Bài 2:

Sông Cầu đang "giãy chết", bệnh đã tìm ra sao không "cấp cứu"?

(Dân trí) - Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2016, Bộ TN&MT đã có một kết luận rất cụ thể về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sông Cầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau kết luận, mọi sự không được giải quyết triệt để và tình trạng sông Cầu đang “giãy chết” một lần nữa đưa ra báo động đỏ về sự việc.

Bộ TN&MT đã từng chỉ rõ "căn bệnh" bức tử sông Cầu

Cách đây 2 năm, ngày 04/5/2016 Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 1555/BTNMT-TCMT gửi UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Theo đó, ngày 04/4/2016, sở TNMT tỉnh Bắc Giang nhận được phản ánh của nhân dân về việc trong 05 ngày (từ ngày 31/3/2016) chất lượng nước mặt sông Cầu đoạn từ cống thải của sông Ngũ huyện Khê, TP Bắc Ninh đến khu vực cuối nguồn (xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng , Bắc Giang) đã bị ô nhiễm, có mùi hôi, tanh, nước màu đen, cá chết hàng loạt. Sở TNMT Bắc Giang đã đi kiểm tra, xác minh thực tế và ghi nhận: nước mặt sông Cầu tiếp nhận nước từ sông Ngũ Huyện Khê thuộc địa bàn TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chảy vào có màu đen, mùi hôi tanh. Hiện tượng này kéo dài dọc sông Cầu từ điểm tiếp nhận nước của sông Ngũ Huyện Khê đến khu vực cuối nguồn (xã đồng Phúc, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) và gây bức xúc cho người dân.

Sông Cầu đang "giãy chết", bệnh đã tìm ra sao không "cấp cứu"? - 1

Cá chết la liệt, dạt trắng bờ sông Cầu khiến cả người dân và chính quyền hoang mang tột cùng.

Cá chết la liệt, dạt trắng bờ sông Cầu khiến cả người dân và chính quyền hoang mang tột cùng.

Bộ TNMT đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế nêu trên.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra dọc sông Ngũ Huyện Khê, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, Cống Đặng Xá (Vạn An: cống thải của sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu), ngã ba sông Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh và khu vực cuối nguồn thuộc xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

Đoàn công tác cũng đã tiến hành lấy mẫu tại các điểm khảo sát. Sau khi tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với Sở TNMT 2 tỉnh trên, đoàn công tác có đánh giá, kết luận và đề xuất các giải pháp:

Về hiện trạng ô nhiễm môi trường nước sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê: sông Ngũ Huyện Khê là một chi lưu của sông Đuống, bắt nguồn từ địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội và chảy vào Bắc Ninh tại thị xã Từ Sơn, cuối cùng đổ vào sông Cầu tại xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh. Sông Ngũ Huyện Khê chảy qua 4 đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Ninh: TX Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du và TP.Bắc Ninh. Đây là nguồn nước cấp chính phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận nước thải của TX Từ Sơn; nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề tái chế kim loại Châu Khê; làng nghề gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang, TX Từ Sơn; làng nghề tái chế giấy Phú Lâm, huyện Tiên Du; làng nghề tái chế giấy Phong Khê, TP.Bắc Ninh; Cụm công nghiệp Phong Khê 1, CNN Phong Khê 2 và CCN Phú Lâm.

Đã nhiều năm nay sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa khô. Kết quả theo dõi diễn biến chất lượng nước của Tổng cục Môi trường tại sông Ngũ Huyện Khê trong đợt tháng 3 các năm 2014, 2015 và 2016 cho thấy cả 4 vị trí quan trắc tại Cầu Song Thát, Văn Môn, Cầu Lộc Hà, Cầu Đào Xá đều bị ô nhiễm; các thông số DO, COD, BOD5, N-NO2, N-NH4 đều vượt giá trị QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1.

Trong đó, theo kết quả quan trắc mới nhất vào đợt 1 năm 2016, tại điểm Cầu Đào Xá giá trị COD là 542mg/l vươt gấp 18 lần và BOD5 có giá trị là 392mg/l vượt gấp 26 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1. Chất lượng nước chỉ phù hợp cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

Trên sông Cầu từ đoạn trước hợp lưu và sau hợp lưu sông Ngũ Huyện Khê cho đến cuối nguồn sông Cầu đoạn chảy qua xã Đồng Phú chất lượng nước có dấu hiệu ô nhiễm với thông số N-NH4+ và N-NO2-. Theo kết quả quan trắc mới nhất vào đợt tháng 3/2016, đặc biệt tại cả 6 vị trí quan trắc trên sông Cầu đều bị ô nhiễm 2 thông số N-NO2- và N-NH4+ so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A2.


Bộ TNMT đã thành lập Đoàn công tác để kiểm tra thực tế tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu và đã chỉ rõ nguyên nhân tình trạng gây ô nhiễm.

Bộ TNMT đã thành lập Đoàn công tác để kiểm tra thực tế tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu và đã chỉ rõ nguyên nhân tình trạng gây ô nhiễm.

Ngày 13/4/2016, đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, nước sông ở khu vực khảo sát vẫn có mùi hôi, dòng sông Cầu chia ra 2 màu trắng-đen rõ rệt, đặc biệt là khu vực ngã bà- đoạn sông Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu, nhưng không còn hiện tượng cá chết trên sông.

Về nguyên nhân ô nhiễm môi trường nước sông Cầu:

Đoàn công tác chỉ ra nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu tại đoạn giáp ranh giữa Bắc Giang và Bắc Ninh, đặc biệt vào mùa khô là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê đã bị ô nhiễm chảy vào. sông Ngũ Huyện Khê là nơi tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất không được xử lý xả thải thẳng ra sông làm nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nước thải của các cơ sở sản xuất giấy thuộc làng nghề tái chế giấy xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, TP.Bắc Ninh. CCN Phong Khê 1, CCN Phòng Khê 2 và CCn Phú Lâm. Ngoài ra, chất thải rắn của làng nghề và các CCN này cũng không được xử lý, đổ bừa bãi trên mặt đê sông Ngũ Huyện Khê làm ách tắc dòng chảy và ô nhiễm nước sông.

Bên cạnh đó tỉnh Bắc Ninh hiện đang thi công dự án nâng cấp, cảit tạo vét sông Ngũ Huyện Khê đã làm xáo trộn dòng chảy, bùn đáy và ảnh hưởng tới chất lượng nước sông Ngũ Huyện Khê, thêm vào đó, việc điều tiết nước tại cửa cống Đặng Xá – nơi tiêu thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu – chưa hợp lý cũng làm gia tăng ô nhiễm trên sông Cầu đoạn giáp ranh giữa Bắc Giang và Bắc Ninh.

Trên sông Cầu đoạn từ hợp lưu sông Ngũ Huyện Khê cho đến cuối nguồn sông Cầu đoạn chảy đến khu vực cuối nguồn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm chủ yếu do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê chảy ra.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh trên, Bộ TNMT đã đề nghị UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tập trung chỉ đạo các Sở, ngành trong tỉnh thực hiện những nội dung:

Đối với tỉnh Bắc Ninh: Xử lý ngay việc điều tiết nước tại cửa cống Đặng Xá – nơi tiêu thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu một cách hợp lý, để đảm bảo dòng chảy và không làm gia tăng ô nhiễm chất lượng nước sông Cầu đoạn giáp ranh giữa các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; thiết lập chế độ vận hành cửa cống Đặng Xá, đặc biệt lưu ý vào mùa khô;

Chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị thi công nạo vét sông Ngũ Huyện Khê áp dụng các biện pháp thi công, công nghệ nạo vét tốt nhất nhằm giảm thiểu tối đa việc khuấy đục bùn đáy và dòng chảy sông Ngũ Huyện Khê;

Có biện pháp xử lý triệt để các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nước sông do các làng nghề tái chế giấy và các cụm công nghiệp gây ra, khẩn trương đưa Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê đi vào hoạt động trước tháng 06/2016;

Tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, cụm công nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

Bên cạnh đó, Bộ TNMT cũng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh giám sát chất lượng nước sông, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nguồn nước xả thải đoạn ra sông Cầu giáp ranh giữa 2 tỉnh; Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường thường xuyên, liên tục, sâu rộng tới từng cá nhân, hộ gia đình doanh nghiệp…

Đối với UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ TNMT đề nghị tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, cụm công nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh;

Tăng cường giám sát chất lượng nước sông, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nguồn nước thải xả ra đoạn sông giáp ranh giữa 2 tỉnh; phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Ninh trong giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Người dân không cần giải cứu dòng sông... trên giấy

Tuy nhiên, dù nguyên nhân gây ô nhiễm sông Cầu đã được Bộ TN&MT chỉ rõ nhưng việc giải cứu dòng sông này đã không được Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cùng chính quyền địa phương vào cuộc rốt ráo, có trách nhiệm. Bởi vậy, nhiều năm sau kết luận, người dân vẫn khản giọng kêu cứu, cá vẫn chết trắng và dòng sông giờ đang trong tình trạng "giãy chết".

Người dân không cần các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh giải cứu dòng sông... trên giấy mà cần những động thái cụ thể, quyết liệt trên thực tế.

Mới đây nhất, từ đơn thư kêu cứu của người dân gửi về tòa soạn, PV Dân trí đã trực tiếp ghi nhận và “mục sở thị” mức độ ô nhiễm khủng khiếp tại sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Điều xác thực nhất mà không cần phải chứng minh mức độ ô nhiễm sông Cầu tại đây là cá chết la liệt, chết hàng đàn, chết dạt trắng cả hai bên bờ sông.

Những người dân sinh sống tại gần bờ sông hãi hùng cho biết: Ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống, mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu này hàng trăm năm. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đây phải nói là dòng sông đã chết chứ không còn là đang chết nữa. Rồi mai đây, con cháu chúng tôi làm sao mà sinh sống, mưu sinh bên dòng sông này nữa.

Điều đáng nói là dòng sông Cầu không chỉ là nơi cung cấp tôm cá cho những người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ mà nó còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tươi tiêu và canh tác cho hàng vạn, hàng triệu người dân từ thượng nguồn xuống tận vùng hạ lưu.

Trong một động thái có trách nhiệm, ngày 4/6/2018, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã có Công văn số 33/TNMT-MTg do ông Lại Văn Hà, Phó trưởng phòng ký gửi Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang về việc ô nhiễm nước sông Cầu, đoạn qua địa bàn huyện Yên Dũng cho biết: Phòng TN&MT nhận được ý kiến phản ánh của người dân các xã Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc về việc nước sông Cầu chuyển màu đục, bốc mùi hôi thối, và cá chết hàng loạt.


Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã rất có trách nhiệm khi liên tiếp ra công văn báo cáo và cầu cứu cấp trên về tình trạng ô nhiễm sông Cầu.

Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã rất có trách nhiệm khi liên tiếp ra công văn báo cáo và cầu cứu cấp trên về tình trạng ô nhiễm sông Cầu.

Ngay sau khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân, Phòng TN&MT đã cử cán bộ đi xác minh thực tế, kết quả bước đầu ghi nhận nước mặt sông Cầu từ địa bàn xã Yên Lư đến xã Đồng Phúc màu đục, mùi hôi tanh, có nhiều cá chết nổi trên mặt nước, diễn ra trên đoạn sông dài gây hoang mang, lo lắng và bức xúc trong nhân dân.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã rà soát trên toàn bộ các xã trên địa bàn huyện cho thấy hiện tại không có nguồn xả nào ra sông Cầu gây nên tình trạng trên. Vì vậy Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đề nghị Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang rà soát kiểm tra làm rõ nguyên nhân, đánh giá mức độ ô nhiễm và có biện pháp xử lý để an lòng dân.

Và trong khi chờ các cơ quan cấp trên có động thái, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng cũng đã phải phát đi một thông báo rất có trách nhiệm nhưng cũng thực đau lòng: Đề nghị UBND các xã Yên Lư, Nham Sơn, Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc thông báo rộng rãi và khuyến cáo cho nhân dân trên địa bàn biết khi bơm nước sông Cầu để sử dụng vào mục đích sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến mặt nước sông Cầu, kịp thời phản ánh khi nước sông Cầu có biểu hiện ô nhiễm trở lại.

Sốt sắng với tình trạng ô nhiễm đã đến độ báo động, chỉ chưa đến 10 ngày sau, ngày 13/6/2018, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng tiếp tục có công văn gửi Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay, nước sông Cầu thuộc địa bàn huyện Yên Dũng đã có ít nhất 3 lần chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, cá chết hàng loạt.

Cơ quan này sau khi khảo sát xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên vẫn có thể là do nước xả của sông Ngũ Huyện Khê thuộc tỉnh Bắc Ninh. Các năm vừa qua nước của sông Ngũ Huyện Khê đã nhiều lần xả ra làm nước sông Cầu có màu đen, bốc mùi hôi thối và cá chết hàng loạt. Và Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã báo cáo nhiều lần với Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang để kiểm tra làm rõ, đánh giá mức độ ô nhiễm và kiến nghị các biện pháp xử lý để chấn an lòng dân. Vì vậy, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng tiếp tục đề nghị Sở TN&MT Bắc Giang xem xét và sớm có văn bản kiến nghị giải quyết.

Được biết, ngày 23/7/2018, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã có công văn do Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh ký gửi Sở TN&MT Bắc Giang, Sở TN&MT Bắc Ninh cho biết cơ quan này đã nhận được các công văn đề nghị giải quyết tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu của tỉnh Bắc Giang. Vì vậy, cơ quan này mời Sở TN&MT hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh họp trao đổi, khảo sát hoạt động xả nước thải tại huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên (Bắc Giang) và tại sông Ngũ Huyện Khê, khu xử lý rác xã Phú Lãng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh).

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm