Bài 16: Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: Báo cáo Thủ tướng nhiều nội dung “bất thường”
(Dân trí) – Mặc dù Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP. Hà Nội báo cáo kết quả xử lý những bất cập tại bến xe Mỹ Đình lên Thủ tướng trước ngày 15/6, nhưng mãi đến ngày 21/6, UBND TP. Hà Nội mới có báo cáo gửi Thủ tướng về vụ việc trên.
Cụ thể, điều bất thường thứ nhất là ngày 28/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 4293/VPCP-TTĐT gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ:
Trong thời gian qua, một số báo (Báo Dân trí đăng 8 bài liên tiếp – PV) đăng loạt bài viết phản ánh tình trạng quá tải trầm trọng, hiện tượng “xe dù”, “bến cóc” gia tăng và những bất cập trong việc cấp phép các tuyến xe tại bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội), gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông khu vực, có biểu hiện tiêu cực tham nhũng...
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có biện pháp xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2013.
Tuy nhiên, cho đến mãi ngày 21/6/2013 (chậm 6 ngày so với thời gian Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo), thì ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mới ký văn bản số 110A báo cáo Thủ tướng về vụ việc trên.
Điều bất thường thứ hai của văn bản số 110A báo cáo Thủ tướng là: Tại văn bản này UBND TP. Hà Nội thừa nhận tình trạng quá tải của bến xe Mỹ Đình lên đến hơn 400 lượt xe xuất bến/ngày (công suất thiết kế của bến xe Mỹ Đình là 800 lượt xe xuất bến/ngày), nhưng trong cả 7 trang báo cáo, UBND TP. Hà Nội không chỉ rõ trách nhiệm làm “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình thuộc về cá nhân ai? Và đến ngày ký văn bản trên (21/6), bến xe này đã giảm tải được bao nhiêu lượt xe xuất bến? Do vậy, với cách báo cáo kiểu chung chung, chịu trách nhiệm tập thể như trên có lẽ bến xe Mỹ Đình còn tiếp tục phải hứng chịu cảnh “vỡ trận”, quá tải nghiêm trọng trên.
Điều bất thường thứ ba của văn bản số 110A báo cáo Thủ tướng là: Trước tình trạng bến xe Mỹ Đình “vỡ trận”, ngày 2/4/2013, Sở GTVT đã có tờ trình số 391/TTr-SGTVT gửi UBND TP. Hà Nội kiến nghị di chuyển 525 phương tiện thuộc 59 đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Nhưng đến ngày 18/4/2013, UBND TP. Hà Nội lại ban hành công văn hồi âm không rõ ràng, chỉ nhấn mạnh việc xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, mà không trả lời dứt khoát là có đồng ý, hay bác đề xuất trên của Sở GTVT Hà Nội. Do vậy, cho đến ngày hôm nay kế hoạch di chuyển 525 phương tiện ra khỏi bến Mỹ Đình vẫn chỉ nằm trên giấy. Tuy vậy, tại văn bản báo cáo Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội vẫn không nhìn thẳng vào sự thật này, mà dành hẳn 1 trang giải trình rất chung chung, và rốt cuộc là vẫn không nói rõ là đồng ý hay bác đề xuất di chuyển 525 phương tiện để giảm tải bến xe Mỹ Đình theo tờ trình của Sở GTVT Hà Nội.
Vi phạm đã rõ, sao chưa xử lý?
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hiện nay, tổng số lượt phương tiện vận tải khách liên tỉnh/ngày tại 6 bến xe khách liên tỉnh của Thành phố (gồm các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Lương Yên) là 3.630 lượt xe/ngày, trong khi đó tổng công suất thiết kế của 6 bến xe là 5.150 lượt xe/ngày. Tức là nếu thực hiện việc điều chuyển phương tiện theo đúng quy hoạch của UBND TP. Hà Nội thì đâu có chuyện thiếu chỗ "Tái định cư" cho phương tiện như ông Chủ tịch Hiệp hội viện dẫn để bảo vệ cho thủ phạm gây nên cảnh "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình.
Trong loạt bài điều tra “Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình”, Báo Dân trí đã chỉ rõ: Chính Sở GTVT Hà Nội là đơn vị ban hành hàng loạt văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp đưa xe mới vào bến Mỹ Đình hoạt động, mặc dù từ năm 2009, Sở GTVT Hà Nội đã có Thông báo số 1382 yêu cầu không bổ sung xe vào bến Mỹ Đình.
Đến nay, có thể khẳng định Sở GTVT Hà Nội là tác nhân chính gây ra cảnh “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình.
Có thể hệ thống những văn bản do Sở GTVT Hà Nội ban hành đã liên tiếp gây “nhiễu loạn” hạt động vận tải ở Thủ đô như sau: Năm 2009, Sở GTVT Hà Nội ban hành Thông báo 1382 yêu cầu không tiếp nhận bổ sung xe vào bến Mỹ Đình. Nhưng sau đó, Sở GTVT Hà Nội chấp thuận cho hàng loạt xe vào bến này hoạt động gây ra cảnh “vỡ trận”.
Đầu tháng 4/2013, Sở GTVT Hà Nội có phương án điều chuyển các xe khách chạy từ Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên đến bến Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, Gia Lâm.
Ngày 3/6/2013, Sở GTVT Hà Nội có kế hoạch điều chuyển 313 lượt xe tuyến Thái Bình, Nam Đình, Hà Nam, Hòa Bình từ bến xe Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Gia Lâm.
Ngày 5/6/2013, Sở GTVT Hà Nội lại có thông báo điều chuyển các xe tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ bến xe Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm.
Chưa dừng lại, ngày 25/6/2013, Sở GTVT Hà Nội lại có văn bản chỉ điều chuyển tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ bến xe Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm đối với các xe vào bến Mỹ Đình sau ngày 14/10/2009 (ngày ban hành Thông báo 1382).
Liệu trong quá trình thực hiện giảm tải bến Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội còn ban hành bao nhiêu văn bản thay đổi kiểu "tiền hậu bất nhất" như trên nữa? Quan trọng hơn, liệu kế hoạch giảm tải để cứu bến Mỹ Đình khỏi cảnh “vỡ trận” có được thực hiện như kế hoạch của sở Giao thông vận tải hay không? Hay các kế hoạch này lại tiếp tục thay đổi, “nói không đi đôi với làm” (?!).
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến