Từ vụ CSGT khống chế người giật biên bản: Khi nào công an được dùng vũ lực?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, trường hợp người vi phạm cố tình không chấp hành dù đã được giáo dục, nhắc nhở, cảnh sát có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong phạm vi phù hợp quy định của pháp luật

Như Dân trí thông tin, chiều 9/2, Đội CSGT-TT Công an quận 7 (TPHCM) lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế T.V.P. (39 tuổi, quê An Giang) do chuyển hướng phương tiện không đúng quy định. Sau khi tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính, anh P. không ký mà cự cãi, giật biên bản trên tay CSGT. 

Cán bộ CSGT đã yêu cầu anh P. trả biên bản nhưng người này không hợp tác. Phòng trường hợp người vi phạm phá hủy biên bản, cán bộ CSGT đã khống chế P. để lấy lại, đồng thời báo cáo sự việc cho đơn vị và đề nghị Công an phường Bình Thuận hỗ trợ xử lý.

Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc trong trường hợp nào, CSGT được quyền sử dụng vũ lực để trấn áp người vi phạm hành chính?. 

CSGT khống chế người vi phạm giao thông trên đường ở TPHCM

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá việc tài xế vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bị lập biên bản vi phạm nhưng chống đối, cự cãi, giật biên bản là các hành vi thể hiện thái độ thách thức, coi thường lực lượng chức năng và có dấu hiệu của việc chống người thi hành công vụ. 

Đối với trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ, căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người thi hành công vụ trước tiên có trách nhiệm giải thích cho người vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó, đồng thời yêu cầu người vi phạm xuất trình các giấy tờ tùy thân để kiểm tra. 

Trong trường hợp người vi phạm tiếp tục chống đối, lực lượng chức năng có quyền cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Trường hợp hành vi chống đối có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới người thi hành công vụ, những người xung quanh và an ninh trật tự xã hội, công an có quyền bắt giữ người chống đối; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trường hợp phải bắt giữ, khám xét người thì cần thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật. 

Ngoài ra, đối với tình huống cần thiết, cấp bách hoặc khi người vi phạm chống đối, sử dụng vũ khí để tấn công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Như vậy, đối với trường hợp như trên, do người vi phạm có hành vi chống đối, cản trở, cán bộ CSGT trước tiên có trách nhiệm nhắc nhở, tuyên truyền để họ chấm dứt hành vi vi phạm. Trường hợp tài xế tiếp tục chống đối, có cơ sở để áp dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc tài xế phải chấm dứt hành vi và chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của lực lượng chức năng. 

Từ vụ CSGT khống chế người giật biên bản: Khi nào công an được dùng vũ lực? - 1

Tài xế xe công nghệ bị cảnh sát khống chế (Ảnh cắt từ clip).

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo quy định của pháp luật, hành vi chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ; ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Không chấp hành các quy định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ.

"Căn cứ thông tin hiện có, tài xế taxi đã giật biên bản vi phạm hành chính, mặc dù đã được cán bộ CSGT yêu cầu nhưng vẫn không trả lại. Do biên bản vi phạm hành chính là một trong các loại tài liệu được lực lượng chức năng sử dụng trong quá trình thi hành công vụ, nên theo quy định pháp luật, hành vi giật biên bản được xem là hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ.

Bởi vậy, theo quy định của pháp luật, các cán bộ CSGT có quyền cưỡng chế người vi phạm chấp hành mệnh lệnh bằng các biện pháp phù hợp quy định pháp luật và trong phạm vi được pháp luật cho phép", luật sư Hùng bình luận. 

Về chế tài xử phạt, điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định pháp luật là 4-6 triệu đồng. 

Đối với trường hợp trên, tài xế taxi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chống người thi hành công vụ. Dưới góc độ hình sự, ông Hùng đánh giá hành vi giật biên bản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó chưa cần đánh giá tới dấu hiệu hình sự. Ngoài ra, cần xem xét đến các yếu tố khách quan và toàn bộ nội dung sự việc cũng như những lý do dẫn đến việc tài xế taxi công nghệ mất bình tĩnh để có thể đưa ra mức xử lý phù hợp, thỏa đáng nhất.