Trồng cây “rau vua”, nuôi con đặc sản, nông dân nhanh giàu

Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, Hội Nông dân (ND) xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên.

Dưới sự trợ giúp của Hội, nhiều nông dân xã Thái Bảo đã khởi nghiệp trồng cây “rau vua”, nuôi con đặc sản... đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năng động để làm giàu

Những người dân thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình thường nhắc về chị Nguyễn Thị Trang với tên gọi "chị Trang măng tây xanh". Từ năm 2013, chị Trang là người đầu tiên trồng măng tây xanh trên vùng đất bãi huyện Gia Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với tổng diện tích trang trại 4,5ha, chị Trang dành 2ha trồng măng tây xanh và coi đây là loại cây phát triển kinh tế chủ lực, ngoài ra còn trồng cà rốt, các loại cây hoa màu có giá trị cao, nuôi bò và thả cá. Bình quân mỗi ha măng tây của chị Trang đem lại sản lượng từ 70-80kg/ngày, với giá bán 60.000 đồng/kg, mang lại khoản thu 4-5 triệu đồng/ngày.

Trồng cây “rau vua”, nuôi con đặc sản, nông dân nhanh giàu - 1

Từ các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm do Hội ND tổ chức, ông Nguyễn Bá Phấn đã đầu tư nuôi con đặc sản và có thu nhập cao. Ảnh: Thu Hà

Trồng cây “rau vua”, nuôi con đặc sản, nông dân nhanh giàu - 2

Chị Nguyễn Thị Trang chăm sóc cây măng tây xanh tại trang trại. Ảnh: Lê Hiếu

Không chỉ làm giàu cho mình, năm 2014, chị Trang còn liên kết 8 hộ dân khác thành lập HTX măng tây xanh Thái Bảo. Với vai trò là người đứng đầu HTX, chị Trang đã chủ động phối hợp với Hội ND xã giúp đỡ các thành viên về vốn, quy hoạch diện tích, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng măng tây xanh theo chuẩn VietGAP.

Sản phẩm măng tây xanh của HTX đã được chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng trên bao bì sản phẩm. Hiện HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định ở Hà Nội, Hải Dương…

Cũng đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng ông Nguyễn Bá Phấn (ở thôn Vạn Ty) lại đầu tư nuôi các loại con đặc sản như chim công, ba ba gai, ếch, rắn hổ mang, thỏ… mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ với phóng viên về mô hình gia trại của mình, ông Nguyễn Bá Phấn cho biết: Từ các chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệm do Hội ND tổ chức, gia đình ông đã lựa chọn nuôi con đặc sản thay vì nuôi lợn, gà như những hộ gia đình khác. Những con đặc sản này chiếm ít diện tích, giá thành lại cao.

"Từ năm 2014, gia đình tôi mua 50 con chim công mới nở về nuôi. Sau 2,5 năm gia đình bán 25 con thu về gần 200 triệu đồng, số chim công còn lại nuôi sinh sản. Bên cạnh đó, đàn rắn hổ mang được tôi nuôi từ năm 2015, với 180 con rắn sinh sản. Mỗi năm tôi thu về trên 100 triệu đồng từ bán trứng rắn và rắn thương phẩm" - ông Phấn cho biết.

Ông Phấn chia sẻ nuôi chim công và rắn tưởng phức tạp, nhưng thật ra rất dễ nuôi. Chim công chăn nuôi như gà, cũng cho ăn cám, thóc và nhiều rau xanh. Trong khi đó rắn hổ mang thì cho ăn khoảng 4 ngày 1 lần. 

Thức ăn của rắn hổ mang là trứng gà bị loại trong quá trình ấp, hoặc gà, vịt con dị tật bị loại tại các lò ấp trứng trong vùng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư chăn nuôi con đặc sản, gia đình ông Phấn nuôi 20 cặp thỏ bố mẹ. 

Thỏ con sinh ra được ông Phấn nuôi thành thỏ thịt thương phẩm bán ra thị trường. Do thỏ mắn đẻ và đẻ nhiều con, nên ông Phấn nuôi thường xuyên 200 thỏ thịt thương phẩm, mỗi tháng bán khoảng 80 con, thu về trên 10 triệu đồng.

Hội ND xã Thái Bảo còn tích cực tuyên truyền, vận động 2.735 hội viên tham gia BHYT hộ gia đình, 7 hội viên tham gia BHXH tự nguyện qua đại lý của Hội. Hội ND xã Thái Bảo được đánh giá là điểm sáng trong công tác vận động hội viên, nông dân tham gia BHYT, BHXH của huyện Gia Bình.

Diện tích ao khoảng 100m2 cũng được ông đưa vào nuôi thả 50 con ba ba gai, hiện trọng lượng 2,5kg/con, nuôi ếch sinh sản và ếch thịt thương phẩm. Mỗi năm gia đình ông Phấn bán cho các hộ chăn nuôi khác trên 1 vạn con ếch giống và hàng tạ ếch thịt thương phẩm, tạo thêm nguồn thu đáng kể.

Tích cực tham gia các phong trào

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội ND xã Thái Bảo cho biết: Để giúp hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, Hội đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên như: Hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, cung ứng vật tư nông nghiệp, tập huấn khoa học kỹ thuật…

Cụ thể: Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội ND xã đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 1.100 lượt hội viên; phối hợp cung ứng 120 tấn phân bón theo phương thức trả chậm cho nông dân phục vụ sản xuất.

Để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện ủy thác hơn 8 tỷ đồng, tiếp nhận quản lý nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp 2,1 tỷ đồng cho 39 hộ vay; đồng thời vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã đạt 21 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Năm 2019, toàn xã đã có 790 hộ hội viên đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp.

Cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, tiêu biểu là hoạt động đảm nhận trồng và chăm sóc 3.500 cây xanh thuộc "Hàng cây nông dân"; thành lập 4 tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, đã tiến hành thu gom được gần 900kg vỏ bao bì các loại; xây dựng và duy trì hoạt động 3 Câu lạc bộ "Gia đình nông dân văn hóa" với 156 thành viên. 

Theo Thu Hà
DanViet.vn