1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Tĩnh:

Trồng cây bản địa, nông dân xã miền thượng có nguồn thu cả tỷ đồng

(Dân trí) - Tỏi tía là cây bản địa, trước chỉ được trồng lay lắt trong vườn, hoặc triền sông. Nhưng kể từ khi giá trị cây trồng này được phát hiện, người dân ở 1 xã miền thượng Hà Tĩnh có nguồn thu tiền tỷ.

Bí thư Đảng ủy xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh Trần Đình Lâm cho biết, tỏi tía là cây bản địa, được người dân làng Hương Thượng, Lộc Yên trồng nhỏ lẻ ở vườn và khu vực triền sông Ngàn Sâu. Cây tỏi tía chủ yếu phục vụ trong các gia đình.

Tuy nhiên, từ khoảng 3 năm trở lại đây, thương lái tìm mua với số lượng lớn bởi giá trị của củ tỏi tía tốt cho sức khỏe, đặc biệt trong việc tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Điều này cũng khiến người dân thôn Hương Thượng xem đây là một trong những cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập.   

Từ chỗ vài chục hộ trồng, vụ xuân năm 2019 toàn xã đã có gần 40 hộ trồng tỏi, cho nguồn thu hơn 400 triệu đồng/hộ.

Trồng cây bản địa, nông dân xã miền thượng có nguồn thu cả tỷ đồng - 1

Từ chỗ là cây trồng sử dụng trong gia đình, hiện người dân thôn Hương Thượng xã Lộc Yên đã biến cây bản địa này thành cây thương phẩm, cho giá trị kinh tế cao.

Năm 2020, dưới sự chỉ đạo của xã, nông dân thôn Hương Thượng thành lập tổ hợp tác, trồng hơn 2,5 ha tỏi tía ven bờ sông Ngàn Sâu, trung bình mỗi gia đình trồng từ 0,5 sào đến 2 sào.

Bà Nguyễn Thị Thiện (thôn Hương Thượng) đang trồng 1 sào tỏi, nhờ được chăm sóc cẩn thận nên được đánh giá năng suất nhất thôn. Bà cho thu hoạch sớm nên phần lớn tỏi đã khô và đang được gia đình tập trung buộc thành từng bó để bán cho khách hàng.

“1 sào tỏi năng suất có thể đạt 2 vạn củ, tương đương với 3 tạ tỏi khô, với giá hiện tại có thể đạt doanh thu hơn 25 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân lãi gần 15 triệu đồng” - bà Thiện nói thêm.

Tỏi dễ bán và được giá, bà Thiện đã thu về gần 10 triệu đồng dù mới chỉ bán được khoảng 1/3 sản phẩm trên diện tích trồng tỏi.

Anh Nguyễn Văn Thành một hộ dân khác chia sẻ, gia đình đang trồng 2 sào tỏi, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 3,5 vạn củ.

"Sau khi thu hoạch, chúng tôi tiếp tục phơi khô, buộc thành bó để bán. Tỏi ở đây chủ yếu bán theo từng củ chứ không phải từng kg như các loại nông sản khác, giá hiện tại khoảng 1,5 nghìn đồng/củ (tương đương với 70 nghìn đồng/1kg)", anh Thành cho biết.

Trồng cây bản địa, nông dân xã miền thượng có nguồn thu cả tỷ đồng - 2

Người nông dân thôn Hương Thượng vui vì tỏi tía được mùa.

Để trồng 1 sào tỏi, người dân tốn khoảng 8 triệu đồng mua giống, cùng với chi phí phân bón, làm ruộng khoảng 2 triệu đồng. Đặc biệt, cây tỏi sau khi gieo mầm cần được tủ bằng cây cỏ tiến (hay còn gọi là cây cỏ tế, cây guộc).

Theo người dân địa phương, lá cây cỏ tiến lâu bị hoai mục, đảm bảo giữ đất tơi xốp đến ngày thu hoạch. Hơn nữa, tủ bằng cây cỏ tiến sẽ đảm bảo độ thông thoáng, không quá ẩm như rơm, rạ.

Cũng theo chia sẻ của người dân địa phương, tỏi tía Lộc Yên thời gian qua đã khẳng định được chất lượng với vị cay nồng, an toàn. Nhiều người cũng biết đến giá trị của củ tỏi đối với sức khỏe, đặc biệt trong việc tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Do thu hoạch trùng với thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhiều nơi nên nhiều người quan tâm, sử dụng tỏi nhiều hơn, nhờ đó tỏi dễ bán và được giá.

Chị Trần Thị Hiền (thôn Hương Thượng) cho hay, tỏi trên đất Lộc Yên được trồng toàn phân hữu cơ và phân chuồng, không có chất bảo quản nên chất lượng tỏi rất tốt. Khi chị Hiền giới thiệu sản phẩm tỏi Lộc Yên lên trang mạng xã hội, có rất nhiều người hỏi và đặt mua.

Sau khi bán được khoảng hơn 5 yến tỏi sau 1 tuần bán trên mạng, hiện chị vẫn tiếp tục rao bán trên mạng internet để vừa tiêu thụ giúp bà con trong thôn, vừa quảng bá sản phẩm của quê hương.

Trồng cây bản địa, nông dân xã miền thượng có nguồn thu cả tỷ đồng - 3

Hàng chục hộ nông dân ở xã Lộc Yên đã có nguồn thu cả tỷ đồng nhờ trồng tỏi tía.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Yên Đinh Hữu Cảnh cho biết, năm 2020, người dân Lộc Yên trồng khoảng 2,5 ha tỏi tía, sản lượng toàn xã ước đạt 15 tấn, tổng giá trị khoảng hơn 1 tỷ đồng. Nhờ giá trị kinh tế cao, hàng năm xã đều xây dựng đề án sản xuất cây tỏi.

Ông Trần Đình Lâm cho biết, hiện nay xã Lộc Yên đã mở rộng thành lập tổ hợp tác trồng tỏi và đang tiến hành khảo sát để đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng vùng sản xuất lên 8 ha.

“Chúng tôi đang sát cánh, hỗ trợ bà con mở rộng vùng trồng, đồng thời hợp tác nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ tỏi để nâng cao giá trị. Mục tiêu là xây dựng tỏi Lộc Yên trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh”- ông Lâm cho hay.

Hà Phương