Tiêu điểm:

Cảnh báo thật từ sốt giả

(Dân trí) - Cơn sốt giá gạo trong tuần qua quả thực chưa từng thấy ở Việt Nam, một quốc gia xuất khẩu đứng thứ hai thế giới lại bị sốt gạo, người dân sống trên bồ lúa lại sợ hãi thiếu lương thực phải đi mua vài chục cân về trữ.

Các đại lý được một phen lãi to vì nâng giá bao nhiêu cũng có người mua. Dân ta bị làm sao vậy? Chỉ vì một tin đồn vô lối mà đổ xô đi mua gạo không phải là chuyện lạ. Đã từng vì chuyện xăng tăng giá, người dân bao vây các cây xăng, tranh nhau mua vài chục lít đem về trữ.

Họ không bao giờ hình dung cái lợi vài ngàn đồng đó không bao nhiêu mà nguy cơ cháy nổ trong nhà thì khủng khiếp như thế nào. Rồi chơi chứng khoán, người ta kéo nhau đi chơi một thứ mà mình không hiểu gì về nó, ùn ùn mua cổ phiếu, bán nhà bán cửa để chơi. Đến lượt sốt căn hộ cao cấp, hàng ngàn người đạp nhau, xếp hàng thức suốt đêm để đóng tiền mua căn hộ chỉ có trên giấy. Các chuyên gia địa ốc cũng phải giật mình trước cái sự liều của người dân, dù có bóp méo trán cũng không thể hiểu nổi một số người dân ta đang bị "làm sao vậy?". Sốt đất cũng thế, người ta cầm cố nhà cửa, vay ngân hàng lao đi mua đất. Trên thực tế cũng có người trúng quả, nhưng số đông vẫn là rủi nhiều hơn may. Hiện nay có không ít người ôm đất và đang sống dở chết dở vì không có tiền trả lãi ngân hàng.

Những cơn sốt giả đó cho thấy một sự thật rất đáng cảnh báo, đó là tâm lý ít tố chất tư duy độc lập của không ít người VN. Trước một hiện tượng, ít người có được sự độc lập trong nhận thức mà thường hay hùa theo số đông. Ví dụ như vừa qua, cùng nhau nhìn nhận về việc VN phóng vệ tinh vào vũ trụ, VN hội nhập vũ trụ. Không mấy ai suy nghĩ về một sự thật rằng chúng ta bỏ tiền đi mua vệ tinh, thuê người ta phóng lên vũ trụ vì chưa thể phóng được. Và vệ tinh loại như vậy trên thế giới có nhiều lắm rồi, không lạ lùng gì, mà có người vẫn tự huyễn hoặc như chính mình là nhà sáng chế, phát minh.

Có một cảnh báo quan trọng nữa từ vụ sốt giá gạo, đó là đừng để xảy ra khủng hoảng lương thực. Trong hai thập niên qua, VN đã chuyển đổi một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp sang sử dụng các mục đích khác. Điều này có mặt tích cực nhưng nếu xu hướng đó tiếp tục thì đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp đến giới hạn nguy hiểm. Cho nên dứt khoát VN phải giữ ổn định diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Lúa gạo là thế mạnh của VN là văn minh người Việt, đừng bỏ sở trường chạy theo sở đoản.

Lê Chân Nhân

Dòng sự kiện: Tiêu điểm báo giấy