Bài 8:
Sông Cầu "giãy chết", tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Tổng cục Môi trường họp bàn ra sao?
(Dân trí) - Chiều ngày 5/9, tại trụ sở UBND tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Tổng cục Môi trường đã có buổi làm việc, xác định mức độ ô nhiễm nước dòng sông Cầu và thống nhất xác định nguồn gây ô nhiễm chính nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang là từ sông Ngũ Huyện Khê.
Đại diện tỉnh Bắc Giang tham gia buổi làm việc có ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện Việt Yên, Yên Dũng. Tỉnh Bắc Ninh có ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quế Võ và thành phố Bắc Ninh.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường; lãnh đạo Cục Môi trường Miền Bắc, Vụ Quản lý chất thải.
Đoàn công tác đã có buổi khảo sát thực địa và họp bàn giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường sông Cầu khu vực giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất xác định nguồn thải từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Cầu đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Các cơ quan chức năng xác định song Ngũ Huyện Khê tiếp nhận nước thải trực tiếp từ hoạt động làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm với lưu lượng khoảng 10.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải xử lý chỉ có công suất 5.000m3/ngày đêm và chưa có hệ thống đấu nối thu gom nước thải đồng bộ.
Đoàn công tác cũng xác định khu xử lý rác thải tập trung tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ trong quá trình hoạt động chưa tuân thủ đúng quy trình chôn lấp, chưa bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường, thải nước rỉ rác ra kênh mương và bơm trực tiếp ra sông Cầu.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các doanh nghiệp khắc phục, nhưng những đơn vị này chưa xử lý triệt để.
Cá chết trắng dạt vào 2 bên bờ sông Cầu tại địa bàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có chỉ đạo mạnh mẽ các sở, ngành chức năng đề ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về thực trạng, mối nguy hại của ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Cầu. Cùng đó quan tâm chỉ đạo đơn vị doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải tại bãi rác Phù Lãng thực hiện đầy đủ các quy trình nhằm bảo đảm không phát sinh ô nhiễm môi trường ra khu vực xung quanh làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Đồng thời đề nghị Tổng cục Môi trường quan tâm, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để kiềm giảm tình trạng ô nhiễm, tiến tới xử lý triệt để nguồn thải xả trực tiếp ra sông Cầu…
Đại diện phía tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành cho biết, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ làng nghề, khu, cụm công nghiệp trước khi xả ra sông Cầu. Đối với khu xử lý rác thải Phù Lãng, tỉnh sẽ chỉ đạo yêu cầu doanh nghiệp thực hiện dự án triển khai các biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường trong quá trình xử lý rác thải, tiến tới xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân hai tỉnh gần khu vực này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định việc bảo vệ môi trường sông Cầu là trách nhiệm của tất cả các địa phương thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu. Đồng thời chia sẻ về những khó khăn trong công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu thời gian qua.
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng đề nghị 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu thuộc địa phận giáp ranh. Tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần có biện pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải từ làng nghề, khu, cụm công nghiệp trước khi xả ra nguồn nước sông Cầu. Đối với khu tập kết xử lý rác thải Phù Lãng cần có biện pháp kịp thời giải quyết triệt để những bất cập, không để phát sinh ô nhiễm tại đây…
Trước đó, từ đơn thư kêu cứu của người dân gửi về tòa soạn, PV Dân trí đã trực tiếp ghi nhận và "mục sở thị" mức độ ô nhiễm khủng khiếp tại sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Điều xác thực nhất mà không cần phải chứng minh mức độ ô nhiễm sông Cầu tại đây là cá chết la liệt, chết hàng đàn, chết dạt trắng cả hai bên bờ sông.
Những người dân sinh sống tại gần bờ sông hãi hùng cho biết: Ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống, mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu này hàng trăm năm. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đây phải nói là dòng sông đã chết chứ không còn là đang chết nữa. Rồi mai đây, con cháu chúng tôi làm sao mà sinh sống, mưu sinh bên dòng sông này nữa.
Điều đáng nói là dòng sông Cầu không chỉ là nơi cung cấp tôm cá cho những người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ mà nó còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tươi tiêu và canh tác cho hàng vạn, hàng triệu người dân từ thượng nguồn xuống tận vùng hạ lưu.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế