Tiêu điểm:

Nâng cao dân trí bằng pháp luật

(Dân trí) - Một sự kiện liên quan đến mọi gia đình tuần qua đó là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch lấy ý kiến đóng góp của người dân về Dự thảo "Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình".

Cho đến bay giờ, VN chưa có một văn bản pháp luật để điều chỉnh các hành vi bạo lực gia đình thì quả thực chưa thể xem là văn minh. Dự thảo nghị định này sẽ giúp người dân ý thức hơn về văn minh - văn hóa, bắt đầu từ trong tổ ấm của mình.

Chiếu theo các quy định của Dự thảo Nghị định thì nước ta có đến khoảng 90% gia đình vi phạm. Bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, cưỡng ép tình dục, chì chiết nhau xảy ra khá phổ biến trong nhiều gia đình. Nhiều phụ nữ chấp nhận bị chồng đánh đập, hàng xóm lại xem đó như việc riêng "đèn nhà ai nấy rạng", chính quyền cũng không quan tâm đến những chuyện trong nhà của dân. Ngược lại, cũng không ít những người vợ mắng chửi chồng thậm tệ, ngôn ngữ còn nặng nề hơn cả tay chân.

Các quy định về mức phạt tiền còn phải tính toán cho phù hợp và việc phạt tiền như vậy có đủ để răn đe bạo hành? Trên thực tế, có nhiều trường hợp chồng đánh đập vợ, khi chính quyền đến can thiệp thì sau đó chồng còn đánh hăng hơn nữa. Nếu Nghị định được ban hành và có hiệu lực, liệu khả năng cưỡng chế xử phạt có được áp dụng hiệu quả? Nhiều người cho rằng chồng bạo hành bị xử phạt tiền triệu, vợ sẽ là người móc túi nội phạt cho chồng vì tiền bạc tài sản đều là của chung. Như vậy chính người phụ nữ lại bị thiệt thòi đến hai lần. Cho nên, các quy định chế tài nếu không khả thi thì chỉ lờn thuốc, người dân lại xem thường pháp luật.

Những điều chưa hợp lý và phù hợp với cuộc sống thì sẽ phải điều chỉnh, nhưng việc ban hành Nghị định này là hết sức cần thiết. Trước hết, sự điều chỉnh các quan hệ trong gia đình sẽ góp phần cải thiện môi trường giáo dục nền tảng trong mỗi gia đình. Các chuyên gia tâm lý học đã từng phân tích, ở những gia đình có cha mẹ thường xuyên gây gổ hay đánh đập nhau, con cái sẽ bị tổn thương nặng nề. Nhiều trường hợp trẻ em bỏ học, đi bụi đời, hư hỏng là vì chán nản cảnh gia đình. Về lâu dài, các em phát triển lệch lạc về nhân cách, không có ý thức tôn trọng người khác, thậm chí trở thành tội phạm.

Do vậy, để cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh - văn hóa, việc điều chỉnh hành vi của con người bằng các quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng. Pháp luật cũng là một sự thể hiện độc đáo về văn minh của con người. Lấy pháp luật làm một yếu tố căn bản để xây dựng cuộc sống văn minh là điều rất đúng đắn. Nghi định trên cần sớm được đưa vào cuộc sống.

Lê Chân Nhân

Dòng sự kiện: Tiêu điểm báo giấy