Từ vụ Nhã Nam: "Quan tâm, quý mến" có phải là quấy rối tình dục?
(Dân trí) - Việc đồng nghiệp thể hiện sự quan tâm, quý mến mang hàm ý tình dục, khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu, bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho người khác, là hành vi vi phạm pháp luật.
Sau một thời gian lùm xùm trước nghi vấn quấy rối một nhân viên nữ trong công ty, ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, đã lên tiếng về tin đồn trên.
Theo bài viết rạng sáng 18/4 trên fanpage Facebook của Nhã Nam, ông Nhật Anh thừa nhận đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô gái. Tuy nhiên, ông khẳng định những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể. Điều không lường được là nó vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với cô ấy.
Trước đó, vị giám đốc này đã gửi lời xin lỗi tới các nhân viên nữ, đồng nghiệp, bạn bè, các đối tác thân thiết và độc giả yêu sách Nhã Nam vì đã bị làm phiền bởi rất nhiều tin đồn sai lệch trên mạng. "Sau cùng, tôi coi đây là bài học để hoàn thiện mình", ông Nhật Anh viết.
Nguy cơ bị quấy rối với những cô gái xinh đẹp, giỏi giang
Lâu nay, quấy rối tình dục nơi công sở luôn là vấn đề nhức nhối, khó giải quyết triệt để trong xã hội. Vấn đề xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người lao động cố gắng giữ gìn trật tự nơi công sở, các mối quan hệ với đồng nghiệp và thậm chí để đảm bảo cả công việc của bản thân. Bởi vậy, việc nữ nhân viên dũng cảm lên tiếng tố cáo ông Nhật Anh nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Bình luận dưới các bài viết của Dân trí liên quan vụ việc, độc giả Chung Phan Quang viết: "Im lặng là dung túng cho những kẻ đó tiếp tục thực hiện hành vi, gây ảnh hưởng tới nhiều người khác. Cần mạnh dạn xử lý theo quy chế của công ty hoặc quy định của pháp luật".
"Đừng đùa với dư luận, với cộng đồng mạng. Bài học cho các vị có chức, có quyền cho mình cái quyền sở hữu đối với cấp dưới", người dùng Hungthanh tiếp lời.
Còn theo anh Vinh Le, đây là hệ quả tất yếu của việc "đi đêm lắm có ngày gặp ma". Người này bình luận: "Quấy rối nhiều bạn, nhiều người im lặng rồi, đến bạn này mới vỡ lẽ thôi. Dù bạn này đã lên tiếng trong nội bộ những ban giám đốc công ty chèn ép, để bạn nghỉ việc, không xử lý nên mới vậy. Để sức mạnh cộng đồng lên tiếng thì Nhã Nam mới quay ngược xin lỗi và xin thông cảm".
Với chủ tài khoản Canh Pham Vu, người này cho rằng lời giải thích của Nhã Nam là rất khó chấp nhận. "Ông Nguyễn Nhật Anh có gia đình chưa? Nếu có rồi mà "thể hiện sự quan tâm, quý mến" như vậy thì thật khó chấp nhận. Còn nếu ông ấy đang độc thân, thì có thể hiểu cô ấy không muốn đón nhận tình cảm này, còn ông ấy thì cứ cố gắng nên thành ra bi kịch", độc giả này bình luận.
"Quan tâm, quý mến" có phải là quấy rối tình dục?
Theo khoản 9, Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Theo khoản 3, Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, "nơi làm việc" là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
Đồng thời, khoản 1 và khoản 2 Điều này cũng giải thích cụ thể về các hành vi có dấu hiệu của việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, việc quấy rối có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể dưới dạng hành vi mang tính thể chất như hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; bằng lời nói như lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục hoặc phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Việc đồng nghiệp thể hiện sự quan tâm, quý mến nhau không vi phạm điều cấm của pháp luật, song nếu nó mang hàm ý tình dục, khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho người lao động thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Về chế tài, khoản 2, Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền 15-30 triệu đồng.