Bài 4:

Sở Tài nguyên báo cáo “gan ruột” mong Tổng cục Môi trường cứu dòng sông “giãy chết”!

(Dân trí) - Sông Cầu với phòng tuyến Như Nguyệt ghi dấu ấn lừng lẫy suốt cả nghìn năm, nơi khơi nguồn cho dòng cảm xúc bất tận của thi ca, nhạc họa đang…giãy chết. Nước đổi màu, hôi tanh, cá chết hàng loạt. Người dân tột độ hoang mang. Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có báo cáo “gan ruột” gửi Tổng cục Môi trường.

Từ đơn thư kêu cứu của người dân gửi về tòa soạn, PV Dân trí đã trực tiếp ghi nhận và “mục sở thị” mức độ ô nhiễm khủng khiếp tại sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Điều xác thực nhất mà không cần phải chứng minh mức độ ô nhiễm sông Cầu tại đây là cá chết la liệt, chết hàng đàn, chết dạt trắng cả hai bên bờ sông.

Những người dân sinh sống tại gần bờ sông hãi hùng cho biết: Ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống, mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu này hàng trăm năm. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đây phải nói là dòng sông đã chết chứ không còn là đang chết nữa. Rồi mai đây, con cháu chúng tôi làm sao mà sinh sống, mưu sinh bên dòng sông này nữa.

Sở Tài nguyên báo cáo “gan ruột” mong Tổng cục Môi trường cứu dòng sông “giãy chết”! - 1

Sở Tài nguyên báo cáo “gan ruột” đề nghị Tổng cục Môi trường cứu sông Cầu.

Sở Tài nguyên báo cáo “gan ruột” đề nghị Tổng cục Môi trường cứu sông Cầu.

Trong những nỗ lực cứu dòng sông này, ngày 31/7/2018, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 196/BC-TNMT gửi Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Theo đó, Sở TN&MT Bắc Giang cho biết thực hiện Công văn số 2035/TCMT-MTMB ngày 23/7/2018 của Tổng cục Môi trường về việc tổ chức buổi làm việc trao đổi, khảo sát hoạt động xả nước thải tại huyện Yên Dũng, Việt Yên tỉnh Bắc Giang và tại sông Ngũ Huyện Khê, khu xử lý rác thải xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang báo cáo như sau:

Thời gian từ năm 2016 đến nay, chất lượng nguồn nước sông Cầu bị suy giảm chất lượng nghiêm trọng, thường xuyên có mầu đen, mùi hôi thối, cá chết hàng loạt tại địa phận các xã: Quang Châu, Vân Trung, Ninh Sơn thuộc huyện Việt Yên và các xã: Yên Lư, Nham Sơn, Tư Mại, Thắng Cương, Đồng Phúc thuộc huyện Yên Dũng (năm 2016 xảy ra 01 lần, năm 2017 xảy ra 4 lần, từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra 9 lần, đặc biệt sau những ngày trời mưa to).

Các phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng, Việt Yên, Công ty TNHH FuGiang (Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Vân Trung) và cử tri và nhân dân tại các xã: Quang Châu, Vân Trung, Ninh Sơn thuộc huyện Việt Yên và các xã: Yên Lư, Nham Sơn, Tư mại, Thắng Cương, Đồng Phúc thuộc huyện Yên Dũng nhiều lần có ý kiến về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu như nêu trên.

Cùng theo đó các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng trên. Mới đây nhất là bài Sông Cầu đang “ giãy chết”, chính quyền khẩn khiết ra công văn cầu cứu đăng trên Báo điện tử Dân trí ngày 27/7/2018, phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, nước có mùi hôi tanh, cá chết hàng loạt…

Sở Tài nguyên báo cáo “gan ruột” mong Tổng cục Môi trường cứu dòng sông “giãy chết”! - 3

Cá chết trắng sông Cầu.

Cá chết trắng sông Cầu.

Qua theo dõi, khảo sát thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát các nguồn tác động trên địa bàn tỉnh và khu vực xung quanh, xác định nguyên nhân chính làm ô nhiễm tăng cao, cá chết trên sông Cầu tại các vùng hạ lưu sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang là do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh (tại cống tiêu Đặng Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh); Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định nguyên nhân cá chết là do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh tại văn bản số 1555/BTNMT-TCMT ngày 04/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (kèm theo Công văn số 1555/BTNMT-TCMT ngày 04/5/2016).

Từ thực trạng nhức nhối trên, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đề xuất: Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động xả thải của các cơ sở trên địa bàn tỉnh vào lưu vực sông Cầu; đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà; tiếp tục phối hợp với Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh.

Tuy nhiên, Sở TN&MT Bắc Giang đề nghị Tổng cục Môi trường tăng cường phối hợp với tỉnh Bắc Ninh trong việc thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết ô nhiễm môi trường đối với hoạt động xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh; tạo điều kiện huy động nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu, hỗ trợ cho người dân khu vực bị ảnh hưởng, đầu tư hệ thống quan trắc tự động trên sông Cầu.


Hàng loạt văn bản đề nghị xử lý ô nhiễm sông Cầu được Sở TN&MT Bắc Giang gửi đi nhưng thực tế là việc giải cứu dòng sông này vẫn còn đang nằm trên giấy.

Hàng loạt văn bản đề nghị xử lý ô nhiễm sông Cầu được Sở TN&MT Bắc Giang gửi đi nhưng thực tế là việc giải cứu dòng sông này vẫn còn đang nằm trên giấy.

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở hoạt động tại khu xử lý rác thải xã Phù Lãng, huyện Quế Võ và các nguồn thải vào sông Ngũ Huyện Khê, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, chậm khắc phục; bố trí nguồn lực khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường của tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân gây ô nhiễm sông Cầu đã được Bộ TN&MT chỉ rõ nhưng việc giải cứu dòng sông này đã không được Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cùng chính quyền địa phương vào cuộc rốt ráo, có trách nhiệm. Bởi vậy, nhiều năm sau kết luận, người dân vẫn khản giọng kêu cứu, cá vẫn chết trắng và dòng sông giờ đang trong tình trạng "giãy chết".

Người dân không cần các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh giải cứu dòng sông... trên giấy mà cần những động thái cụ thể, quyết liệt trên thực tế.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân