Phải loại trừ tệ nạn “đi thầy” trong nhà trường
Đọc bài viết của bạn Nghiêm Thị Loan trên Diễn đàn Dân trí, tôi như nhìn thấy hình ảnh của mình cách đây hơn 1 năm. Khi là sinh viên năm cuối, tôi cũng đối mặt với nỗi trăn trở: “đi thầy” hay không “đi thầy".
Bạn đọc Bích Hạnh:
Tôi phải trăn trở, vì suốt gần 4 năm học, tôi chưa bao giờ phải mất 1 đồng - tiền - nào - không - chính - đáng cho vấn đề thi cử, học hành. Vậy mà khi làm báo cáo thực tập và luận văn tốt nghiệp, đứng trước trào lưu đi thầy tôi cũng phải phân vân.
Nếu tôi cũng đi, đồng nghĩa với việc, tôi đã phủ nhận kết quả học tập tự lực của mình suốt thời gian qua. Tôi đã lựa chọn giải pháp: hỏi ý kiến người thân là bố mẹ.
Bố mẹ nói: tùy con quyết định, nếu việc đi thầy thực sự cần thì bố mẹ sẽ cho tiền con đi, nhưng tôi đọc được trong ánh mắt của mẹ là một nỗi lo lắng về kinh tế, và chắc hẳn bố tôi không hề tự hào nếu biết con mình phải đi đút lót thầy, trong khi tôi hoàn toàn có khả năng làm tốt mọi thứ.
Tôi còn tham khảo ý kiến anh chị khóa trước, bạn bè cùng khóa, thì đến 90% đồng tình với việc nên đi thầy bởi trước thì cảm ơn thầy vì mất công giúp mình, sau thì để có bằng đẹp. Còn 9% còn lại thì không đi thầy bởi không quan trọng điểm gì vì bằng tốt nghiệp cũng không thay đổi nữa, và 1% còn lại thì chắc cũng như tôi.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Sau rất nhiều đêm suy nghĩ và miệt mài làm bài, tôi đi đến quyết định là không đi tiền thầy cô. Tôi sẽ đi cảm ơn thầy cô bằng tấm lòng của mình chứ không phải phong bì lót tay như thông lệ. Thực sự trong lòng tôi luôn hi vọng bài làm của mình dù không đi thầy vẫn có kết quả tốt. Và có lẽ tôi đã hơi thơ ngây vì điều đó (nguyên văn câu nói của bạn thân tôi).
Tôi cứ hồi hộp hi vọng cho đến ngày nhận bằng tốt nghiệp... và òa khóc khi tôi tốt nghiệp loại khá với số điểm tổng kết 7.99. Thực sự nỗi tiếc nuối, thất vọng tràn đầy bởi khi biết được báo cáo thực tập của tôi được 9.5đ và đã bị làm tròn xuống 9đ vào phút cuối.
Bạn bè thì có vẻ cảm thông với kết quả đương nhiên phải nhận của tôi. Thầy chủ nhiệm thì gọi điện an ủi và tin tưởng vào khả năng của tôi, không phải vì 1 tấm bằng tốt nghiệp mà cản trở công việc. Tôi dần bình tâm trở lại sau cú sốc đó.
Khi ra trường, tôi đi phỏng vấn xin việc, sau khá nhiều lần nhận được cái lắc đầu, thật may mắn tôi đã tự xin được việc bởi 1 câu trả lời phỏng vấn trung thực.
Chủ tịch hội đồng tuyển dụng hỏi tôi: “Em hãy tự giới thiệu về bản thân?”
Sau khi nói vài nét về bản thân, tôi tự tin giới thiệu "Em tốt nghiệp loại suýt Giỏi"
Và câu hỏi tiếp theo là: “Tại sao em không cố gắng được bằng giỏi, vì em không đủ khả năng hay vì còn lý do nào khác?”
Tôi thật thà trả lời: "Em tin em là người có khả năng để cố gắng được bằng giỏi, tuy nhiên, em nghĩ thầy cô đã cho em số điểm đó để em nỗ lực hơn, và hơn cả, em không muốn mất tiền để có tấm bằng giỏi không có giá trị như vậy nên em chấp nhận bằng suýt Giỏi".
Sau đó, tôi đã được nhận vào Phòng đào tạo của 1 trường đại học.
Từ đó, tôi chưa bao giờ hối hận vì mình không đi thầy.
Bạn đọc Vũ Văn Tài:
Bản thân em cũng đang là sinh viên (SV), học không giỏi lắm, gia đình không phải nhà giàu. Nên trước khi bước vào đời SV, em đã chuẩn bị một tinh thần học thật nghiêm túc, bởi em nghĩ khi lên đại học mình phải tự học là chính thì mới có một kết quả tốt được.
Và ở bậc đại học, em coi việc học là một sự cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh và công bằng bởi lẽ hai từ "đại học".
Nhưng đó là trước khi bước chân vào giảng đường. Những cái suy nghĩ đó, em đã tự bảo mình là quá thơ dại, đúng là một thằng khờ sau lũy tre làng, bởi trước mỗi lần thi thì đều có chuyện xảy ra như lớp học của chị Loan.
Em hỏi sao phải làm thế, thì lớp trưởng trả lời ngắn gọn các anh chị khóa trước khuyên như thế thì các thầy cô sẽ chấm lỏng tay hơn", và mọi người trong lớp đều đồng ý, lúc đó em đã im lặng trong tiếng ồn ào của cả lớp.
Có bạn là người thành phố ngồi gần em và nói "xã hội bây giờ là thế". Em không được như chị Loan vì không còn cách nào khác ngoài theo số đông. và rồi tất cả đều làm theo, trong số đó có những bạn điều kiện khó khăn cũng đành theo số đông. Một, hai... rồi nhiều lần thi vẫn tiếp diễn. Và có lẽ chỉ có ở trường tỉnh lẻ thôi?
Vì em muốn chuyển ngành nên sau khi học được một năm, em đã thi lại đại học và đỗ một trường ở Hà Nội. Và đến lúc thi kết thúc môn, việc "đi thầy" như thế không có gì khác trường tỉnh lẻ (Em chỉ nói riêng một số trường, chứ không dám khẳng định mọi trường).
Em đã tự hỏi tại sao các anh chị SV khóa trước cứ phải khuyên như thế? Tại sao các thầy cô lại nhận như thế? Em nghĩ nếu em hỏi người khác để tìm câu trả lời thì chẳng giải quyết được gì. Nên tốt nhất cứ im lặng.
Em đã không dũng cảm như chị Loan để viết ra những điều suy nghĩ từ đáy lòng mà ít ai dám nói thẳng như thế. Và em muốn hỏi tại sao những bài viết tương tự lại ít như thế?
Bạn đọc Nguyễn Mạnh Chuẩn:
Tôi cũng như bạn Loan đã viết bài trên Diễn đàn Dân trí, luôn cố gắng để minh bạch với bản thân.
Thực ra cái mà tôi làm là tự làm cho mình thấy mình trong sạch, để tự mình không khinh bỉ chính bản thân.
Ngày tôi còn là sinh viên, tôi không bao giờ “đi” các thầy cô giáo. Thay vì thế, tôi chứng tỏ mình trước thầy cô bạn bè bằng học lực.
Trên lớp tôi luôn say mê học các môn chuyên ngành. Ngoài giờ học, tôi còn tham gia phong trào rất nổi của SV hằng năm - Robocon…
Năm cuối, tôi nợ 1 môn mà chẳng liên quan gì tới chuyên ngành công nghệ thông tin của tôi, môn Thủy Nông (Tôi học trường Đại họcThủy Lợi ). Bạn bè đều nói tôi “đi thầy” cho qua, còn làm đồ án. Tôi nhất quyết ôn thi và lại trượt .
Và tôi không được bảo vệ trong đợt đó. Nhưng tôi không buồn hay xấu hổ, mà vẫn vui, và tự hào nữa. Ít nhất tôi không làm gì sai cả phải không?
Nửa năm sau thì tôi cũng có được bằng tốt nghiệp loại Khá bằng khả năng của mình.
Giờ tôi đã đi làm được 2 năm, và tôi vẫn luôn giữ cho mình sự tự trọng, tự tôn, không làm mất đi sự minh bạch của bản thân trong mọi chuyện.
Tôi cũng tin “xã hội sẽ trong sạch nếu từng thành viên trong xã hội đó trong sạch”!
Mong rằng tất cả SV, GV, và tất cả mọi người, hãy biết giữ sự tự tôn, tự trọng đó, để trong sạch hóa xã hội này.
Bạn đọc Pham Duc Hung:
Đọc bài viết "Các thầy cô giáo nghĩ gì khi nhận phong bì của sinh viên?" tôi thấy rõ sự bức xúc của bạn Loan!
Nhưng điều này phản ánh đúng là bạn đang là sinh viên, sự hiểu biết về cuộc sống xã hội còn nhiều mặt hạn chế, tôi không biết giải thích cho bạn thế nào, nhưng chỉ kể cho bạn nghe một câu chuyện tương tự, mong rằng bạn sẽ rút ra kết luận, bạn càng sớm rút ra kết luận thì bạn càng sớm có thể tồn tại trong xã hội bây giờ.
Tôi cũng vây, cũng may mắn được thầy “dạy bảo” điều đó ngay từ những năm tháng đầu là sinh viên, lúc đó tôi còn mơ hồ, tôi cũng giận thầy lắm nhưng bây giờ sau khi ra trường và đi làm thì tôi lại thấy thầy đúng là một người thầy tốt đã dạy tôi bài học sống ở trên đời!
Câu chuyện của tôi bắt đầu từ khi tôi là sinh viên năm thứ nhất.
Vào giờ kiểm tra hết học phần triết học, tôi là một người học khá và một cậu bạn là thủ khoa của năm đó không khỏi ngỡ ngàng vì toàn bộ các bạn còn lại đã có đề và cả bài viết xong từ trước khi vào phòng, các bạn chỉ đợi thầy phát đề xong là nộp bài luôn.
Sau 15 phút trong phòng chỉ còn mỗi tôi và ông bạn thủ khoa ngồi hì hụi viết, đến tận cuối giờ còn xin thêm thầy để viết... bài thi cũng được 12 trang A4 đó. Nhưng đến hôm trả kết quả tôi không khỏi ngạc nhiên cả lớp chỉ toàn 8 điểm trở lên còn mình tôi và cậu bạn làm 2 con 4.
Hôm sau, chúng tôi xin thầy làm lại bài kiểm tra, với 2 phong bì 50 ngàn. Sau 15 phút thầy bảo chúng tôi dừng lại để nộp bài, thầy cho 2 điểm 8. ok!
Sau đó trước khi ra về thầy có nói một câu mà tôi mãi không quên, đến bây giờ nó vẫn hoàn toàn đúng như một chân lý của cuộc sống đó bạn ạ.
Thầy nói "Với tôi, hoàn toàn có thể bỏ qua cho 2 cậu, đáng lẽ bài kiểm tra của 2 cậu đạt điểm 9 nhưng tôi cho 4, tại sao cả lớp đều biết đến xin tôi đề nhưng 2 cậu thì không, tôi muốn 2 cậu biết cách sử dụng phong bì như thế nào? Sau này ra trường, đi đến đâu, nếu muốn thành đạt ở đó chắc chắn các cậu phải dùng nó đấy!"
Tôi nhận thấy đây là một bài học vô cùng quý giá đó bạn ạ!
Bạn đọc Bui Ha :
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, việc cha mẹ tặng “phong bì” thày cô giáo của con từ nhà trẻ tới mọi cấp học là chuyện bình thường. Điều đó không thể đánh giá thày cô xấu được. "Tiên trách kỷ hậu trách nhân ".
Vâng do một số bậc cha mẹ coi tiền cao hơn tất cả, tiền có thể mua được mọi thứ nên vô hình trung làm khổ tất cả. Thày cô mang tiếng xấu, cha mẹ thì ấm ức chi tiền. Nói nhiều nói mãi tệ nạn này không thể thay đổi được đâu. Ở mỗi bậc học thể hiện rất rõ tác dụng của "phong bì". Độ nặng nhẹ của phong bì phụ thuộc vào cấp học và loại hình đào tạo.
Tính hai mặt trong cuộc sống thể hiện ở vấn đề này rất rõ.
Cha mẹ muốn thày cô quan tâm tới con thì phong bì. Thày cô (một số) muốn kiếm tiền từ phụ huynh, sinh viên. Sinh viên lười học muốn kết quả tốt thì phong bì.
Nếu ai đó không theo dòng chảy ắt bị thiệt thòi. Một vài cá nhân đấu tranh thì chỉ có tránh đâu thôi. Tôi đã rất nhiều lần bức xúc nhưng vẫn phải làm.
Tôi có đọc bài viết của bạn sinh viên dám thẳng thắn phát biểu và không đóng tiền “đi thày” . Tôi rất cảm phục bạn. Hãy vững tin mình học tốt không lo kết quả xấu đâu. Tôi cũng đã từng là sinh viên tại chức thôi nhưng tôi cũng không đóng tiền đi thày mà kết quả thi các môn của tôi cũng không thua kém ai trong lớp đâu đấy.
Thày cô (ngoại trừ một số biến chất) luôn là những người chúng ta đáng kính trọng.
Bạn đọc Lê Văn Tính:
Tôi rất chia sẻ những bức xúc của bạn Loan, tôi đã từng là sinh viên giờ ra đi làm rồi, nhưng buổi tối vẫn đi học liên thông.
Đúng là ở VN tham nhũng chưa thể mất được trong một sớm một chiều, khi mà ở bất kỳ ngành nào cũng có tham nhũng, và mọi người coi việc đó là một việc diễn ra bình thường.
Khi còn đi học, chúng ta thấy nhiều người dạy mình nhận tiền của sinh viên, mà họ đâu có bị thôi việc, nên khi ra trường chúng ta cũng nghĩ người khác nhận được sao mình lại không đựoc nhận.
Tôi có thể khẳng định là chuyện nhận phong bì mỗi môn thi là có nhưng mỗi khu vực mỗi khác. Ở miền Trung và Miền Bắc thì nó có vẽ là luật bất thành văn, còn ở miền Nam thì chuyện này có vẻ giảm hơn.
Em gái tôi đang học trường ĐH Hồng Đức Thanh Hóa, cứ mỗi khi đến kỳ thi giữa kì thì lại điện vào xin tiền tôi để góp đi thầy cô giáo, lần đầu tiên nghe được tôi đã rất bức xúc và nói không cho tiền chỉ về chuyện đấy.
Tôi cũng đã điện hỏi bạn tôi học ngoài đó bảo có chuyện đấy, nên tôi cũng phải gửi tiền về để em góp với lớp.
Tôi không biết những thầy cô giáo khi nhận những đồng tiền như vậy thì họ nghĩ gì, tôi nghĩ các giảng viên cũng là những người như những sinh viên vậy thôi. Là một giảng viên họ đã được đào tạo qua lớp sư phạm về tâm lý và vai trò mô phạm của Người Thầy, họ là những người phải là tấm gương cho sinh viên noi theo, nhưng đáng tiếc họ là những người làm cho thế hệ sau xấu đi.
Không biết các cơ quan quản lý giáo dục có biết không, nhưng sự phổ biến như vậy mà không biết là không được.Tuy lương của nước ta còn thấp nhưng không vì thế mà họ lấy tiền của những sinh viên nghèo khó mà lo cho cuộc sống của riêng mình, có biết bao nhiêu những người lính đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất, vùng biển vùng trời của tổ quốc để cho họ có cuộc sống bình yên mà họ làm những chuyện đáng hổ thẹn như vậy.
Chúng ta đang phát động phong trào học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh mà có những người thầy cô như vây quả là đáng tiếc. Mong sao các cơ quan chủ quản sớm có biện pháp để cho chuyện đó không xảy ra nữa.
LTS Dân trí - Muốn cho đất nước phát triển nhanh và bền vững thì phải đẩy lùi bằng được tình trạng tham nhũng đang còn phổ biến trong xã hội ta. Điều quan trọng là tìm mọi biện pháp để ngăn chặn từ xa và khắc phục từ gốc mọi tệ nạn tham nhũng dù biểu hiện dưới hình thức nào và trong bất cứ tình huống nào của muôn mặt đời sống xã hội.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, hành động “đi thầy” của sinh viên trước mỗi kỳ thi không chỉ là biểu hiện của tệ nạn tham nhũng đã lan tràn vào môi trường chuẩn mực của giáo dục mà còn cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân cách và đạo đức của cả thầy lẫn trò trong không ít các trường đại học.
Đấy là hồi chuông cảnh tỉnh các cấp lãnh đạo và quản lý giáo dục cần kịp thời tìm ra những biện pháp kiên quyết ngăn chặn tệ nạn này, trả lại môi trường trong sạch, lập lại nên nếp và kỷ cương của mọi trường Đại học và Cao đẳng.