Cuộc sống ở nơi thu nhập 270.000 USD một năm vẫn không mua nổi nhà

Tô Sa

(Dân trí) - Vợ chồng Petersen ở California (Mỹ) có tổng thu nhập 270.000 USD một năm nhưng vẫn không thể mua nổi nhà. Lãi suất vay và giá nhà ở mức cao đã khiến họ loay hoay tìm hướng an cư suốt nhiều năm qua.

"Giấc mơ nhà Mỹ"

Căn hộ 2 phòng ngủ rộng 100m2 của gia đình Petersen ở thành phố Campbell (phía Bắc California, Mỹ) bắt đầu trở nên chật hẹp. Những chiếc xe tải đồ chơi của cậu con trai Jerrik (4 tuổi) rải rác khắp nhà. Không lâu nữa, cô con gái Carolynn (9 tháng tuổi) cũng sẽ tích lũy thêm đồ chơi, căn hộ sẽ lộn xộn hơn bao giờ hết. 

Jenn Petersen (42 tuổi) là bác sĩ nắn xương, từng hi vọng sẽ cùng chồng Steve (39 tuổi, nha sĩ) có thể mua nhà. Nhưng khi cặp đôi có đủ khả năng chuyển đến một căn hộ lớn hơn, thì đó vẫn chỉ là một căn nhà thuê khác.

Họ tính toán với lãi suất vay và giá nhà vẫn ở mức cao, thì không có cách nào để mua nổi nhà trong khu vực này, dù thu nhập của hai vợ chồng khoảng 270.000 USD một năm.

Cuộc sống ở nơi thu nhập 270.000 USD một năm vẫn không mua nổi nhà - 1

Steve rửa bát trong khi vợ anh chơi với con gái Carolynn trong phòng khách của căn hộ đi thuê (Ảnh: AP).

Theo dữ liệu tháng 10/2024 từ Cục dự trữ Liên bang Atlanta, một gia đình ở San Jose có thu nhập trung bình 156.700 USD sẽ cần phải chi 80% thu nhập của mình để sở hữu một ngôi nhà có giá trung bình là 1,54 triệu USD.

Con số này cao hơn nhiều so với quy tắc chung là mọi người không nên trả quá 30% thu nhập của mình cho khoản vay hoặc thuê nhà.

Việc chuyển ra khỏi California là điều không thể đối với gia đình Petersen. Họ có mối quan hệ gia đình chặt chẽ với khu vực này và thu nhập sẽ giảm mạnh nếu họ chuyển đến khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn.

"Tôi không muốn từ bỏ công việc và mối quan hệ chặt chẽ với gia đình để mua nhà", Petersen nói.

Việc người Mỹ có thu nhập tốt nhưng không thể mua nhà là vấn đề phổ biến ở đất nước này. Tính đến mùa thu năm ngoái, những người vay mua nhà đã phải chi trung bình 42% thu nhập cho trả nợ, theo Fed Atlanta. Bốn năm trước, tỷ lệ đó là 28% và chưa từng đạt 38% kể từ cuối năm 2007, ngay trước khi thị trường nhà đất sụp đổ.

"Giấc mơ Mỹ, như cha mẹ chúng tôi từng biết, giờ không còn nữa. Bạn từng hi vọng mua được nhà sau khi tốt nghiệp đại học, có một công việc ổn định và kết hôn? Tôi đã đạt được hầu hết cột mốc đó, nhưng vẫn không thể mua nổi nhà", cô nói.

Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia, vào năm 2024, độ tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu là 38 tuổi, tăng 3 tuổi so với năm 2023.

Các chuyên gia cho biết nguyên nhân là do quá ít nhà được rao bán. Việc này khiến nhu cầu mua nhà bị dồn nén, đẩy giá vượt quá khả năng chi trả của nhiều người đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Cùng với lãi suất vay cao, nhiều người kết luận rằng thuê nhà là lựa chọn duy nhất của họ.

Domonic Purviance, nghiên cứu viên về nhà ở tại Cục dự trữ liên bang Atlanta, cho biết sự tăng trưởng tiền lương không theo kịp mức tăng giá nhà và lãi suất.

"Dù mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, giá nhà đang tăng với tốc độ nhanh hơn", ông giải thích. Khoảng cách đó đã khiến nhiều người từ bỏ ý định mua nhà.

Cuộc sống ở nơi thu nhập 270.000 USD một năm vẫn không mua nổi nhà - 2

Căn hộ 2 phòng ngủ rộng 100m2 của gia đình Petersen ngày càng chật hẹp (Ảnh: AP).

Liệu giấc mơ sở hữu nhà có phai nhạt không?

Brian McCabe, giáo sư xã hội học tại Đại học Georgetown, cho biết ông thường nói với sinh viên rằng có rất ít điều mà tất cả người Mỹ đều đồng ý, nhưng một trong số đó là họ muốn sở hữu một ngôi nhà hơn là thuê nhà.

McCabe cho biết sở hữu nhà, đặc biệt là một công cụ tạo dựng sự giàu có, là động thái đúng đắn đối với nhiều người, đặc biệt nếu chủ sở hữu có ý định ở một nơi trong thời gian dài.

Nhưng ông cũng cho hay nhiều người nhận ra rằng không sở hữu nhà cũng có những lợi thế, như giúp họ linh hoạt hơn khi di chuyển và cho phép sống ở những khu phố thú vị mà họ không đủ khả năng mua bất động sản.

Theo McCabe, thế hệ trẻ hiện nay thường có xu hướng kết hôn muộn hơn, sinh con muộn hơn, khát khao sống ở thành phố, coi trọng làm việc từ xa, có thể di chuyển dễ dàng. Tất cả những điều này có thể thúc đẩy quan niệm sở hữu nhà là "đỉnh cao của giấc mơ Mỹ".

Petersen từng nghĩ sở hữu một ngôi nhà là cột mốc phải đạt được. Tuy nhiên, nếu cố mua một căn nhà, gia đình cô phải hi sinh nhiều thứ như du lịch cùng con cái.

"Tôi muốn đăng ký cho các con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Làm sao chúng tôi có thể làm được điều đó nếu phải trả khoản vay chiếm phần lớn thu nhập sau thuế?", cô nói.

Petersen cho biết cô sẽ "luôn hi vọng" gia đình có thể sở hữu nhà trong tương lai. Nhưng cô vẫn sẽ chấp nhận đi thuê căn hộ chung cư đủ chỗ cho con cái, với tiền thuê 3.600 USD mỗi tháng.

Cuộc sống ở nơi thu nhập 270.000 USD một năm vẫn không mua nổi nhà - 3

Nhờ các chương trình hỗ trợ, bà Lopez đã sở hữu nhà riêng ở tuổi 63 (Ảnh: AP).

Một số thành phố ở Mỹ đang tìm cách hỗ trợ cho người mua nhà lần đầu. Bà Julieta Lopez (63 tuổi, sống tại Boston) đã dành nhiều thập kỷ để hi vọng mua được nhà, nhưng bà đã chứng kiến giá cả ngày càng vượt quá khả năng chi trả.

"Giá cả ở Boston ngày càng tăng cao", bà nói.

Bà Lopez làm việc cho sở giao thông thành phố, chuyên xử lý vé phạt vi phạm đỗ xe, với mức thu nhập 60.000 USD một năm. Hai năm trước, khi tiền thuê căn hộ được trợ cấp tăng lên 2.900 USD, bà bắt đầu tìm kiếm các chương trình hỗ trợ.

Trong vòng vài tháng, Lopez đã thành công. Bà đủ điều kiện để nhận 50.000 USD từ tổ chức phi lợi nhuận Massachusetts Affordable Homeownership Alliance địa phương và 50.000 USD khác từ Văn phòng Nhà ở của thành phố Boston.

Tổng hai khoản đã giúp bà trả trước cho căn hộ 2 phòng ngủ trị giá 430.000 USD. Hiện bà đã trả khoảng 2.160 USD cho khoản vay của mình.

Lopez cảm thấy may mắn khi thành phố tập trung hỗ trợ những người mua nhà lần đầu như bà. Trên thực tế, Boston đã rót hơn 24 triệu USD vào các chương trình hỗ trợ sở hữu nhà, giúp gần 700 cư dân có được ngôi nhà đầu tiên.

Bà Lopez cảm thấy tự hào khi có được nhà riêng sau nhiều năm làm việc chăm chỉ. Bà đã làm đủ nghề từ viễn thông, chăm sóc sức khỏe đến công nghệ điện tử.

"Tôi cảm thấy mình xứng đáng với điều đó. Tôi luôn làm việc không ngừng nghỉ", bà nói.

Theo apnews.com