"Đầu tư làm sạch sông Tô Lịch, giá trị gấp nhiều lần đầu tư chung cư"
(Dân trí) - "Dự án này không thể mang lại lợi nhuận như xây dựng chung cư nhưng tôi tin hiệu quả nó mang lại lớn hơn bất cứ công trình nào", độc giả Dân trí bình luận.
Sau 8 năm, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang gấp rút hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng để vận hành thử cuối năm nay, góp phần xử lý nước thải sinh hoạt của 7 quận, huyện gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông và Thanh Trì.
Lãnh đạo Hà Nội cũng kỳ vọng dự án sẽ "giải cứu" những con sông ô nhiễm của thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Đầu tư đích thực, giá trị gấp nhiều lần đầu tư xây chung cư
Trước những thông tin tích cực, nhiều độc giả Dân trí bày tỏ sự tin tưởng, hy vọng vào dự án này, đặc biệt trong việc giải quyết "ung nhọt" mang tên sông Tô Lịch, cơn đau đầu của không ít người dân Hà Nội những năm qua. Mong mỏi điều này nhất có lẽ là những hộ dân sống bên sông.
"Hy vọng công trình sẽ trả lại sự sạch sẽ cho các dòng sông của "thành phố trong sông". Cảm ơn các bạn Nhật Bản đã hỗ trợ thực hiện dự án", độc giả Lai Tuan Anh bình luận.
"Theo tôi nghĩ, họ sẽ gom nước thải sinh hoạt từ các cống ngầm tại khu dân cư rồi cho đi qua cống ngầm lớn đang làm này. Còn nước nổi bề mặt thì có thể chắt từ sông Hồng, cho qua hồ tây rồi dẫn vào thì mới tạo được màu xanh cho sông Tô Lịch. Hy vọng người Nhật làm ổn, cứ người Nhật làm là tôi thấy yên tâm vì làm tới đâu có hiệu quả, sạch sẽ gọn gàng tới đó. Không biết khi nào sẽ tới lượt sông Kim Ngưu tại Hoàng Mai đây", anh Minh Tiep Tu phân tích.
Cũng mang tâm trạng háo hức, kỳ vọng, độc giả Suong Bao viết: "Đây mới là sự đầu tư mang giá trị đích thực và hiệu quả. Dự án này cái lãi chắc chắn sẽ không thể cân đo đong đếm bằng tài chính, vật chất; cũng không thể mang lại lợi nhuận như xây dựng chung cư nhưng tôi tin hiệu quả nó mang lại lớn hơn bất cứ công trình nào. Cảm ơn đất nước Nhật Bản, cảm ơn các đơn vị đang ngày đêm trực tiếp thi công để hoàn thiện công trình. Chúc công trình sớm về đích và được đưa vào sử dụng hiệu quả".
"Trước đây, người Nhật đã từng thất bại một lần với dự án làm sạch sông Tô Lịch, song họ vẫn tiếp tục, kiên trì và không bỏ cuộc. Thế mới thấy được tâm huyết, sự tận tình của những người bạn Nhật Bản cho chúng ta là lớn thế nào. Mong rằng sẽ không còn những vấn đề khách quan tác động tới dự án, hy vọng dự án sẽ thành công để giải quyết dứt điểm vấn nạn sông Tô Lịch. Mùa hè tới, mỗi lần đi ven dòng sông này mà tôi phải nín thở, quá kinh khủng", người dùng có nickname Jacky Tran bình luận.
Độc giả hiến kế nâng cao hiệu quả dự án
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết triệt để hoặc hạn chế tối đa tác động tiêu cực của sông Tô Lịch. Song dưới góc nhìn thực tế, nhiều người chỉ ra đây là vấn đề không hề đơn giản, và dự án cần tiếp tục được cải thiện, chỉnh sửa, nâng cấp để có thể mang lại hiệu quả tối ưu.
Chủ tài khoản Bachikho viết: "Cống đơn, đường kính 2 m có thể vẫn nhỏ. Cần làm 2 đường ống song song để thoát nước tốt hơn, tránh tắc nghẽn cũng như thuận tiện cho việc xử lý sự cố".
Chung sự lo lắng, anh Tri Duc cho rằng với dòng sông chứa đầy bùn thải, một ống cống như hiện tại có thể sẽ hơi bé, dẫn tới việc phải nạo vét thường xuyên hơn. Do đó, độc giả này cũng gợi ý về việc cần làm thêm một đường ống nữa hoặc tạo đường ống to rộng hơn để có thể đưa các phương tiện chuyên dụng vào, phục vụ cho việc nạo vét.
Còn với độc giả Ngoc Nguyen Trong, người này gợi ý việc đặt thẳng đường ống xuống lòng sông như cách làm với đường ống dầu khí ngoài biển khơi. Khi đó, các đoạn thu nước thải sẽ đặt kết nối với hố ga tổng trên bờ sông, từ đó tránh việc phải khoan dưới lòng đất như cách trong TPHCM giải quyết với hầm chui Thủ Thiêm.
Trong khi đó, người dùng có nickname Thomas Thu có suy nghĩ đơn giản hơn. Anh viết: "Gom nước thải từ các ống của hộ dân xả ra sông, đưa thẳng về nhà máy thì mới xử lý triệt để được. Cứ để dân xả ra sông rồi mới gom nước từ sông về thì sông muôn đời ô nhiễm. Mấu chốt là hãy chặn hết nước bẩn xả ra sông!".
Tương tự, chủ tài khoản Mr Nam viết: "Đào 2 bên sông, bo lại hết hoặc chặn, chuyển hướng tất cả cống rãnh, không cho đổ xuống sông. Như vậy tự nhiên sạch sẽ, khỏi phải chuyên gia".
"Cách đây vài năm, nếu làm kè đá sông Tô Lịch, nghĩ đến việc gom nước thải riêng thì có phải giờ đỡ mất công sử dụng công nghệ tốn kém này không? Cách làm thể hiện tầm tư duy. Tôi nghĩ các công trình bờ kênh tại TPHCM nên nghĩ dần tới phương án có đường đi riêng cho nước thải, kẻo sau này lại tốn công làm như Tô Lịch hiện nay. Nên đồng bộ hóa hạ tầng một lần, đỡ tốn công làm lại. Ngoài ra, cũng nên có phương án khơi dòng cho sông Tô Lịch bằng cách dẫn nước sông Hồng hoặc từ các hồ đầm để không bị tắc nghẽn dòng chảy", anh Quang Thuận Nguyễn phân tích.