"Hành vi lấn chiếm đất công đã rõ, sao phường Yên Nghĩa vẫn chưa xử lý?"
(Dân trí) - Nhiều độc giả tỏ ra khó hiểu với cách xử lý của phường Yên Nghĩa (TP Hà Nội) khi nhiều lần kết luận hộ dân sai phạm vì xây tường rào chắn ngõ đi chung, nhưng không cưỡng chế mà lại họp "hòa giải".
Sai phạm "rõ như ban ngày", nhùng nhằng 5 tháng không xử lý?
"Đã kết luận là hộ dân lấn chiếm đất công thì phải tiến hành xử phạt và cưỡng chế luôn, chứ cần gì phải họp hòa giải, rồi bàn cách xử lý nữa?. Có phải hai hộ tranh chấp đất của nhau đâu mà cần hòa giải. Cách làm việc của phường Yên Nghĩa thật khó hiểu!".
Đó là quan điểm của bạn đọc Tuệ Minh về vụ việc một hộ dân ở phường Yên Nghĩa, TP Hà Nội ngang nhiên xây tường kiên cố lấn chiếm ngõ đi chung, nhưng gần nửa năm vụ việc chưa được giải quyết.
Cùng chung thắc mắc về cách làm việc của chính quyền địa phương, bạn đọc Quang Huy đặt câu hỏi, ngõ đi chung là đất của công tại sao lại để hộ dân xây tường rào lên như thế?.
"Lẽ ra khi có người đặt gạch xây tường thì chính quyền địa phương phải có mặt yêu cầu dừng thi công. Tại sao nhà dân làm nhà thì cán bộ đến ngay, còn vụ này, lại để người ta xây tường kiên cố như thế mà không ai làm gì?", anh Quang Huy thắc mắc.
"Còn bàn luận, thống nhất gì nữa nhỉ?. Ngang nhiên chiếm đất công như thế phải yêu cầu tháo dỡ, xử phạt hành chính ngay và luôn. Nếu không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế, khởi tố vụ án. Sai phạm rõ ràng như vậy mà để nhùng nhằng suốt hơn 4 tháng thì không thể hiểu nổi!", anh Phan Văn Vinh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tài khoản Haiphongly cho rằng: "Cứ theo đúng luật, đúng quy định mà làm thôi. Lấn chiếm đất công thì phải cưỡng chế ngay, có gì khó đâu mà nửa năm rồi chưa xử lý được?".
Còn theo bạn Phạm Hòa Dung, cán bộ phường đã kết luận việc xây tường là sai quy định, vậy thì phải có kế hoạch cưỡng chế cụ thể và thời gian rõ ràng, chứ không thể "tiếp tục trao đổi" mãi được.
"Dẫu biết sau sắp xếp chính quyền hai cấp rất nhiều công việc, nhưng lãnh đạo phường cần quyết liệt hơn nữa", bạn đọc nói thêm.
Chốt lại, theo anh Lê Minh Hoàng: "Gia đình sai phạm không ký vào biên bản làm việc thì phải có biện pháp khác. Pháp luật cần được thực thi nghiêm minh để đảm bảo trật tự xã hội".
Phường có quyền cưỡng chế tháo dỡ?
Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc chính quyền địa phương có quyền cưỡng chế, phá dỡ công trình xây trái phép hay không?.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận theo thông tin lãnh đạo phường cung cấp, phần đất ông Hội xây dựng là đất giao thông công cộng, do địa phương quản lý. Do đó, hành vi của ông Hội có thể được coi là hành vi chiếm đất và cần bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Trích dẫn khoản 9, Điều 3 Luật Đất đai 2024, luật sư cho biết, hành động của ông Hội là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai.

Bức tường kiên cố lấn chiếm ngõ đi chung nhưng gần nửa năm chưa xử lý (Ảnh: Gia Đoàn).
Về chế tài xử phạt, theo Điều 13 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý thì có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, áp dụng với trường hợp diện tích dưới 0,02 héc ta.
Trường hợp đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng, tức 6-10 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (bao gồm cả việc khôi phục lại ranh giới và mốc giới thửa đất), trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi đất.
Đối chiếu trường hợp trên, do ông Hồi chiếm đất thuộc địa giới do phường quản lý, người này có thể bị xử phạt với mức phạt là 6-10 triệu đồng, đồng thời phải tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Về thẩm quyền xử lý, theo Điều 5 Nghị định 189/2025/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đất đai có thể áp dụng là 500 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng, tức lên tới 250 triệu đồng.
Do đó, đối với trường hợp này, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hội.
Ngoài ra, theo Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người vi phạm buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Như vậy, ngoài việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND phường có quyền yêu cầu người vi phạm tự tháo dỡ công trình. Trong trường hợp không chấp hành, chính quyền có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thực hiện.