Tệ nạn “phong bì” - một quốc nạn?

Tệ nạn phong bì phải chăng đã trở thành quốc nạn bởi nó đã trở thành “thông lệ” trong đời sống xã hội? Xin cho con đi học: phong bì. Cất nhà: phong bì. Xin phép kinh doanh: phong bì. Phạm luật: phong bì. Đi bệnh viện: phong bì… Tràn ngập các nơi “giao dịch” toàn phong bì.

Anh - tôi bình đẳng. Tôi có nhu cầu, anh có nhiệm vụ, thế thì sao tôi phải quỵ luỵ anh bằng cái phong bì trung gian quái gở kia? Chỉ khi nào mỗi người đều làm nhiệm vụ của mình một cách tự nguyện, tự giác thì cái phong bì kia mới đi vào dĩ vãng.

 

Một người bạn bác sĩ của chúng tôi nói rằng: Khi người ta đưa phong bì, anh rất giận vì xem như đã xúc phạm. Ngược lại khi đem biếu một chục trái cây, một ký mắm, vài con khô anh rất vui vì nghĩ rằng người ta nhớ đến mình như một người bạn chân thành chứ không mua chuộc.

 

Bán lương tâm, bán sự vô tư trong sạch của mình dù với giá nào cũng là quá rẻ! Lương tâm cũng như chữ trinh, chỉ bán một lần rồi sẽ dễ tặc lưỡi trượt dài theo con đường tha hóa.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Khi nhận phong bì, vô hình trung, người ta chia đối tượng phục vụ của mình ra làm hai nhóm: Nhóm có tiền được phục vụ tối đa; nhóm không tiền bị chà đạp, đuổi xô, ruồng bỏ, không được đối xử như một con người bình đẳng. Luật pháp có thể làm gì khi con người bị suy đồi đạo đức? Lấy lý do nghèo túng để biện hộ cho hành động hối lộ của mình xem ra không hợp lý lắm. Có phải ai nghèo cũng đi trộm cướp?

 

So với thời chiến tranh, thời bao cấp - thời mà hiện tượng phong bì rất ít có thì con người ngày nay giàu hơn nhiều chứ, nhưng tình trạng tham nhũng hối lộ còn nhiều hơn gấp bội phần. Có phải con người càng “giàu” hơn thì càng xa rời bản chất người và đối xử với nhau càng ít tình thương hơn chăng?

 

Một vị bác sĩ đi xe hơi đời mới nhận phong bì từ một người tay lấm chân bùn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” có phải là vì nghèo hay không? Phong bì “nhỏ nhoi” đó là theo cái nhìn của vị bác sĩ, nhưng đối với người lao động nghèo có thể là những đồng tiền cuối cùng từ căn nhà, mảnh đất đã cầm cố, là tiền bán máu, là học phí của đứa con thơ…

 

Nhận những đồng tiền ấy, những người thầy thuốc có lương tâm sẽ không bao giờ nuốt trôi nổi. Và những thầy thuốc có lương tâm bao giờ cũng nghèo. Có phải trong cảnh nghèo, con người mới có tình thương, mới biết cảm thông với những nỗi đau của đồng loại chăng?

 

Cuộc sống đầy rẫy vật chất đôi khi làm con người ngày nay u mê, mù quáng chạy theo, chối bỏ những giá trị tinh thần vì cho rằng nó đã quá cũ kỹ. Giá trị của cuộc sống, chuẩn mực đạo đức ngày nay được tính bằng tiền thì vị trí những người nghèo gần như không có chỗ đứng trong xã hội. Điều này thật vô cùng nguy hiểm cho xã hội truyền thống của chúng ta vì nó làm mất đi tính nhân bản vốn có.

 

Mọi thể chế xã hội xưa nay do con người gây dựng nên xét cho cùng là để phục vụ cho con người bằng xương bằng thịt. Một xã hội mà không có khả năng bảo vệ được những công dân lương thiện của nó, xã hội đó khó tồn tại. Mọi sự tha hóa cũng như mọi nguy cơ đều có thể bắt đầu từ những chiếc “phong bì” nhỏ bé. Đừng khinh thường việc nhỏ, bởi đốm lửa con có thể đốt cháy nhà, lỗ thủng nhỏ có thể đắm thuyền!

 

BS Lê Ngọc Dũng

(Trưởng PKKV An Long - BV Tam Nông, Đồng Tháp)

 

LTS Dân trí: Đọc bài viết của bác sĩ Lê Ngọc Dũng, từ đáy lòng những người có lương tri đều thấy xúc động trước tấm lòng của người bác sĩ đang sống và làm việc ở một vùng sâu Đồng Tháp Mười. Vốn đồng cảm sâu sắc với những người bệnh là những nông dân nghèo khó chắt bóp những đồng tiền nhỏ nhoi để “lót tay” cho bác sĩ, tác giả bài viết này đã phải thảng thốt lên tiếng: “Nhận những đồng tiền ấy, những người thầy thuốc có lương tâm sẽ không bao giờ nuốt trôi nổi”.

 

Lên án và hết sức bất bình trước tệ nạn “phong bì” không chỉ phổ biến trong quan hệ ở bệnh viện mà còn tràn lan trong mọi quan hệ giao dịch xã hội, đấy là điều rất đáng cảnh báo, bởi tệ nạn “phong bì” chính là “người bạn đồng hành” của tệ nạn tham nhũng. Đúng là mọi sự tha hóa cũng như mọi nguy cơ đều có thể bắt đầu từ những chiếc “phong bì” nhỏ bé!

 

Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương và đề ra quyết sách ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ nạn tham nhũng. Chủ trương ấy và quyết sách ấy phải bắt đầu bằng việc bài trừ bằng được tệ nạn phong bì đang có nguy cơ trở thành quốc nạn.