Thanh Hoá: Cảng vụ hàng hải “phớt lờ” chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải?

(Dân trí) - “Đại diện Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Nghi Sơn từ chối cấp phép cho doanh nghiệp một cách tùy tiện là trái với quy định cũng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải; gây ách tắc cho việc thông quan hàng hóa, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Nghi Sơn, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của đối tác nước ngoài”. Đó là quan điểm của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa gửi các cơ quan chức năng.

Tàu có thông số kỹ thuật phù hợp bị từ chối nhập cảng

Theo đơn kêu cứu của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương (gọi tắt là Cty Đại Dương), có trụ sở tại thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, là đơn vị chủ quản và khai thác cầu cảng số 3, số 4 và số 5, thuộc bến cảng tổng hợp Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ngày 15/4/2017, tàu SWANSEA quốc tịch Marshall Islands không được đại diện Cảng vụ Hàng hải (CVHH) Thanh Hóa cho phép vào bến cảng tổng hợp Nghi Sơn để thực hiện hợp đồng đã ký với Cty Đại Dương.

Thanh Hoá: Cảng vụ hàng hải “phớt lờ” chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải? - Ảnh 1.

Cầu cảng của Cty Đại Dương thuộc bến cảng tổng hợp Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa

Cty Đại Dương đã có văn bản gửi CVHH Thanh Hóa, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 19/4/2017, CVHH Thanh Hóa có công văn số 173/CVHHTH về việc khai thác cầu cảng số 3 và số 5 bến cảng tổng hợp Nghi Sơn gửi Cục Hàng hải Việt Nam. Nội dung công văn xác nhận: Cầu cảng số 3 và cầu cảng số 5 đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở, đưa vào khai thác cho tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải đến 50.000 DWT giảm tải.

Trong hồ sơ kiểm định kết cấu cầu cảng và phương án khai thác các cầu cảng trên đã tính toán cho tàu có trọng tải đến 50.000 DWT với kích thước chiều dài tàu L = 209 m, bề rộng tàu B = 32,3m với mớn nước phù hợp. Trong khi đó, tàu SWANSEA quốc tịch Marshall Islands, trọng tải toàn phần DWT là 63.310 MT, chiều dài LOA = 199,99m, chiều rộng B = 32,26m, tàu nhận 49.500 tấn clinker.

Theo cam kết của Cty Đại Dương về kết cấu cầu cảng và mớn nước lấy hàng để tàu cập và rời cầu an toàn. Trong quá trình tàu cập và rời cầu cảng số 3 nếu xảy ra mất an toàn do kết cấu cầu cảng không đảm bảo, Cty Đại Dương xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng, đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.

Ngoài ra, theo cam kết hợp đồng đã ký với đối tác, mỗi ngày 2 tàu SWANSEA quốc tịch Marshall Islands và tàu Glovis Melody quốc tịch Bahamas không được vào cảng, Cty Đại Dương sẽ bị phạt 6.000 USD. Như vậy, tính đến nay, tổng số tiền phạt Cty Đại Dương phải chịu là gần 100 nghìn USD, chưa tính đến mức phạt khi hết hạn hợp đồng vào ngày 5/5/2017.

“Phớt lờ” chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải?

Sau nhiều lần kiến nghị đến các ngành chức năng chưa được giải quyết, ngày 28/4, Cty Đại Dương có đơn kêu cứu gửi đến Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan báo chí. Sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu của hội viên, HHDN tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 48/HHDN, ngày 30/4 về việc giải quyết việc tiếp nhận tàu ra vào tại cầu cảng số 3, bến cảng tổng hợp Nghi Sơn của Cty Đại Dương.

Thanh Hoá: Cảng vụ hàng hải “phớt lờ” chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải? - Ảnh 2.

Đơn kêu cứu của Cty Đại Dương

Theo HHDN Thanh Hóa, căn cứ Điểm 1, Khoản II, Điều 1, Quyết định số 2368/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 về phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có nêu: "Cỡ tàu theo quy hoạch (tấn trọng tải) để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, không là cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra, vào cảng".

Trước đó, tại Thông báo số 302/TB-BGTVT ngày 6/6/2016 kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công tại cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa về quy hoạch chi tiết cảng biển Thanh Hóa cũng nêu rõ: “Cỡ tàu, trọng tải tàu theo quy hoạch là cơ sở kỹ thuật để tính toán quy mô, chuẩn tắc kỹ thuật cầu cảng, luồng tàu. Trong thực tế khai thác, cầu cảng, luồng tàu được phép tiếp nhận tàu ra, vào làm hàng không giới hạn bởi tải trọng tàu theo quy hoạch mà được xem xét trên cơ sở thông số kỹ thuật tàu phù hợp với chuẩn tắc kỹ thuật luồng tàu (độ sâu, chiều rộng, đường kính quay trở, tĩnh không…) và năng lực cầu cảng”.

Cũng theo phản ánh của đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải cảng biển tại khu vực Nghi Sơn, từ trước đó, CVHH Thanh Hóa vẫn cho phép các tàu có trọng tải trên 50.000 DWT nhưng có thông số kỹ thuật và trọng tải rời cảng phù hợp vào bến cảng tổng hợp Nghi Sơn. Đồng thời, hiện nay, còn nhiều tàu không được vào bến cảng tổng hợp Nghi Sơn cũng với lý do giống như trường hợp phản ánh của Cty Đại Dương.

Thanh Hoá: Cảng vụ hàng hải “phớt lờ” chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải? - Ảnh 3.

Trước đây, ngày 11/10, cầu cảng số 3, do Cty CP Đại Dương khai thác đã đón tàu có trọng tải 5 vạn tấn cập cảng an toàn. Đây là bến cảng thứ 2 ở Thanh Hóa, sau cảng tổng hợp PTFC có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 5 vạn tấn

Theo HHDN tỉnh Thanh Hóa, việc Đại diện CVHH Thanh Hóa tại Nghi Sơn từ chối cấp phép cho doanh nghiệp một cách tùy tiện là trái với quy định cũng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải; gây ách tắc cho việc thông quan hàng hóa tại khu vực cảng Nghi Sơn, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp khai thác cảng, các chủ tàu và chủ hàng có tàu đăng ký hoạt động tại Nghi Sơn, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Nghi Sơn, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của đối tác nước ngoài.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Trần Lê