GS.VS Phạm Minh Hạc:

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm lớn nhất về chất lượng hệ tại chức

(Dân trí) - Quá nhiều diễn đàn, nhiều bài viết nói về chất lượng hệ tại chức sau sự việc Đà Nẵng nói “không” với bằng đại học tại chức. GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định: “Trách nhiệm số 1 thuộc về Bộ GD-ĐT”.

Trao đổi với Dân trí ngày 14/12, GS.VS Phạm Minh Hạc cho biết: “Việc giao chỉ tiêu, cấp bằng là do Bộ GD-ĐT, cho nên chất lượng yếu kém đào tạo đại học tại chức hiện nay mà bị nhiều đơn vị sử dụng lao động từ chối, lỗi này thuộc về Bộ GD-ĐT sau đó đến hiệu trưởng các trường.

Tôi ủng hộ Đà Nẵng về chủ trương chọn đội ngũ cán bộ có chất lượng nhưng việc TP.Đà Nẵng nói không với bằng tại chức tôi thấy chưa hợp lý. Theo Luật giáo dục, bằng chính quy hay không chính quy đều được công nhận. Nước ta chỉ có một bộ Luật giáo dục của nhà nước chứ địa phương không được đưa ra luật. Việc làm của Đà Nẵng là vi phạm luật hành chính. Nếu Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu Đà Nẵng thực hiện theo đúng luật giáo dục thì Đà Nẵng phải rút lại văn bản không tuyển dụng sinh viên tại chức đã ban hành”.
 
Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm lớn nhất về chất lượng hệ tại chức  - 1
GS.VS Phạm Minh Hạc

Giáo sư có giải pháp nào để nâng cao chất lượng giáo dục tại chức hiện nay?

Nói thật ra không có nước nào trên thế giới đào tạo nhiều tại chức như ở Việt Nam hiện nay. Trường đại học nào cũng đào tạo tại chức, cả nước có gần 2 triệu sinh viên thì trong đó đã có gần 1 triệu sinh viên hệ tại chức. Tại sao nhiều như vậy, như mọi người đã nói vì hệ tại chức là nguồn thu lớn của các trường. Chính đào tạo nhiều tại chức như vậy nên các thầy cô giáo giỏi đổ xô đi dạy tại chức, không có thời gian nghiên cứu khoa học, không có nhiều thời gian để đầu tư dạy chính qui, điều đó kéo theo chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam ngày càng kém chất lượng như hiện nay. Đó là sự buông lỏng của các nhà quản lý giáo dục.

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là Bộ GD-ĐT cần có cơ chế kiểm soát tốt việc thực hiện tuyển đầu vào, đào tạo và cấp bằng, chế tài nghiêm khắc đối với cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, phải quan tâm tới chất lượng đào tạo tại chức như đào tạo chính qui. Công khai việc thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với với các cơ sở đào tạo yếu kém. Qui trách nhiệm cho hiệu trưởng, nếu hiệu trường làm sai qui định nên cách chức. Làm như vậy, mới hy vọng thay đổi được chất lượng giáo dục tại chức hiện nay. Đặc biệt nên thực hiện lại quy định trước đây là chỉ cho phép người đã có thâm niên làm việc một vài năm mới được học tại chức.

Trở lại vấn đề bằng cấp. Thưa GS, mặc dù luật giáo dục quy định bằng chính quy và tại chức có giá trị như nhau nhưng hiện nay tâm lý xã hội mình vẫn coi trọng đánh giá con người qua bằng cấp. Theo ông làm thế nào để xóa bỏ tâm lý này?

Tâm lý xã hội đánh giá như vậy nhưng chúng ta phải nhìn nhận về mặt luật pháp đã công nhận bằng cấp đó như thế nào. Bằng cấp chỉ là điều kiện, căn cứ để nhận hồ sơ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện nay đã bắt đầu nhìn khác lại với vấn đề bằng cấp và họ tuyển người làm việc thực tế chứ không tuyển bằng cấp. Chính các cơ quan nhà nước của mình hiện nay vẫn nhìn nhận, coi trọng vấn đề bằng cấp, chưa tạo điều kiện cho những người có năng lực phát huy khả năng của mình.

Từ cách nhìn nhận của các nhà quản lý như vậy đã nảy sinh ra vấn đề chạy theo bằng cấp. Để xóa bỏ được tâm lý này, việc đầu tiên là thay đổi quan niệm, nhận thức của người hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế nhưng xem ra rất khó khăn và lâu dài.

Năm 2001 - 2005, Bộ GD-ĐT đã làm một cuộc “cách mạng” là thành lập đoàn kiểm tra bằng cấp từ phổ thông đến đại học. Bộ đã phát hiện trên 10.000 trường hợp cấp bằng sai quy định, trong đó có một số cán bộ cấp tỉnh, cấp TƯ.

Khi còn đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ giáo dục, GS đã phải xử lý trường hợp nào gian lận bằng cấp?

Hồi tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục năm 1987, tôi nhớ nhất một sự việc. Khi tôi vừa lên Bộ trưởng, Vụ tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT nhận10 người mới tốt nghiệp đại học là con em cán bộ trong Bộ về làm việc. Tôi đã quyết định, yêu cầu đưa 10 cán bộ trẻ này về các địa phương làm việc vì làm cán bộ quản lý phải có kinh nghiệm thực tế thì mới nắm bắt được vấn đề thực tế.

Xin cảm ơn GS!

Ngày 27/2/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Chỉ thị về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012. Trong Chỉ thị, Thủ tướng đã chỉ rõ giáo dục đại học cũng bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém. Chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế xã hội của đất nước; cơ chế quản lý của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học và sự quản lý của các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất hợp lý kéo dài, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và sự tự chịu trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý và sinh viên để đổi mới mạnh mẽ, căn bản giáo dục đại học. Tiềm năng đầu tư của xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển giáo dục đại học chưa được phát huy hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân của tình hình trên, nhưng nguyên nhân căn bản chính là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học và sự yếu kém trong quản lý của bản thân các trường đại học, cao đẳng.

Một trong những nội dung quan trọng mà Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần thực hiện ngay là kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết của các trường đại học, cao đẳng trong đề án thành lập trường về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình nhằm bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo; có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với các trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường ĐH, CĐ như cam kết của các nhà đầu tư. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (tại chức), đào tạo từ xa, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm