như vậy. Hơn nữa, chất lượng học tập chủ yếu do sinh viên, nhất là hệ vừa học vừa làm càng cần “tự thân vận động”, phải chủ động sắp xếp thời gian và vượt qua mọi khó khăn để học cho tốt, vì vậy nếu có ý chí và thật sự khát khao học tập thì vẫn thu được kết quả học tập tốt, thậm chí là người giỏi bên cạnh nhiều người dốt.

 

Vì vậy, đóng sập cánh cửa ngay từ khi nộp hồ sơ tuyển dụng là hết sức võ đoán và không công bằng đối với những người tốt nghiệp hệ đại học tại chức. Tại sao không cho họ có cơ hội thi tuyển cùng với sinh viên hệ chính quy xem ai hơn ai như nhiều cơ sở tuyển dụng ở TP Hồ Chí Minh; thậm chí còn có sinh viên tốt nghiệp  hệ đào tạo từ xa, được tham gia cuộc thi tuyển của nước ngoài, đã vượt qua 3000 ứng viên khác để  nhận học bổng  đào tạo  thạc sĩ tại trường Đại học Westminster Luân Đôn (Anh). Đấy là bạn Nam Trân đang theo học tại Luân Đôn đã tham gia thảo luận về chủ đề này trên Diễn đàn Dân trí.

 

Cũng có người e ngại rằng nếu không loại trừ ngay từ đầu những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức thì dễ xảy ra tình trạng tiêu cực trong việc tuyển dụng viên chức, nhất là khi họ là con em những vị “chức sắc” tại địa phương hoặc có nhiều mối quan hệ quen biết để chạy chọt, đút lót.

 

Muốn khắc phục tình trạng đó thì phải có quy chế tuyển dụng rõ ràng, có quy trình tuyển dụng chặt chẽ theo những tiêu chí cụ thể về năng lực chuyên môn, đạo đức và qua thời gian thử việc; mặt khác, cần thành lập Hội đồng tuyển dụng nghiêm túc bao gồm những thành viên vừa có đủ trình độ, vừa công tâm và không có con em là ứng viên tham gia tuyển dụng.

 

Không nên và không thể khắc phục tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng viên chức khá phổ biến hiện nay bằng cách áp đặt quy chế  trái với Luật Giáo dục hiện hành không phân biệt giá trị của các loại bằng giữa hệ đào tạo chính quy và tại chức.

 

Đấy là những ý kiến đáng lưu ý của đông đảo bạn đọc gửi đến Diễn đàn tham gia thảo luận về chủ đề này.
 
Có nên “nói không” với đào tạo tại chức? - 1

Kết quả thăm dò trên trang Dân trí từ ngày 7/12/2010 đến nay

 

Giải quyết từ gốc sự phân biệt đối xử

 

Có một số ý kiến cho rằng các trường đại học nên tập trung vào việc đào tạo hệ chính quy, không nên duy trì hệ đào tạo tại chức với chất lượng thấp vì đào tạo ra mà không được cơ quan tuyển dụng chấp nhận như Đà Nẵng thì thật lãng phí.

 

Cách nhìn nhận này chưa thật khách quan, chưa thấy được vai trò của hệ thống đào tạo không chính quy nói chung và loại hình đào tạo tại chức nói riêng ở thời đại ngày nay, khi nền giáo dục đại học từ chỗ dành cho một số ít người (đại học tinh hoa) trở thành đại học cho số đông (đại học đại chúng). Đấy là nhu cầu khách quan của thời đại văn minh trí tuệ và cũng là nhu cầu thiết thân của nhiều người sống trong xã hội học tập. Cũng vì vậy, ở thời đại ngày nay, cùng với sự quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ đào tạo đại học chính quy, còn cần chú trọng phát triển hệ đào tạo đại học không chính quy.

 

Ở nước ta, việc phát triển hệ đào tạo tại chức đã góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình của nhiều người đương chức hoặc vừa học vừa làm. Hệ đào tạo này cũng tạo ra nguồn thu bổ sung đáng kể cho nhiều trường đại học trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp cho hệ đào tạo chính quy còn nhiều hạn chế. Cũng từ đó, nhà trường có điều kiện cải thiện đời sống cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp tham gia giảng dạy.

 

Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh hệ tại chức, lại thiếu sự chuẩn bị hệ thống tài liệu, phương tiện học tập và hệ thống công cụ kiểm tra, đánh giá thích hợp với loại hình đào tạo này, cho nên chất lượng nhìn chung là thấp. Ngoài ra, hệ đào tạo tại chức còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động tiêu cực cả về phía người học và người dạy. Không ít những cán bộ tại chức đi học không xuất phát từ lòng hiếu học, muốn không ngừng nâng cao trình độ, mà chỉ cốt có tấm bằng đại học để được lên lương, được đề bạt, vì vậy đã xảy ra tình trạng học “chiếu lệ”, tìm mọi cách để mua điểm, mua bằng. Cũng không ít thầy giáo đại học đi dạy nhiều lớp tại chức ở nhiều địa phương, tùy tiện cắt xén nội dung chương trình và dễ dãi trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Đấy là những nguyên nhân dẫn tới hậu quả tất yếu là chất lượng đào tạo tại chức của nhiều trường đại học thường là thấp, thậm chí là rất thấp, nhất là trong loại hình đào tại tại chức liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương.

 

Vì vậy, muốn xóa bỏ định kiến cũng như giải quyết từ gốc sự phân biệt đối xử đối với hệ đào tạo đại học tại chức thì cần tìm ra những biện pháp có tính khả thi trong tình hình trước mắt cũng như các biện pháp có tính cơ bản, lâu dài.     

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo bước đầu đưa ra những biện pháp trước mắt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hệ này.

 

Trao đổi với một số phóng viên, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, trong năm 2010, Bộ đã giảm chỉ tiêu đào tạo không chính quy xuống còn khoảng 70% so với hệ chính quy. Trong năm học tới, Bộ tiếp tục siết chặt hệ đào tạo này để các trường có thể đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ cũng đang xem xét để có quy định chung, nguyên tắc chung trong việc phân bổ chi tiêu đào tạo không chính quy (vừa làm vừa học). Có khả năng chỉ tiêu đào tạo sẽ giao theo ngành, không cho các trường đào tạo quá rộng một ngành nào đó trong khi những ngành cần lại không có thí sinh.

 

Ông Thứ trưởng còn cho biết: sắp tới Bô cũng khuyến khích các trường liên thông đào tạo tại chức với chính quy, nhất là khi đã thực hiện đào tạo theo tín chỉ, có thể tổ chức học chung và thi chung, qua đó nâng cao chất lượng hệ không chính quy. Nhưng đó chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc vì phương thức đào tạo hai hệ đó khác nhau, hê không chính quy chủ yếu là vừa làm vừa học, cho nên hình thức học phải mềm dẻo hơn.

 

Còn theo ý kiến của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, trong một bài viết cho Diễn đàn Dân trí đã nêu rõ  biện pháp cơ bản và lâu dài để phát triển bền vững hệ đào tạo không chính quy chính là việc nhận rõ sự khác biệt của hệ đào tạo này so với hệ đào tạo chính quy để có phương thức đào tạo phù hợp. Đấy là phương thức “Giáo dục Mở và Từ xa”, không phải phương thức “Mặt giáp Mặt” (thầy giảng trực tiếp cho trò) như đại học chính quy. Phương thức đào tạo này đòi hỏi “một hệ thống tài liệu học tập tốt thích hợphệ thống công cụ đánh giá chặt chẽ của từng môn học trong chương trình đào tạo”, đồng thời cần được trang bị  hạ tầng về công nghệ thông tin và truyền thông cho các cơ sở chuyên chăm lo hệ đào tạo đó. Đấy cũng là kinh nghiệm thành công của các nước đi trước ta đã phát triển mạnh mẽ hệ đào tạo không chính quy.

 

Học tập kinh nghiệm đó, từ năm 1993,chúng ta đã xây dựng Trường Đại Mở ở TP. Hồ Chí Minh và Viện Đại học Mở tại Hà Nội  giống như mô hình của các nước đi trước, nhưng do chưa dược đầu tư đúng mức và chưa được giao nhiệm vụ chuyên chăm lo hệ đào tạo không chính quy cho nên hai đại học mở này chưa phát huy tác dụng mong muốn. Điều đáng lưu ý hơn nữa là Đề án Phát triển Giáo dục Mở và Từ xa giai đoạn 2005-2010 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2005 nhưng cho đến nay chưa được thực hiện.

 

Nhận rõ tình hình bức xúc của việc nâng cao chất lương đại học nói chung, nhất là đối với hệ tại chức, để từ đó tìm cho ra những biện pháp đích đáng và có tính khả thi để nâng cao chất lượng hệ đào tạo không chính quy đang thu hút gần một nửa tổng số sinh viên tham gia học tập, trả lại quyền lợi chính đáng cho họ cũng như đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng của xã hội.

 

Khi chất lượng của hệ đào tạo không chính quy đã được nâng lên ở mặt bằng chung của trình độ đại học thì chắc chắn không còn sự phân biệt đối xử giữa hệ tại chức và hệ chính quy.

 

Và khi đó tiếng “nói không” đối với hệ tại chức sẽ được thay bằng tiếng “nói không” với sự định kiến và chắc rằng báo chí cũng không còn tốn nhiều trang để bàn về câu chuyện không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức của một địa phương nào đó.

 

                                                                Thao Lâm  

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm