Bài 2: Nhiều “bất thường” trong vụ cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế

(Dân trí) - Vì sao khi TANDTC đã có quyết định hủy “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” nhưng cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng vẫn cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế đang là câu hỏi mà các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ.

Một số văn bản liên quan đến vụ việc trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Một số văn bản liên quan đến vụ việc trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM, Cty TNHH Bắc Sơn (Cty Bắc Sơn) xác nhận nợ Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh Cầu Giấy, số tiền cả gốc và lãi là 25,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Cty Bắc Sơn cam kết trả ngân hàng số tiền gốc là 15 tỷ trong vòng 3 tháng kể từ ngày 19/12/2007. Trong trường hợp Cty Bắc Sơn không thực hiện theo cam kết trên thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp theo luật định. Trong khối tài sản đảm bảo thế chấp cho các khoản nợ của Cty Bắc Sơn có quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại 194 Phố Huế (Hà Nội).

Ngày 6/1/2009, Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có Quyết định số 03 thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM. Ngày 24/2/2009 có quyết định kê biên và kê biên diện tích nhà đất tại 194 Phố Huế nhằm đảm bảo thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM. Ngày 24/8/2009, ngôi nhà trên đã được Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng và Cty CP Bán đấu giá nhà Hà Nội tiến hành bán đấu giá.

Ngày 4/9/2009, Viện trưởng VKSND Tối cao có Quyết định kháng nghị số 29/QĐ-KNGĐT-V12, đề nghị Tòa Kinh tế (TANDTC) xét xử theo hướng hủy quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM. Ngày 21/12/2010 Tòa Kinh tế (TANDTC) có Quyết định giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT, theo đó hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP Hà Nội do quyết định này có thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án. Và giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Luật Thi hành án Dân sự quy định về đình chỉ thi hành án nêu rõ: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau: Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ” (điểm d, khoản 1, Điều 50 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008).

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Theo quy định trên, khi Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM không còn hiệu lực pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng đáng lẽ phải ra quyết định đình chỉ thi hành án cho đến khi có một bản án hoặc một quyết định mới có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng đã không thực hiện theo điều luật trên mà căn cứ vào khoản 5, điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự để tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM.

Theo đó, khoản 5, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT, quy định “…Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị hủy, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật”.
Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu có điều gì uẩn khúc
Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu có điều gì uẩn khúc
trong việc cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế này?

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, thì việc Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng áp dụng khoản 5, điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT để không ra quyết định đình chỉ thi hành án là trái với quy định của pháp luật, bởi “Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2010 thì không thể áp dụng ngược trở lại để điều chỉnh một vụ án kinh doanh thương mại được giải quyết bằng quyết định số 143 ngày 20/7/2007 và có quyết định thi hành án từ ngày 6/1/2009”, luật sư Hòe phân tích.

Mặt khác, theo luật sư Hòe, thủ tục bán đấu giá ngôi nhà 194 Phố Huế cũng có những sai phạm nghiêm trọng, do đó Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng không thể áp dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT để tiếp tục thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM.

Cụ thể, khi ông Hoàng Đình Mậu, nguyên GĐ Cty Bắc Sơn qua đời, các đồng thừa kế của ông Mậu đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau đối với khối di sản mà ông Mậu để lại. Việc Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng khi kê biên căn nhà 194 Phố Huế không hỏi hết toàn bộ ý kiến các đồng thừa kế là trái với các quy định của pháp luật về thừa kế.

Mặt khác, các con của ông Mậu đang trực tiếp sinh sống tại ngôi nhà 194 Phố Huế nên họ là đối tượng được ưu tiên mua đấu giá nếu căn nhà được phát mại. Tuy nhiên, khi tiến hành kê biên, tổ chức bán đấu giá căn nhà số 194 Phố Huế ngày 24/08/2009, Chi cục thi hành án Hai Bà Trưng và đơn vị bán đấu giá đã không thông báo cho các đồng thừa kế của ông Hoàng Đình Mậu - những người có quyền lợi và nghĩa vụ  liên quan đến vụ việc này được biết và tham dự. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng tới nguyên tắc công khai, khách quan… và trình tự thủ tục cần phải thực hiện khi bán đấu giá tài sản thi hành án.

Theo chị Hoàng Thị Thu Hằng, sinh năm 1978 và anh Hoàng Đình Mạnh, sinh năm 1979 (là con ông Mậu, cùng trú tại số nhà 194 Phố Huế), thì từ khi ông Mậu qua đời (năm 2006), đến nay gia đình họ vẫn chưa mở thủ tục thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên khi có diễn biến mới.
Vũ Văn Tiến

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm