Bất thường trong quyết định tuyên hủy giấy chứng nhận QSDĐ của một gia đình:
Thanh Hoá: Tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng, tòa phúc thẩm vẫn chấp nhận bản án?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc bất thường trong quyết định tuyên hủy giấy chứng nhận QSDĐ của một gia đình cụ ông hơn 80 tuổi ở Hậu Lộc (Thanh Hóa). Mặc dù chấp nhận những điều luật sư chỉ ra rằng phiên tòa sơ thẩm đã có nhiều điểm vi phạm tố tụng, tuy nhiên phiên tòa phúc thẩm chỉ đề nghị rút kinh nghiệm chứ không hủy bản án mà giữ nguyên quan điểm như phiên sơ thẩm đã tuyên trước đó.
Không có chứng cứ vẫn đòi nhà thờ họ
Ngày 21/12, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hành chính “Hủy giấy chứng nhân QSDĐ” của gia đình ông Trần Văn Hân (thôn Đông Hòa, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Tại phiên tòa phúc thẩm này, ông Trần Khánh Hòa (thôn Thái Hòa, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) - đại diện cho Hội đồng dòng họ Trần tộc “Đông A” vẫn không cung cấp được chứng cứ gì minh chứng cho việc ông cho rằng ngôi nhà vợ chồng con cái ông Trần Văn Hân ở hơn 80 năm qua là nhà thờ họ.
Tất cả những căn cứ mà ông Hòa đưa ra trước tòa để khẳng định nhà ông Hân ở là nhà thờ họ chỉ là việc ông cho rằng dòng họ nhiều lần quyên góp tiền sửa chữa căn nhà và những sự kiện tế lễ duy trì nhiều năm tại căn nhà này. Bên cạnh đó, có bức trướng tên “Đông A” đề năm 1923 (năm căn nhà được xây dựng).
Tuy nhiên, khẳng định việc dòng họ đóng tiền sửa chữa nhà thờ và đến tế lễ ở đây nhưng ông Hòa không có gì để minh chứng cho điều này. Ngay cả việc danh sách quyên góp ủng hộ sửa chữa căn nhà ông Hòa cũng cho rằng đã bị mất. Trong khi, ông Trần Văn Ơm (con trai ông Hân)- người được ông Hân ủy quyền trong phiên tòa khẳng định dòng họ chưa có một đồng nào đóng góp sửa chữa căn nhà mà cha con ông ở hơn 80 năm qua. Bức trướng đề tên “Đông A” không thể nói lên điều gì vì bản thân ông nội ông cũng thuộc người trong dòng họ nên khi xây dựng căn nhà có dựng bức trướng mang tên này cũng là điều dễ hiểu.
Không những vậy, mặc dù dòng họ có tới hơn 1 nghìn đinh (tức là con cháu là con trai) nhưng chỉ có hơn 700 người ký vào đơn đề nghị đòi nhà thờ. Trong số này ông Hòa cho cả con dâu, con rể và cả những cháu bé 2-3 tuổi ký. Ông Hòa thừa nhận trước tòa “ai không ký được thì có người ký thay, ký hộ” (!?).
Tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng?
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư đại diện cho phía gia đình ông Trần Văn Hân đã chỉ ra nhiều điểm khẳng định phía ông Trần Văn Hòa không đủ điều kiện để khởi kiện. Hơn nữa, phiên tòa sơ thẩm đã có nhiều điểm vi phạm tố tụng.
Luật sư viện dẫn cụ thể, phía ông Trần Khánh Hòa không đủ điều kiện để khởi kiện do không đưa ra được bất cứ căn cứ pháp lý nào chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình (cụ thể là của dòng họ Trần Tộc Đông A). Trong hồ sơ của vụ án không có bất cứ tài liệu nào thể hiện dòng họ Trần Tộc Đông A có quyền chiếm hữu, sử dụng diện tích đất 675m2 tại thửa số 389 tờ bản đồ số 08.
Nhà thờ tổ được xây dựng trên 1 mảnh đất thuộc sở hữu chung của các thành viên trong dòng họ mỗi người trong dòng họ là một chủ sở hữu và mỗi người này đều có quyền sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản chung đó. Tuy nhiên, trong vụ án này, dòng họ Trần Tộc Đông A có 1250 người. Trong đó số người ủy quyền cho ông Hòa và ông Ngọc đi khởi kiện là hơn 700 người, số còn lại là những người khác không có ý kiến, không có ủy quyền. Điều này chứng minh rằng, việc hai ông khởi kiện đã không được tất cả các thành viên trong dòng họ Trần Tộc Đông A nhất trí.
Hai ông cũng không xác định được số người chưa thành niên trong dòng họ là bao nhiêu người, vì những người này là người chưa thành niên nên cần phải có người đại diện theo pháp luật cho họ để tham gia tố tụng, họ phải có quan điểm của mình về hướng xử lý vụ án như thế nào, và tòa án phải tiến hành lấy lời khai của họ để giải quyết vụ án.
Mặt khác, tài liệu ủy quyền có trong hồ sơ có rất nhiều người là con dâu trong dòng họ Đông A và có những cháu bé 2 tuổi, 4, đến 13, 14 tuổi cũng ký vào ủy quyền. Việc này càng chứng minh cho việc để chấp nhận đơn khởi kiện của hai ông Ngọc và Hòa đại diện cho dòng họ Trần Tộc Đông A đi khởi kiện là vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng.
Trong hồ sơ thể hiện có 2 văn bản ủy quyền được lập tại UBND xã Hưng Lộc ghi cả dòng họ ủy quyền cho 9 ông có quyền đi khởi kiện, nhưng giấy ủy quyền lại không có chữ ký của từng thành viên trong họ.
Mặt khác, dòng họ Đông A thì không được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích tín ngưỡng (vì không có bất cứ một quyết định giao đất nào cho dòng họ từ trước đến nay). Dòng họ cũng không có biên bản nào cử người đại diện đứng tên và quản lý diện tích đất này cho đến thời điểm tháng 3/2016. Trong hồ sơ có bản gia phả nhưng không có chi tiết nào thể hiện về nguồn gốc, xuất xứ mảnh đất là của dòng họ Trần Tộc Đông A trong nội dung của bản gia phả đã có trong hồ sơ vụ án...
Quá trình xét xử sơ thẩm, tòa án cũng không triệu tập các nhân chứng đến tham gia phiên tòa để nghe quan điểm của họ về hướng giải quyết vụ án, vì những người này cũng không có đơn xin xét xử vắng mặt. Luật sư cũng cho rằng như vậy là vi phạm nghiêm trong thủ tục tố tụng.
Luật sư cũng khẳng định, theo quy định, luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì đất được cộng đồng dân cư sử dụng làm đất nhà thờ thì được miễn thuế đất, hàng năm không phải nộp khoản thuế này. Tuy nhiên ông Hân bà Trọn vẫn nộp thuế đều đặn, đúng hạn đối với diện tích đất 675m2 cho Nhà nước.
Điều đáng nói, dù chấp nhận nhiều luận cứ luật sư viện dẫn khẳng định phiên tòa sơ thẩm có nhiều điểm vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa phúc tẩm, TAND tỉnh Thanh Hóa chỉ đề nghị “rút kinh nghiệm”. Kết thúc phiên xử phúc thẩm, HĐXX vẫn quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm là tuyên hủy giấy chứng nhận QSDĐ của vợ chồng cụ Trần Văn Hân.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, vợ chồng cụ Trần Văn Hân sống yên ổn hơn 80 năm trong ngôi nhà ông bà, bố mẹ để lại thế nhưng đến lúc “gần đất xa trời”, hai vợ chồng cụ Hân lại nơm nớp lo bị đuổi ra đường, không có chỗ làm ma vì những người trong dòng họ Trần tộc Đông A làm đơn kiện cho rằng căn nhà vợ chồng con cái ông đang ở chính là căn nhà thờ họ gần 100 năm trước.
Và dù phía dòng họ Trần tộc Đông A không cung cấp được một căn cứ nào minh chứng cho việc căn nhà ông Hân đang ở là nhà thờ họ nhưng TAND huyện Hậu Lộc vẫn ra quyết định tuyên hủy giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình cụ ông hơn 80 tuổi này.
Nguyễn Thùy