Bài 7:

Tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh họp tìm phương án giải cứu sông Cầu đang "giãy chết"!

(Dân trí) - Sông Cầu với phòng tuyến Như Nguyệt ghi dấu ấn lừng lẫy suốt cả nghìn năm, nơi khơi nguồn cho dòng cảm xúc bất tận của thi ca, nhạc họa đang…giãy chết. Nước đổi màu, hôi tanh, cá chết hàng loạt. Người dân tột độ hoang mang. Để tìm phương án giải cứu dòng sông này, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ có buổi làm việc UBND tỉnh Bắc Ninh và Tổng cục Môi trường.

UBND tỉnh Bắc Giang đã có giấy mời gửi Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Thời gian qua, môi trường khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thuộc lưu vực sông Cầu có nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân như: Nguồn nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê thải ra sông Cầu làm suy giảm chất lượng nước, gây ô nhiễm cục bộ tại một số thời điểm; Khu xử lý nước thải tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ trong quá trình hoạt động làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân. 


Tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh họp tìm phương án giải cứu sông Cầu đang giãy chết! - Ảnh 2.

 Vì vậy, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức buổi làm việc về bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu. UBND tỉnh Bắc Giang đã trân trọng mời đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường tham dự buổi làm việc giữa 2 tỉnh. 

 Buổi làm việc dự kiến được tổ chức vào 13h30 chiều nay ngày 5/9 tại trụ sở UBND tỉnh Bắc Ninh.

Từ đơn thư kêu cứu của người dân gửi về tòa soạn, PV Dân trí đã trực tiếp ghi nhận và "mục sở thị" mức độ ô nhiễm khủng khiếp tại sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Điều xác thực nhất mà không cần phải chứng minh mức độ ô nhiễm sông Cầu tại đây là cá chết la liệt, chết hàng đàn, chết dạt trắng cả hai bên bờ sông.

Những người dân sinh sống tại gần bờ sông hãi hùng cho biết: Ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống, mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu này hàng trăm năm. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đây phải nói là dòng sông đã chết chứ không còn là đang chết nữa. Rồi mai đây, con cháu chúng tôi làm sao mà sinh sống, mưu sinh bên dòng sông này nữa.

Tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh họp tìm phương án giải cứu sông Cầu đang giãy chết! - Ảnh 3.

Cá chết trắng dạt vào 2 bên bờ sông Cầu tại địa bàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh họp tìm phương án giải cứu sông Cầu đang giãy chết! - Ảnh 4.

Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã rất có trách nhiệm khi liên tiếp ra công văn báo cáo và cầu cứu cấp trên về tình trạng ô nhiễm sông Cầu.

Điều đáng nói là dòng sông Cầu không chỉ là nơi cung cấp tôm cá cho những người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ mà nó còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tươi tiêu và canh tác cho hàng vạn, hàng triệu người dân từ thượng nguồn xuống tận vùng hạ lưu.

Cách đây 2 năm, ngày 04/5/2016 Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 1555/BTNMT-TCMT gửi UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Đoàn công tác chỉ ra nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu tại đoạn giáp ranh giữa Bắc Giang và Bắc Ninh, đặc biệt vào mùa khô là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê đã bị ô nhiễm chảy vào sông Ngũ Huyện Khê là nơi tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất không được xử lý xả thải thẳng ra sông làm nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nước thải của các cơ sở sản xuất giấy thuộc làng nghề tái chế giấy xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, TP.Bắc Ninh. CCN Phong Khê 1, CCN Phòng Khê 2 và CCN Phú Lâm. Ngoài ra, chất thải rắn của làng nghề và các CCN này cũng không được xử lý, đổ bừa bãi trên mặt đê sông Ngũ Huyện Khê làm ách tắc dòng chảy và ô nhiễm nước sông.

Tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh họp tìm phương án giải cứu sông Cầu đang giãy chết! - Ảnh 5.

Bộ TNMT đã thành lập Đoàn công tác để kiểm tra thực tế tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu và đã chỉ rõ nguyên nhân tình trạng gây ô nhiễm.

Được biết cuối năm 2017, đầu năm 2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định thanh tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện tiên Du, nơi được coi là một trong những nơi gây ô nhiễm nguồn nước từ dòng Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm