Ba phút cùng luật sư:

Đầu độc người tiêu dùng bằng thực phẩm thối ướp hoá chất sẽ lĩnh tối đa 20 năm tù

(Dân trí) - Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã sửa đổi những quy định bất cập về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Những quy định mới sẽ “gỡ trói” cho cơ quan chức năng, dễ dàng xử lý hình sự các đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm “bẩn”.

Đầu độc người tiêu dùng bằng thực phẩm thối ướp hoá chất sẽ lĩnh tối đa 20 năm tù.

Thời gian gần đây, các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lại rộ lên trên cả nước. Dư luận xã hội rất bức xúc về tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thịt động vật đã bị thối, dùng hóa chất tẩm vào thịt thối để bảo quản…

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, báo Dân trí đã có buổi trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc công ty luật Đức Chánh, về “tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” và nguyên nhân vì sao dù đã có quy định xử lý hình sự đối với đối tượng vi phạm quy định này nhưng vẫn chưa xử lý được.


Thực phẩm bẩn ướp hoá chất đã và đang từng ngày đầu độc cộng đồng.

Thực phẩm "bẩn" ướp hoá chất đã và đang từng ngày đầu độc cộng đồng.

Thưa luật sư, những ngày cuối năm lại rộ lên tin tức phát hiện các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Dư luận xã hội rất bức xúc về tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thịt động vật đã bị thối, dùng hóa chất tẩm vào thịt thối để bảo quản…Vậy pháp luật quy định xử lý những hành vi này như thế nào thưa ông?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật An toàn Thực phẩm năm 2010 về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.”

Cụ thể các mức xử lý như thế nào thưa luật sư?

Theo Điều 14 Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm động vật không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y sẽ bị phạt tiền từ 80% đến 90% giá trị sản phẩm động vật vi phạm nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng.

Hành vi vi phạm kinh doanh động vật trên cạn bị mắc bệnh, chết vì bệnh hoặc sản phẩm của động vật chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận được phép tiêu thụ sẽ bị phạt tiền từ 100% đến 150% giá trị sản phẩm động vật vi phạm nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng.

Đồng thời, tổ chức cá nhân vi phạm buộc phải đưa số thực phẩm trên làm thức ăn chăn nuôi hoặc phải tiêu hủy.

Còn về trách nhiệm hình sự thì theo quy định tại Điều 244 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cụ thể, luật quy định người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm…


Đầu độc người tiêu dùng bằng thực phẩm thối ướp hoá chất sẽ lĩnh tối đa 20 năm tù.

Đầu độc người tiêu dùng bằng thực phẩm thối ướp hoá chất sẽ lĩnh tối đa 20 năm tù.

Theo luật sư thì mức phạt trên đã đủ sức răn đe hay chưa mà thực tế cho thấy vi phạm ngày càng nhiều?

Việc kinh doanh thịt thối hay tẩm hóa chất vào thịt thối để bảo quản, tẩy mùi, mặc dù việc này hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí có thể gây ra hậu quả lâu dài về sau.

Nhưng trên thực tiễn thì hiện nay chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, khó có thể xử lý hình sự. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự hiện hành thì chỉ khi nào người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh,… mà bị chết hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, thì những người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mới bị xử lý hình sự.

Chưa kể đến việc phải chứng minh được họ phải biết rõ thực phẩm đó là không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Đây chính là vấn đề tại sao những kẻ sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí có hành vi tẩu tán tang vật vi phạm trong thời gian qua nhưng không bị xử lý hình sự.

Vậy pháp luật bó tay với họ hay sao, thưa luật sư?

Bộ luật Hình sự năm 2015 vừa được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đã sửa đổi những quy định bất cập trước đây. Cụ thể, Điều 317 quy định rất chi tiết về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo đó, chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại thì đều có thể bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho người tiêu dùng.

Mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết 3 người người trở lên; hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 21% trở lên; hoặc Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Phạm Nguyễn - Tùng Nguyên - Minh Trọng