Khách đặt phòng trên mạng mất 1 tỷ đồng, khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình nói gì?
(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Cẩm Hằng, quản lý khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình cho biết đã nắm bắt được vụ việc và cảnh báo những chiêu trò lừa đảo mà khách hàng dễ bị mắc phải khi đặt qua mạng.
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện bài viết chia sẻ vụ việc liên quan tới vụ khách đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình và mất cả tỷ đồng, thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng.
Theo chia sẻ của bài viết, vị khách đặt phòng cho 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ, thời gian từ 31/1 tới 3/2. Sau khi nhắn tin trên trang fanpage của khu nghỉ dưỡng, khách được nhân viên tư vấn mức giá phòng cuối tuần có giá từ 2,9 triệu đồng, lễ Tết từ 3,6 triệu đồng cho hạng phòng Twin Room (phòng đôi) với diện tích 30m2.
Qua quá trình trao đổi, khách chốt phòng rồi chuyển khoản tiền cọc cho khu nghỉ dưỡng là 6,5 triệu đồng cho 2 phòng.
Tưởng chừng mọi việc đã hoàn tất, nhưng không lâu sau đó, phía khu nghỉ dưỡng báo lại khách đã gửi chuyển khoản sai nội dung. Khách được yêu cầu sao chép mã do bên khu nghỉ dưỡng cung cấp vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận.
Vị khách thấy khó hiểu nên nhờ nhân viên tra soát thì nhận được câu trả lời "nội dung chuyển khoản là mã đặt phòng". Nếu khách chuyển sai nội dung, hệ thống không đọc được và không giữ được phòng đặt.
Sau nhiều lần liên tiếp khách chuyển khoản đều bị báo sai nội dung. Những lần tiếp theo, vị khách chuyển 39,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng, 379,6 triệu đồng và 485,6 triệu đồng. Tổng số tiền đã chuyển lên tới hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng, khách không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng mới biết đã bị lừa.
Ngay lập tức, vụ việc nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Trong đó, nhiều người cho biết đã từng bị lừa tương tự khi đặt phòng qua mạng. Tuy nhiên, đa phần số tiền mất dưới 10 triệu đồng, khách hàng xác định không thể lấy được tiền nên đành chấp nhận mất trắng.
Theo tìm hiểu, cơ sở lưu trú nơi vị khách đặt phòng là khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà ở Gia Viễn (Ninh Bình). Đây cũng là một trong những khu nghỉ dưỡng có tiếng tại vùng đất cố đô.
Khi phóng viên Dân trí liên hệ, bà Vũ Thị Cẩm Hằng, quản lý khu nghỉ dưỡng, cho biết đã nắm bắt được vụ việc và đang trình báo lên chính quyền địa phương, nhờ hỗ trợ xử lý. Bà Hằng khẳng định, trang fanpage (trang đại diện) mà khách bị lừa tiền là giả mạo, không phải của khu nghỉ dưỡng.
"Sáng 5/2, rất nhiều bên lữ hành, đối tác đã gọi điện báo với chúng tôi để hỏi về vụ việc này. Đây không phải là lần đầu cơ sở lưu trú bị các trang fanpage mạo danh làm giả để lừa đảo tiền của khách hàng, gây ảnh hưởng tới uy tín", bà Hằng cho biết.
Vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán, đại diện khu nghỉ dưỡng đã báo cáo và đánh sập một trang fanpage giả mạo. Tuy nhiên ngay sau Tết, một số trang mạo danh khác lại mọc lên với những hành vi lừa đảo tinh vi hơn.
Theo bà Hằng, đa phần khách bị lừa đều là những người đặt phòng qua các trang fanpage. Trong đó, nhiều trang đưa ra các gói đặt phòng với mức giá hấp dẫn và thấp hơn con số thật để hút khách nên không ít người bị mắc bẫy. Có những fanpage được chạy quảng cáo nên đạt lượng tương tác cao hơn trang thật, khiến du khách hoa mắt, không biết đường nào mà lần.
Không chỉ riêng khách hàng, bản thân bà Hằng cho rằng những khu nghỉ dưỡng, khách sạn bị mạo danh cũng là nạn nhân. Những cơ sở kinh doanh này bị tổn hại rất nhiều về uy tín, ảnh hưởng tới lòng tin của khách.
Vị quản lý khu nghỉ dưỡng cho rằng, nhằm tránh rơi vào bẫy lừa, du khách cần thực sự tỉnh táo, không đặt phòng qua mạng xã hội hay các trang fanpage chưa được xác nhận chính chủ.
Thay vào đó, du khách có thể tìm kiếm trang web chính thức của các khu nghỉ dưỡng, nơi niêm yết số hotline hoặc điện thoại đặt phòng. Cùng với đó, khách có thể đặt qua những nền tảng uy tín như Booking, Agoda, Traveloka...
"Thông thường chúng tôi chỉ nhận tiền cọc của khách từ 1-2 triệu và khách tới nhận phòng mới cần thanh toán nốt số còn lại. Nếu cơ sở nào yêu cầu cọc quá nhiều tiền, khách nên chậm lại một nhịp.
Ngoài ra, nếu đã chốt cọc, khách bị thông báo chuyển sai nội dung và được hướng dẫn làm theo các bước để nhận tiền, gần như 99% đó là lừa đảo. Lúc này, khách cần tỉnh táo và dừng lại, không nên tiếp tục nghe theo các đối tượng nhằm tránh mất số tiền lớn hơn", bà Cẩm Hằng nói.
Anh Bùi Quyết, một quản trị viên của cộng đồng du lịch nổi tiếng tại Sapa (Lào Cai) cho biết, hình thức lừa đảo đặt phòng này tuy không mới, nhưng gần đây số lượng những người báo bị mất tiền do mắc bẫy tăng chóng mặt.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản trị các trang cộng đồng hội nhóm du lịch, anh Quyết cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là lập fanpage giả mạo của tất cả các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Thậm chí, có những trang giả mạo đạt lượng tương tác lớn và cao hơn cả fanpage thật của các cơ sở lưu trú.
Theo tâm lý chung của du khách sẽ có xu hướng chọn những trang có nhiều tương tác lớn. Sau khi nhắn tin với quản trị viên của trang giả mạo, khách sẽ nhận được thông tin đặt phòng bằng cách gửi tiền vào số tài khoản của công ty.
"Nếu như trước kia, khách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân dễ bị nghi ngờ, thì nay chiêu thức lừa sẽ là chuyển sang số tài khoản công ty để lấy lòng tin", vị quản trị viên cho biết.
Tiếp tới, khách sẽ nhận được số điện thoại lạ cho biết là nhân viên của cơ sở lưu trú, thông báo về việc khoản tiền chuyển bị sai nội dung. Khách muốn nhận lại khoản tiền để chuyển đúng sẽ bị các đối tượng hướng dẫn qua nhiều bước khiến bản thân bị rối trí.
Cuối cùng, đối tượng sẽ đề xuất với khách gọi điện qua một ứng dụng trên mạng xã hội với mục đích chia sẻ hình ảnh màn hình. Với cách làm này, các dữ liệu quan trọng như mật khẩu ngân hàng của khách có thể bị đối tượng chiếm đoạt.
"Nếu đã chốt cọc, khách bị thông báo chuyển sai nội dung và được hướng dẫn làm theo các bước để nhận tiền, gần như 99% đó là lừa đảo. Lúc này, khách cần tỉnh táo và dừng lại, không nên tiếp tục nghe theo các đối tượng nhằm tránh mất số tiền lớn hơn", anh Bùi Quyết cảnh báo.
Để hạn chế điều này, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông Vietlux Tour cho biết, du khách cần liên tục nâng cao cảnh giác, chọn những công ty có thương hiệu uy tín. Những công ty du lịch lớn có trang fanpage với tích xanh cũng là dấu hiệu nhận biết giúp du khách tránh bị lừa đảo.
Ngoài ra, du khách nên đặt phòng qua những app uy tín (ứng dụng trên thiết bị di động). Nếu đặt qua fanpage cần kiểm tra xem số điện thoại hotline (đường dây nóng) có đồng nhất giữa công ty và văn phòng đại diện hay không. Các trang lừa đảo thường có tên gần giống nhưng bị thiếu hoặc thừa ký tự. Trong đó, tên miền giả thường xuất hiện đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk.
Trước đó, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ xử lý, ngăn chặn những đối tượng xấu mạo danh cơ sở lưu trú để lừa đảo. Thống kê phản ánh từ du khách cho thấy, 7 trường hợp là nạn nhân của khách sạn có tiếng tại địa phương, có người chuyển khoản gần 100 triệu đồng.