Trẻ 4 tuổi cũng bị xâm hại, mẹ ép con "phục vụ" người tình
(Dân trí) - Những vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp và đau xót. Theo chuyên gia, cần có cơ chế tốt để kịp thời phát hiện những vụ việc trên, xử lý mạnh tay để răn đe.
Ám ảnh những vụ xâm hại đau lòng
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong năm 2024, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố do Sở vận hành đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại rất đau lòng.
Thông qua hoạt động khám sản phụ khoa tại bệnh viện Hùng Vương, các bác sĩ phát hiện nhiều ca nghi vấn phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo hành và kịp thời thông báo cho nhân viên mô hình khảo sát, can thiệp và hỗ trợ. Thực tế, các nạn nhân không chỉ là người dân ở TPHCM mà còn ở nhiều tỉnh thành lân cận đến thành phố khám, chữa bệnh.
Bà Kim Thanh kể về trường hợp một bé gái 4 tuổi ngụ tại Vĩnh Long. Ngày 29/10/2024, bé được mẹ đưa đến bệnh viện Hùng Vương để khám và được chẩn đoán bị viêm âm hộ. Thấy có nhiều điểm nghi vấn bé gái bị xâm hại, bác sĩ điều trị báo cho nhân viên mô hình trao đổi cùng người nhà bé gái.
Qua lời kể của mẹ bé gái, vào tháng 4/2024, bé qua nhà hàng xóm chơi, khi về thì bé có dấu hiệu ra dịch, đau rát, đỏ âm hộ. Sau khi trò chuyện, mẹ bé nghi ngờ con bị xâm hại bằng tay, bị đưa dị vật vào âm đạo. Gia đình đưa con đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng trẻ vẫn đau rát nên đến cuối tháng 10/2024 mới đến bệnh viện Hùng Vương điều trị.
Theo người mẹ, gia đình đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng ở tỉnh Vĩnh Long. Bé gái được giám định pháp y, vụ việc đang trong quá trình giải quyết. Sau khi tiếp nhận trường hợp này, cán bộ mô hình đã thực hiện quy trình can thiệp, hỗ trợ pháp lý cho gia đình trẻ. Tuy nhiên, người mẹ không mặn mà với việc trình báo để cơ quan chức năng truy xét, xử lý thủ phạm.
Bà Trần Thị Kim Thanh cho biết, trong quá trình hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, nhân viên mô hình gặp nhiều trường hợp người thân của trẻ bị xâm hại tự thỏa thuận với thủ phạm, thậm chí là cha mẹ đồng thuận cho những đứa trẻ mới 13-14 tuổi ghép đôi.
Trong số 133 ca mà mô hình tiếp nhận có đến 103 ca (tương đương 77,44%) gia đình chấp nhận việc nạn nhân bị xâm hại. Chỉ 13 ca gia đình đã báo công an, tố giác, khởi kiện. Có 2 ca đã báo công an nhưng sau đó bãi nại, thương lượng. Và thực tế, có 7 ca gia đình không báo công an mà còn che giấu…
Đặc biệt, trong tháng 12/2024, công an Bình Dương phát hiện một vụ việc khủng khiếp khi chính người mẹ ruột ép bé gái sinh năm 2012 "mua vui" cho cha dượng. Cô bé 12 tuổi không đồng ý nhưng bị người mẹ nhéo vào chân, buộc con phải làm chuyện người lớn với người tình của mình.
Sự việc chỉ bị phát hiện khi bé kể chuyện của mình với bạn học, người bạn này sau đó kể lại với cô giáo.
Sự im lặng của "người trong cuộc"
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, hầu hết trẻ em bị xâm hại sống trong gia đình không phải là mái ấm, gia đình có cha mẹ ly hôn, trẻ sống cùng gia đình riêng của cha hoặc mẹ... Thậm chí, thủ phạm xâm hại trẻ phần lớn là người thân của nạn nhân. Do đó, việc phát hiện, xử lý rất khó khăn.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em gặp rất nhiều khó khăn vì loại tội phạm này khó phát hiện. Một số trường hợp hành vi xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng…
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng cơ quan thường trực phía Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, kể về một vụ việc xảy ra ở Bình Dương: "Người mẹ đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em nhờ hỗ trợ cho con mình. Hỏi ra mới biết bé bị xâm hại bởi người hàng xóm từ 5 năm trước thì làm sao có căn cứ để xử lý?".
Theo Trung tá Phạm Thành Trung, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, các vụ án xâm hại trẻ em không chỉ khó phát hiện mà phát hiện rồi cũng rất khó xử lý.
Nguyên nhân là đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em có mối quan hệ quen biết, gần gũi, thậm chí là thân thích với nạn nhân nên gia đình thường e ngại tố giác, khi tố giác thì đã trễ, rất khó chứng minh người phạm tội.
Một số trường hợp người thân nạn nhân tự thỏa thuận với đối tượng, lưỡng lự trong cách giải quyết, không làm đơn tố cáo hoặc tự ý rút đơn, dẫn đến khai báo chậm hoặc không hợp tác với cơ quan công an.
Trung tá Phạm Thành Trung phân tích: "Trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện chậm trễ, không đưa đi giám định kịp thời gây thiếu hoặc mất chứng cứ quan trọng để xác định người phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử".
Theo Trung tá Phạm Thành Trung, muốn phòng ngừa tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em thì không phải một cơ quan, đơn vị nào làm được mà cần có sự chung tay của toàn xã hội, kịp thời phát hiện và bảo vệ trẻ khi có dấu hiệu nghi vấn.
Để làm được điều này, biện pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết về hành vi xâm hại để trẻ biết mà phòng tránh, phản ứng khi bị xâm hại, gia đình kịp thời phát hiện để bảo vệ con, xã hội biết để ứng phó khi phát hiện dấu hiệu phạm tội…
Trong khi chờ đợi sự chuyển biến nhận thức của xã hội, bà Trần Thị Kim Thanh kiến nghị nhân rộng mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại ra toàn thành phố, thậm chí là cả nước chứ không chỉ ở đầu vào là bệnh viện Hùng Vương như hiện tại.
Khi mô hình này được nhân rộng, các trường hợp xâm hại sẽ được phát hiện kịp thời hơn, nạn nhân được hỗ trợ sớm hơn, hậu quả được hạn chế bớt.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, sau hơn 1,5 năm triển khai thí điểm, "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố" đã tiếp nhận và cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho 133 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Trong năm 2025, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện và vận hành hiệu quả mô hình này, tư vấn và kết nối dịch vụ phù hợp cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại.