Tiêu điểm

Chúng ta phải thấy xót xa

(Dân trí) - Theo thống kê tương đối đầy đủ từ các địa phương, trong niên học 2007 - 2008, có hơn 147.000 học sinh bỏ học. Nếu tính thêm với số đang ở tuổi đi học nhưng không được đến trường, con số thất học lên tới nhiều trăm ngàn.

Một con số đánh động đến bất cứ những ai thao thức về sự học của nước nhà. Học sinh bỏ học không còn xảy ra riêng lẻ mà như một làn sóng. Ngành giáo dục các địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng rất khó lôi các em trở lại học đường.

Các đại biểu Quốc hội và các nhà quản lý giáo dục nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và điều cốt lõi nhất là một bộ phận không nhỏ người dân quá nghèo, không đủ sức cho con ăn học. Rõ ràng đa số người dân VN đều có tinh thần hiếu học, không ai muốn cho con cái mình thất học nhưng ý nguyện và hiện thực đôi khi không đồng hành với nhau.

Đất nước còn nhiều người nghèo nên bên cạnh trách nhiệm của nhà nước, nhiều tổ chức xã hội thực hiện các chương trình khuyến học để nâng đỡ cho học sinh, sinh viên, trong đó chắc chắn không thiếu những hạt mầm tài năng đã được khuyến khích. Các chương trình khuyến học, khuyến tài đó hoạt động có hiệu quả nhưng không đủ sức gánh vác cho tất cả mọi người nghèo trong xã hội.

Với đà này thì chỉ trong một thập niên, VN sẽ có hàng triệu người thất học, đất nước thiếu hẳn nguồn nhân lực có học thức, học thuật để đảm đương trọng trách xây dựng và phát triển. Cùng hệ quả đó là có hàng triệu người thất nghiệp, vô công rồi nghề hoặc làm những công việc không đem lại giá trị và năng suất lao động cao. Tương lai của đất nước không thể dựa vào một lực lượng trẻ khiếm khuyết về tri thức. Không có tri thức thì không thể nhận thức cao để chuyển hóa xã hội theo hướng đi lên và tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và văn hóa cao.

Trong tác phẩm "Khuyến học" của Fukuzawa Yukichi - Nhà văn, nhà tư tưởng nổi tiếng của Nhật Bản có đoạn: "Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hóa cũng bởi vì trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật Bản tích cóp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết… Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã".

Cách đây hơn 100 năm, một trí thức người Nhật đã có tư tưởng đó và có lẽ tư tưởng của ông đã đóng góp phần nào cho những cải cách để nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới. Đất nước VN trong thế kỷ 21, những tụt hậu và thiệt hại do sự yếu kém về học thuật đang là một thực tế. Cho nên dù phải khẩn cấp giải quyết rất nhiều công việc trước mắt, cũng đừng quên chăm lo sự học cho thế hệ tương lai.

Lê Chân Nhân

Dòng sự kiện: Tiêu điểm báo giấy