Ngăn làn sóng bỏ học
(Dân trí) - Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2007 (năm học 2007 - 2008), có tới 114.000 học sinh trên cả nước bỏ học. Nguy hơn, sau đợt rét kinh hoàng vừa qua, thêm một số học sinh ở các tỉnh miền bắc, miền trung bỏ học và đang có nguy cơ tiếp tục bỏ học.
Nguy hơn nữa, cơn lốc tăng giá kéo từ năm ngoái đến năm nay đã đánh gục rất nhiều gia đình, và cơn lốc này sẽ cuốn thêm nhiều học sinh ra khỏi trường.
Mỗi năm, có khoảng 1,2 triệu học sinh ở các cấp học bỏ học. Riêng tiểu học và THCS, mỗi năm mỗi cấp có 50 vạn em rời trường. Đã có số liệu thống kê 8 năm từ niên học 1897 - 1998 đến nay, học sinh tiểu học giảm 3 triệu em. Hiện nay, học sinh các cấp bỏ học không những được hạn chế mà còn tăng nhanh một cách bất thường.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Theo các thầy, hầu hết học sinh bỏ học do kinh tế gia đình quá khó khăn, các em phải ở nhà làm việc phụ giúp cha mẹ kiếm cái ăn. Cùng tình trạng như các tỉnh miền trung, ở ĐBSCL, hàng ngàn học sinh ồ ạt rời trường, thầy cô giáo không thuyết phục được phụ huynh cũng như học trò của mình. Nhiều lớp học trống huơ trống hoác, thầy cô ngậm ngùi tự hỏi không biết rồi cuộc đời của các em sẽ đi về đâu?
Hàng vạn trẻ em bỏ học là hàng vạn thanh niên thất học trong nay mai. Cuộc đời của các em sẽ khó đàng hoàng tử tế vì các em không có chữ nghĩa. Cuộc đời một cá nhân bị tăm tối là một chuyện, nhưng hàng vạn con người tăm tối thì xã hội đó sáng sủa sao được. Dân tộc này làm sao có sức mạnh được một khi có một bộ phận rất lớn thế hệ trẻ không có trình độ văn hóa cấp 1, cấp 2. Đất nước làm sao phát triển được khi một nguồn nhân lực quan trọng bị khuyết tật về tri thức, một bộ phận người dân có trình độ dân trí quá thấp? Đó là mối nguy ngày mai, nhưng ngay hôm nay, các em không được giáo dục tử tế, rất có thể sa vào các tệ nạn, hư hỏng, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trước làn sóng học sinh bỏ học hiện nay, rõ ràng không ai có thể bình tâm đứng nhìn. Chúng ta luôn hô hào giáo dục là quốc sách, thì ngay bây giờ phải có chính sách để hỗ trợ các gia đình nghèo, đưa trẻ em trở lại nhà trường. Đây không chỉ là việc của địa phương hay của ngành giáo dục, mà là việc cực kỳ hệ trọng của quốc gia.
Lê Chân Nhân