Bài 10:

Bắc Giang: Sông Cầu bị “bức tử”, người dân phía hạ nguồn tiếp tục kêu cứu!

(Dân trí) - Theo tìm hiểu của PV Dân trí, từ năm 2016, Bộ TN&MT đã có một kết luận rất cụ thể về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sông Cầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau kết luận, mọi sự không được giải quyết triệt để và tình trạng sông Cầu đang “giãy chết” một lần nữa đưa ra báo động đỏ về sự việc.

Theo báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII đang được xem xét, giải quyết, cử tri xã Đồng Phúc, Nham Sơn, huyện Yên Dũng tiếp tục phản ánh: Nước sông Cầu bị ô nhiễm do xả thải từ phía Bắc Ninh đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang có giải pháp phối hợp với tỉnh Bắc Ninh để làm giảm mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Cầu.         

Bắc Giang: Sông Cầu bị “bức tử”, người dân phía hạ nguồn tiếp tục kêu cứu! - 1

Tình trạng cá chết trắng tại sông Cầu đã nhiều lần xảy ra.

Trả lời cử tri, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Ngày 24/7/2019, UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với Tổng cục Môi trường và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu và đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh giải quyết tình trạng xả nước thải sông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại địa phận tỉnh Bắc Giang, báo cáo và đề xuất Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.

Ngày 03/6/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 1380/QĐ-BTNMT thành lập Tổ giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở đang hoạt động tại làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; thành phần của Tổ giám sát có đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang. Hiện, Tổ giám sát đang rà soát, lựa chọn đối tượng để tiến hành kiểm tra.

Thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Tổ giám sát và Tổng cục Môi trường để có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu như phản ánh của cử tri”.

Báo Dân trí đã có loạt bài nhiều kỳ phản ánh tình trạng sông cầu bị bức tử ngày đêm, đang “giãy chết” khiến cuộc sống của hàng vạn người dân khu vực hạ lưu khốn đốn.

Bắc Giang: Sông Cầu bị “bức tử”, người dân phía hạ nguồn tiếp tục kêu cứu! - 2

UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, cách đây 4 năm, ngày 04/5/2016 Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 1555/BTNMT-TCMT gửi UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Theo đó, ngày 04/4/2016, sở TNMT tỉnh Bắc Giang nhận được phản ánh của nhân dân về việc trong 05 ngày (từ ngày 31/3/2016) chất lượng nước mặt sông Cầu đoạn từ cống thải của sông Ngũ huyện Khê, TP Bắc Ninh đến khu vực cuối nguồn (xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng , Bắc Giang) đã bị ô nhiễm, có mùi hôi, tanh, nước màu đen, cá chết hàng loạt. Sở TNMT Bắc Giang đã đi kiểm tra, xác minh thực tế và ghi nhận: nước mặt sông Cầu tiếp nhận nước từ sông Ngũ Huyện Khê thuộc địa bàn TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chảy vào có màu đen, mùi hôi tanh. Hiện tượng này kéo dài dọc sông Cầu từ điểm tiếp nhận nước của sông Ngũ Huyện Khê đến khu vực cuối nguồn (xã đồng Phúc, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) và gây bức xúc cho người dân.

Bộ TNMT đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế nêu trên.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra dọc sông Ngũ Huyện Khê, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, Cống Đặng Xá (Vạn An: cống thải của sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu), ngã ba sông Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh và khu vực cuối nguồn thuộc xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

Bắc Giang: Sông Cầu bị “bức tử”, người dân phía hạ nguồn tiếp tục kêu cứu! - 3

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong cuộc họp tại tỉnh Bắc Ninh.

Đoàn công tác cũng đã tiến hành lấy mẫu tại các điểm khảo sát. Sau khi tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với Sở TNMT 2 tỉnh trên, đoàn công tác có đánh giá, kết luận và đề xuất nhiều giải pháp

Tuy nhiên, dù nguyên nhân gây ô nhiễm sông Cầu đã được Bộ TN&MT chỉ rõ nhưng việc giải cứu dòng sông này đã không được Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cùng chính quyền địa phương vào cuộc xử lý triệt để. Bởi vậy, nhiều năm sau kết luận, người dân vẫn khản giọng kêu cứu, cá vẫn chết trắng và dòng sông giờ đang trong tình trạng "giãy chết".

Mới đây nhất, từ đơn thư kêu cứu của người dân gửi về tòa soạn, PV Dân trí đã trực tiếp ghi nhận và “mục sở thị” mức độ ô nhiễm khủng khiếp tại sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Điều xác thực nhất mà không cần phải chứng minh mức độ ô nhiễm sông Cầu tại đây là cá chết la liệt, chết hàng đàn, chết dạt trắng cả hai bên bờ sông.

Điều đáng nói là dòng sông Cầu không chỉ là nơi cung cấp tôm cá cho những người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ mà nó còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tươi tiêu và canh tác cho hàng vạn, hàng triệu người dân từ thượng nguồn xuống tận vùng hạ lưu.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế