Bài 14: Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” tiếp tục “diễn trò”

(Dân trí) - Liên tiếp tung hỏa mù, đem lãnh đạo cấp cao ra “hù dọa”, đòi mở rộng, xây dựng bến xe mới, đổ lỗi cho “nhu cầu đi lại của người dân”,… để phản đối kế hoạch giảm tải bến Mỹ Đình là những “chiêu trò” mà “nhóm lợi ích” sử dụng trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, càng tung nhiều “chiêu trò” càng cho thấy sự loanh quanh, cố thủ.

“Đánh bùn sang ao”

Bến xe khách Mỹ Đình bị “vỡ trận” do cấp phép cho quá nhiều xe vào khai thác là một sự thực không thể chối cãi. Giống như một chiếc phà được phép chở 800 người nhưng nhồi nhét lên 1.600 người, bến xe Mỹ Đình đã vượt gần gấp đôi công suất thiết kế (từ 800 lượt xe/ngày lên đến gần 1.500 lượt xe/ngày). Đây là trách nhiệm của người quản lý, cấp phép, người chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Ấy vậy mà Sở GTVT Hà Nội vẫn cố tình “đánh bùn sang ao”, báo cáo cấp trên sai sự thật và tìm mọi cách trối bỏ trách nhiệm, đánh lạc hướng dư luận. Trong bản báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội “biện hộ” nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, mất ATGT tại khu vực bến xe Mỹ Đình là do “nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực quá cao”, “khi nhu cầu không đáp ứng được sẽ hình thành xe dù, bến cóc”, do công tác quản lý bến yếu kém để “xe dù tự do vào bến”… Tuyệt nhiên không thấy Sở GTVT nhắc tới trách nhiệm của bản thân mình!
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” tiếp tục “diễn trò”
Để xảy ra tình trạng "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình, nhưng Sở GTVT Hà Nội tuyệt nhiên không nhắc tới trách nhiệm của bản thân mình.

"Tung hỏa mù" nhằm đánh lừa dư luận

Theo điều tra của PV Dân trí, hiện có cả một “thế lực ngầm” đang cố thủ đến cùng chống đối chủ trương giảm tải bến xe Mỹ Đình. Mục đích của nhóm người này là để bảo vệ “lợi ích nhóm”, đi ngược lại với lợi ích chung của Thủ đô.
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” tiếp tục “diễn trò”
Ngày 10/6/2013, Hiệp hội Vận tải ô-tô Hà Nội lại có Công văn số 18/2013/HH-CV gửi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đề nghị “hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình” với những lập luận mập mờ, đánh tráo khái niệm, không có cơ sở khoa học và pháp lý, tổ chức trên đã ngang nhiên đề nghị “ngừng việc giảm tải bến xe Mỹ Đình và bố trí luồng tuyến theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc”(!?).

Để chống lại kế hoạch giảm tải bến xe Mỹ Đình, nhóm người này “tung tin” rằng kế hoạch trên là “vi phạm quy hoạch của TP. Hà Nội và của Thủ tướng Chính phủ”, cần phải “mở rộng bến Mỹ Đình, xây dựng bến mới rồi mới tính đến chuyện giảm tải”!?. Điển hình là trường hợp ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội với văn bản kiến nghị “lạ đời” mà Dân trí đã phản ánh. Sau khi “diễn trò” “tung hỏa mù” nhằm “dọa” lãnh đạo TP. Hà Nội nhưng bị Báo Dân trí và nhiều cơ quan báo chí khác "bóc mẽ", mới đây ông Liên lại đăng đàn cho rằng những “lưu ý” về “quê” một số lãnh đạo cấp cao ghi trong văn bản kiến nghị chỉ là “nội bộ”. Vậy là ông Liên lại tiếp tục “diễn trò”, “nội bộ” gì khi văn bản được đóng dấu đỏ, ký tên gửi đi nhiều nơi?

Ông Liên lại tiếp tục “điệp khúc” cần mở rộng bến xe Mỹ Đình để phản đối kế hoạch giảm tải bến xe này.
 
Hãy nhìn vào con số này

Nếu không có đủ thông tin về tình hình hoạt động bến xe ở Hà Nội hẳn nhiều người sẽ bị đánh lừa bởi yêu cầu “mở rộng bến Mỹ Đình, xây dựng thêm bến mới”. Tuy nhiên, theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 6 bến xe khách với tổng công suất thiết kế trên 5.000 lượt xe/ngày. Trong khi đó, tại 6 bến xe khách liên tỉnh vào những thời điểm cao nhất, tổng công suất mới chỉ đạt khoảng 3600 lượt xe/ngày, tức còn có thể tiếp nhận trên 1.500 lượt xe/ngày.

Như vậy, theo nhiều chuyên gia vận tải, vấn đề chính của Hà Nội là ở khâu tổ chức, sắp luồng tuyến, vận tải khách một cách khoa học, hợp lý, tránh tình trạng chồng chéo, bến thì thưa thớt, bến thì nhồi nhét, quá tải. Việc luồng tuyến lộn xộn, “xe dù, bến cóc”, quá tải bến Mỹ Đình… chỉ là sự thể hiện đỉnh điểm của việc không tuân thủ quy hoạch.
 
Tại công văn số 14/2013/HH-CV ngày 23/5/2013 của Hiệp hội Vận tải Hà Nội gửi Văn phòng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội đã phải thừa nhận: "Việc nhượng "lốt", bán "lốt" giữa các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải là có thật, mỗi "lốt" có khi lên cả trăm triệu đồng". Tuy nhiên ông Liên "lý luận" rằng: "Nhưng họ làm tay bo giữa các đơn vị, là quan hệ dân sự..."

Bằng Kế hoạch số 735 chấn chỉnh vận tải khách liên tỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách, giảm tải bến xe Mỹ Đình ngày 3/6/2013, Sở GTVT Hà Nội đã thực sự muốn thực hiện quy hoạch điều tiết vận tải theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc do chính Sở ban hành cách đây 7 năm. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp vận tải cũng như dư luận báo chí.

Do đó, ý kiến “mở thêm bến mới, mở rộng bến Mỹ Đình rồi mới tính đến chuyện giảm tải bến Mỹ Đình” thực sự là lạc lõng, thiếu cơ sở thực tiễn và pháp lý, chỉ nhằm mục đích bảo vệ cho “nhóm lợi ích” đang hoành hành cố thủ bấy lây nay.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghi ngờ có bảo kê của ngành giao thông Hà Nội
 
Sáng ngày 29/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia bức xúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATGT quý II/2013.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi sẽ kết luận Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội, Công an Hà Nội “bảo kê” cho các doanh nghiệp vận tải nếu Hà Nội không chấm dứt tình trạng bến xe lộn xộn, taxi gian dối tranh giành, lừa khách du lịch làm xấu hình ảnh thủ đô".
 
Cũng liên quan đến vụ việc trên, ngày 28/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 4293/VPCP-TTĐT gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ:
 
Trong thời gian qua, một số báo (Đến nay Báo Dân trí đăng 13 bài liên tiếp – PV) đăng loạt bài viết phản ánh tình trạng quá tải trầm trọng, hiện tượng “xe dù”, “bến cóc” gia tăng và những bất cập trong việc cấp phép các tuyến xe tại bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội), gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông khu vực, có biểu hiện tiêu cực tham nhũng...
 
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có biện pháp xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
 
Như vậy, sau loạt bài điều tra công phu, bền bỉ của PV Dân trí, đến nay vụ "vỡ trận" tại bến xe Mỹ Đình bước đầu đã được khắc phục. Tuy nhiên, xung quanh vụ "vỡ trận" này vẫn còn nhiều "uẩn khúc", bất cập mà Bộ GTVT, Ủy Ban ATGT quốc gia, UBND TP. Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và hàng triệu hành khách sử dụng dịch vụ tại bến xe Mỹ Đình.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Bài và ảnh: Vũ Văn Tiến