Khi số điểm được chấm bằng… “phong bì”!
Nếu các giảng viên dành một chút thời gian nghĩ về những người nông dân chạy ăn từng bữa, tần tảo nuôi con ăn học hay nhìn những sinh viên của họ xếp hàng dài chờ xin giấy chứng nhận vay vốn thì họ không cười tươi như thế mỗi khi nhận phong bì.
Có người bảo đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo”, người bảo đó là “văn hóa phong bì”, người khác lại gọi là hành động “đi thầy” hay “căn bệnh của xã hội”, một số nữa thì cho rằng đây là sự việc hiển nhiên của cuộc sống! Dù nhiều tên gọi như vậy, và có cho đó là gì đi nữa thì hệ quả mà bậc thầy cô gây ra khi gật đầu với “phong bì” là… vô cùng nhiều!
H.V.N sinh viên năm 3, khoa Cơ Điện, trường ĐH Mỏ- Địa chất cho biết: “Lớp em cũng có hiện tượng này. Trước kỳ thi, mỗi thành viên trong lớp thường nộp 100 nghìn đồng để cán bộ lớp tổ chức đi “thăm hỏi”các thầy cô. Còn muốn chạy điểm thì tùy từng môn, tùy số học trình nhưng thường là từ 200 nghìn trở nên. Đắt nhưng có thể được điểm cao hoặc không phải thi lại. Nói chung là “tiền nào của ấy”. Mặc dù kiến thức thu được là giả nhưng quan trọng là sau 5 năm có được tấm bằng ra trường”
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Có thể thấy hiện trạng này đang diễn ra phổ biến ở nhiều trường đại học. Tặng “ phong bì” thầy cô mỗi khi kỳ thi đến đã trở thành một thói quen, một phản xạ tự nhiên của sinh viên ngày nay.
Nguyên nhân do đâu?
Đó là do một bộ phận sinh viên lười học, học kém nghĩ rằng tiền có thể thay thế trí thông minh và đức cần cù của họ.
Nhưng về phía thầy, cô giáo thì sao? Chính thầy, cô là nhân tố quan trọng để “căn bệnh phong bì” lây lan như hiện nay. Bởi có cầu thì ắt có cung! Khi có một thầy cô thích thú với khoản thu nhập thêm này thì sẽ có hàng chục, hàng trăm sinh viên góp sức tạo nên nó.
Không dừng lại ở đó, như một hiệu ứng domino sinh viên lớp này sẽ truyền tai lớp khác, khóa trước sẽ dạy bảo “kinh nghiệm” cho khóa sau… làm cho số người mắc bệnh tăng lên nhanh chóng. Và trong trò chơi phản ứng dây chuyền này người thầy, người cô chính là điểm gốc, là lực phát động để mọi sự bắt đầu.
Cũng chính từ sự dễ dãi với “phong bì”, những người thầy, người cô đã góp sức “chăm sóc”, phát triển căn bệnh vốn tiềm ẩn ở một bộ phận người trẻ tuổi. Đó là bệnh lười học, bệnh ham vui.
Một khi kết quả học tập có thể mua được thì công việc học tập cũng không còn là nghĩa vụ nữa. Và khi tiền là động lực của thầy cô giáo thì lúc đó học tập không còn là động lực của sinh viên:
“… một bộ phận sinh viên sẽ trở nên lười học, ỷ lại vào việc có thể mua điểm mà luôn nghĩ rằng: không cần phải học, đến ngày thi bỏ ra một ít tiền là được. Hậu quả là bảng điểm thì cao, ra trường bằng khá, giỏi nhưng thực chất kiến thức và năng lực của sinh viên chẳng có gì!” N.T.P sinh viên năm cuối , khoa Báo chí, Trường Cao đẳng Truyền hình tâm sự.
Và chúng ta khó có thể tưởng tượng được hậu quả sẽ đến đâu khi người có nhiệm vụ chăm sóc cây xanh và nhổ cỏ dại lại bỏ mặc cây để gieo trồng, chăm sóc cỏ dại!
Hơn thế nữa, khi người thầy, người cô bán có thể bán số điểm - thước đo học lực của sinh viên thì sự công bằng trong giáo dục sẽ không còn. Niềm tin có thể thành công bằng con đường học tập của những người trẻ tuổi cũng mất đi.
N.H.T, một sinh viên năm thứ hai bày tỏ: “…sẽ rất bất công vì những người học kém dùng tiền đút lót cho thầy cô sẽ có kết quả cao sau mỗi kỳ thi. Điều này làm cho việc đánh giá thực lực sinh viên không chính xác!”
Trong trường hợp này những sinh viên có tiền hoặc có thể vay tiền “tặng” thầy, cô sẽ có lợi thế hơn rất nhiều những sinh viên muốn có một kết quả thực chất. Và giữa cái ranh giới thật - giả đó, hỏi mấy ai có thể cầm mình được khi việc mua kết quả học tập dễ dàng và nhàn nhã hơn rất nhiều là cặm cụi đi tìm khả năng thật của bản thân? Số người cố tình mắc “bệnh phong bì” cũng theo đó mà tăng lên nhanh chóng!
Bên cạnh đó, nếu tham gia “phong trào” này, không ít sinh viên sẽ gặp những khó khăn về kinh tế. Như sinh viên N.T.H.T đã nói ở trên: “Không phải lúc nào cũng có tiền nên có khi phải đi vay rồi đến tháng bố mẹ gửi tiền lên mới trả.”
Đối với những sinh viên “có điều kiện” việc bỏ ra một, hai trăm nghìn đồng thì không có vấn đề gì nhưng đối với những sinh viên con nhà nghèo thì khoản tiền đó không hề nhỏ. Nếu tham gia thì không có tiền còn nếu không tham gia cũng không được. Vì cả lớp đã thống nhất vậy rồi, sao dám khác người chứ! Mà trong hoạt động này làm gì có chính sách miễn giảm cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn hay con thương binh, liệt sĩ.
Nếu các giảng viên dành một chút thời gian nghĩ về những người nông dân chạy ăn từng bữa, tần tảo nuôi con ăn học hay nhìn những sinh viên của họ xếp hàng dài chờ xin giấy chứng nhận vay vốn thì họ không cười tươi như thế mỗi khi nhận phong bì.
Xót xa hơn, khi những người thầy, người cô gật đầu với phong bì thì hình ảnh cũng xuống cấp nghiêm trọng. Nghề giáo không còn giữ được vị trí cao quý trong xã hội.
Trong mắt sinh viên người thầy không còn gắn liền với viên phấn, bục giảng mà ấn tượng hơn: “em đã bắt gặp hình ảnh một số thầy cô cầm phe phẩy mấy chiếc phong bì đi một cách lộ liễu ở hành lang của khoa” N.T.U sinh viên năm thứ hai trường ĐHTN bức xúc.
Như vậy có thể thấy người thầy, người cô ở đây không những đã bán số điểm mà còn bán đi nhân cách, lòng tự trọng của mình. Rồi ngày mai, khi họ đứng trước các sinh viên của mình rao giảng về đạo làm người, đức nghề nghiệp liệu có còn trọng lượng ? có còn ai nghe, ai tin ?...
(Nguồn: Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần 1)
Khi viết bài này, tác giả đã có một so sánh nhỏ về cái gọi là “văn hóa phong bì” trong hai ngành y tế và giáo dục.
Mặc dù ở ngành nào thì “cái văn hóa” này cũng “đáng ghét” như nhau nhưng bên cạnh đó còn có một điểm khác. Đó là, nếu “phong bì” trong ngành y tế có thể làm cho y đức của người thầy thuốc “to” hơn một chút, người bệnh được chăm sóc chu đáo và mau khỏe hơn thì trong ngành giáo dục “phong bì” sẽ góp phần hủy hoại những giá trị tốt đẹp của xã hội, giết chết cả một thế hệ, làm ngu dốt cả một dân tộc. Bởi giáo dục là tương lai.
Khi còn ngồi trên giảng đường sinh viên đã được trang bị những kỹ năng, tiểu xảo mua bán thành tích, biến giả thành thật… như vậy thì khi ra trường, bắt tay làm việc họ sẽ ra sao?
Thói nói chuyện bằng tiền, muốn làm ít hưởng nhiều sẽ biến họ thành những ông, bà quan tham? Những cái đầu rỗng tếch sẽ khiến họ là kẻ vô dụng trong công việc? Căn bệnh “ phong bì” có trở thành đại dịch không? Rồi những giá trị thực, những truyền thống tốt đẹp sẽ như thế nào?
Một phần tương lai của đất nước, của dân tộc là do các nhà giáo tạo nên, vì vậy các thầy, các cô đừng vì chút vụ lợi, ích kỷ bản thân mà quên đi thiên chức của mình. Hơn thế nữa,“giáo dục không là hàng hóa, trường không là chợ” (Giáo sư Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Vì vậy, thật đáng buồn khi mối quan hệ thầy, trò trở thành kẻ mua - người bán, kiến thức trở thành món hàng rẻ tiền để trao đổi. Cứ tình trạng này thì chất lượng giáo dục đại học ở nước ta sẽ đi đến đâu ? Nạn tham nhũng còn hoành hành đến khi nào?
Cuối bài viết, xin bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng tới những thầy, cô đoạn tuyệt với phong bì, coi đó là “rác rưởi” của xã hội, luôn đứng trên bục giảng bằng tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp.
Xin hoan nghênh những sinh viên thà thi lại, học lại còn hơn là để làm mất lòng tự trọng, hạ thấp nhân cách bản thân. Các thầy, cô và những sinh viên như vậy thật đáng quý, đáng trân trọng. Mong sao cho họ có thể đứng vững trước sự cám dỗ của phong bì và số điếm giả tạo!
hoahaiduongbc@gmail.com
LTS Dân trí - Bài viết trên đây cho thấy khá rõ tác hại và nguy cơ sâu xa của tệ nạn “phong bì” đang trở thành phổ biến ở nhiều trường đại học.
“Đi thầy” là một hành động đáng xấu hổ đối với sinh viên. Nhận ‘phong bì” còn tệ hại hơn vì đó là hành động tha hóa nhân cách của Người Thầy!
Ai cũng biết đời sống giáo viên (nói chung) hiện nay còn nhiều khó khăn, không đủ sống bằng đồng lương eo hẹp, nhưng không vì lý do đó mà tự hạ thấp nhân cách của mình.
Đương nhiên nhà nước có trách nhiệm chăm lo tốt hơn đời sống của đội ngũ giáo viên, nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình và đấy cũng là biện pháp quan trọng đẩy lùi tệ nạn “phong bì” trong nhà trường, trả lại sự trong sạch vốn có và cần có của môi trường có tính mô phạm.
Muốn dạy thực, học thực và có kết quả thực trong môi trường đại học hiện nay, công việc cần kíp trước mắt là phải ra sức đẩy lùi tệ nạn “phong bì”. Đấy vừa là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục - Đào tạo, vừa là nhiệm vu cụ thể của mỗi trường đại học.