Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của dân
(Dân trí) - Liên quan đến Đơn kêu cứu của 07 người dân cho biết là chủ của 7 tàu đang khai thác cát trong vùng mỏ được cấp phép trên sông Mã thì bị công an huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) bắt giữ vì cho rằng các tàu này đã có hành vi khai thác cát trái phép, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký công văn gửi Trưởng công an huyện Hoằng Hoá yêu cầu giải quyết dứt điểm.
Theo Công văn số 12697/UBND-TD của UBND tỉnh Thanh Hoá gửi Trường Công an huỵện Hoằng Hoá, các hộ dân bị thu giữ tàu hút cát đã đến Trụ sở tiếp công dân của tỉnh đề nghị giải quyết việc: Ngày 13/6, các hộ dân đang khai thác cát trên sông thuộc địa phận huyện Hoằng Hoá, công an huyện Hoằng Hoá thu giữ phương tiện làm ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân. Công dân đã có đơn gửi Công an huyện Hoằng Hoá nhưng chưa được giải quyết, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo sớm giải quyết vụ việc, trả lại phương tiện khai thác cát cho dân.
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Trưởng Công an huyện Hoằng Hoá sớm giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, có văn bản trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.
Trước đó, Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của 7 người dân gồm: Anh Trần Văn Chung, Ngô Văn Thiết, Nguyễn Văn Phúc, Lê Văn Khanh, Đỗ Văn Hùng, Ngô Văn Hợp trú tại xã Thiệu Khánh - TP Thanh Hoá và anh Nguyễn Văn Thắng trú tại xã Thiệu Vũ - huyện Thiệu Hoá phản ánh về việc vừa qua, tại tỉnh Thanh Hoá có xảy ra vụ việc 07 tàu đang khai thác cát trên sông Mã thì bị công an huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá bắt giữ vì cho rằng các tàu này đã có hành vi khai thác cát trái phép.
Đơn kêu cứu cho biết: “Khoảng 09h30 phút sáng ngày 13/10/2016, khi 07 tàu của chúng tôi đang khai thác cát trong mỏ cát số 62 trên địa phận huyện Thiệu Hóa thì bất ngờ Công an huyện Hoằng Hóa và Công an xã Hoằng Giang đến yêu cầu các tàu trên tắt máy không cho hút cát nữa và tiến hành lập biên bản vi phạm về hành vi khai thác cát trái phép vì cho rằng các tàu này đang khai thác cát trên địa phận của huyện Hoằng Hoá.
Thời điểm xảy ra sự việc là 9h30 phút sáng, tuy nhiên mãi 04 tiếng sau, vào khoảng 13h30 phút chiều thì cơ quan chức năng mới tiến hành đo mốc GPS lấy tọa độ. Chúng tôi cho rằng vì vậy kết quả không còn chính xác nữa. Vì vậy nên khi Cơ quan công an đưa các biên bản, giấy tờ chúng tôi đã phản đối bằng cách đều nhất loạt không đồng ý ký”.
Theo phản ánh của các chủ tàu thì tại thời điểm xảy ra sự việc bắt giữ 07 tàu đang khai thác cát trên địa phận mỏ cát số 62 chỉ có đại diện của Đội cảnh sát kinh tế thuộc cơ quan Công an Hoằng Hoá và đại diện công an xã Hoằng Giang có mặt, không hề có sự tham gia của đại diện Cảnh sát giao thông đường thủy và đại diện Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Thanh Hóa. Mãi cho đến khoảng 13h30 phút thì đại diện của hai cơ quan này mới đến hiện trường. Đây cũng chính là lý do khiến các chủ tàu đã nhất loạt không ký vào Biên bản vi phạm và các giấy tờ khác do Công an huyện Hoằng Hoá xác lập.
Các chủ tàu cho biết công an huyện Hoằng Hóa đã đưa tàu thuyền của họ về bến neo đậu tàu thuyền của Đồn biên phòng Hoằng Trường, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa mà không giao cho các chủ tàu Quyết định tạm giữ phương tiện. Điều quan trọng nhất là kể từ ngày bị tạm giữ đến nay đã gần tháng trôi qua, những con tàu này vốn được thiết kế để chạy trên sông nhưng nay lại bị tập kết lâu ngày ở vùng nước mặn nên đã có dấu hiệu bắt đầu bị han gỉ, xuống cấp và dần bị hủy hoại, có nguy cơ hư hỏng cao.
Hiện trường sự việc xảy ra trên sông Mã.
“Con tàu chính là tài sản duy nhất, đây vừa là căn nhà, vừa là phương tiện kiếm sống của chúng tôi. Để có được con tàu, chúng tôi đã chắt chiu, dành dụm rất khổ cực. Có những người đã phải đi vay ngân hàng, thậm chí có người còn vay lãi ngoài để có tiền mua tàu làm phương tiện mưu sinh. Hàng tháng trừ đi tiền lãi phải trả, số tiền còn lại cũng chỉ đủ giúp gia đình họ có một cuộc sống chưa thể nói là ổn định, khi mà nợ gốc vẫn chưa trả được. Từ ngày tàu thuyền bị cơ quan công an huyện Hoằng Hóa tạm giữ, chúng tôi không còn phương tiện kiếm sống nên cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay lại càng thêm túng thiếu, vất vả”, đơn thư của người dân cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí về sự việc, lãnh đạo Công an huyện Hoằng Hoá cho biết: Chúng tôi đã có báo cáo gửi Ban Giám đốc Công an tỉnh về sự việc. Khi bắt các tàu này, chúng tôi có định vị xác định vị trí. Đây là địa phận xã Hoằng Giang, Hoằng Hóa. Chúng tôi định vị từng vị trí, các tàu này không có giấy tờ đăng kí đăng kiểm.
Việc từ khi bắt đến lúc bắn GPS là hơn 4h, lãnh đạo công an huyện Hoằng Hoá cho rằng, lúc bắt chúng tôi đã định vị bằng điện thoại ngay từ đầu, còn sau đó chỉ là việc sau khi báo cáo Ban giám đốc Công an tỉnh thì có sự tăng cường lực lượng hỗ trợ để đo lại GPS, thẩm định lại. “Chúng tôi làm tinh thần tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi muốn để họ nhìn nhận ra sai sót của họ để có phương án xử lí nhưng họ vẫn không kí biên bản. Về việc người dân có đơn chuyển vị trí tàu. Tàu không vấn đề gì và chúng tôi giao chủ tàu quản lí, neo đậu đúng vị trí đó”, lãnh đạo Công an huyện Hoằng Hoá cho biết.
Làm việc với PV Dân trí, ông Lê Đức Giang - Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá cho biết: “Các tàu cát khai thác theo báo cáo của công an không có giấy tờ gì, khi bắt cũng không có sự hợp tác. Do không có chỗ giữ tàu nên phải thống nhất đưa xuống khu vực neo đậu trên vì ở đó có lực lượng biên phòng để bảo quản tài sản của dân. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo làm thủ tục hành chính cho xong, muốn xúc tiến vụ việc cho nhanh, xử lí hình sự hay phạt hành chính phụ thuộc vào kết luận cuối cùng từ cơ quan công an. Tuy nhiên các chủ tàu này không kí tá văn bản. Quan điểm của huyện là luôn tạo điều kiện cho người dân thực hiện theo quy định pháp luật”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế