Nghề dọn dẹp cuộc sống ảo nơi trần thế của người đã khuất

Nguyệt Anh

(Dân trí) - Từng dòng trạng thái, từng bức ảnh trên trang cá nhân đều góp phần tạo nên một "di sản số" độc đáo của mỗi người. Điều gì sẽ xảy ra với thế giới ảo đó khi hành trình thực tại khép lại với chủ nhân?

Trong kỷ nguyên số, cuộc sống của con người ngày càng gắn liền với thế giới mạng. Từ tài khoản mạng xã hội, email, dữ liệu đám mây đến các tài sản kỹ thuật số như ảnh, video, thậm chí cả tiền điện tử... tất cả tạo nên khối "di sản số" khổng lồ.

Dư luận đã dấy lên những cuộc tranh luận, khi một người qua đời đột ngột, những di sản số đó sẽ thế nào?

Ở nhiều quốc gia hiện đã xuất hiện những người làm công việc quản lý di sản số (Digital Manager hay Digital Estate Manager) để giải quyết nhu cầu thực tế đó.

Dịch vụ "dọn dẹp" thế giới ảo

Tờ The Guardian từng đăng tải câu chuyện của bà Carol, một phụ nữ trung niên ở Anh. Sau khi chồng đột ngột qua đời, bà nhận ra mình hoàn toàn không có quyền truy cập vào tài khoản mạng xã hội và thư viện ảnh trực tuyến của ông. Những bức ảnh gia đình quý giá, những dòng trạng thái ghi lại kỷ niệm đều có thể biến mất trong thế giới ảo.

"Tôi đã phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp và tốn thời gian để cố gắng lấy lại quyền truy cập những kho dữ liệu để lại của chồng nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Tôi cảm thấy như một phần ký ức về chồng mình cũng tan biến theo", bà chia sẻ.

Câu chuyện của bà Carol cho thấy một nhu cầu thực tế về việc bảo vệ và quản lý di sản số của một người khi qua đời. 

Nghề dọn dẹp cuộc sống ảo nơi trần thế của người đã khuất - 1

Nhu cầu quản lý và bảo vệ di sản số sau khi một người qua đời đang lớn dần (Ảnh minh họa: Trustworthy).

Một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này là Legacy Locker, được nhắc đến trên nhiều tờ báo công nghệ như TechCrunch và The New York Times.

Legacy Locker cung cấp dịch vụ lưu trữ an toàn thông tin đăng nhập và hướng dẫn cụ thể về cách xử lý các tài khoản trực tuyến sau khi người dùng qua đời. 

Chia sẻ trên TechCrunch, nhà sáng lập Legacy Locker cho biết, ban đầu, họ chỉ tập trung vào việc bảo vệ những thông tin nhạy cảm. Nhưng theo thời gian, họ nhận ra rằng "di sản số" còn bao hàm cả những ký ức, những tài liệu quan trọng, thậm chí cả những tài sản tài chính điện tử. Vì thế, dịch vụ của họ ngày càng trở nên toàn diện hơn, như một người quản gia cho cả một "gia tài" trên mạng.

Thay vì những phương pháp can thiệp trực tiếp vào tài khoản, Legacy Locker xây dựng một quy trình bảo mật, định kỳ kiểm tra trạng thái hoạt động và chỉ "mở khóa" thông tin khi có xác nhận chính thức về sự ra đi của khách hàng từ hai người được ủy quyền, kèm theo giấy chứng tử.

Mức phí cho dịch vụ này vào dao động từ gói thường niên 29,99 USD đến gói trọn đời 299,99 USD, hướng đến cả người dùng cá nhân và các chuyên gia hoạch định tài sản.

Nghề quản lý di sản số vẫn còn khá mới mẻ và chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thế giới trực tuyến, nhu cầu về dịch vụ này đang dần tăng lên ở nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Canada và một số nước châu Âu.

Ở Mỹ và châu Âu, một số nền tảng như Everplans, Afternote, MyWishes hay GoodTrust đã phát triển các gói dịch vụ quản lý di sản số theo nhiều mức độ. Có nền tảng cho phép người dùng thiết lập "di chúc số" - chỉ định người nhận dữ liệu, soạn sẵn thông điệp để gửi đi sau khi mất, hoặc lưu trữ ảnh và video như một "album di sản".

Nghề dọn dẹp cuộc sống ảo nơi trần thế của người đã khuất - 2

Dịch vụ quản lý di sản số đang phát triển ở Mỹ và châu Âu (Ảnh minh họa: Getty Images).

Theo báo cáo của Business Insider năm 2023, lĩnh vực này được dự báo tăng trưởng nhanh do ngày càng nhiều người sử dụng dịch vụ số, trong khi các nền tảng như Google, Facebook hay Apple đều đặt ra những rào cản truy cập nghiêm ngặt với tài khoản của người dùng đã mất. Chẳng hạn, muốn truy cập Gmail của một người đã khuất, thân nhân phải cung cấp giấy chứng tử, thư ủy quyền hợp pháp và chờ xét duyệt từ Google, quá trình có thể kéo dài hàng tháng.

Trên nền tảng Facebook, hiện có hơn 30 triệu tài khoản thuộc về những người đã qua đời, theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford công bố năm 2019. Nếu tốc độ này tiếp tục, đến cuối thế kỷ XXI, số lượng người chết có tài khoản Facebook có thể vượt quá số người sống đang sử dụng mạng xã hội này.

Quản lý di sản online như di sản hữu hình

Công việc của một người quản lý di sản số rất đa dạng, tùy thuộc vào quy mô và loại hình dịch vụ mà họ cung cấp. Về cơ bản, họ sẽ giúp khách hàng lập kế hoạch di sản số, tư vấn và giúp khách hàng xác định những tài sản số quan trọng, lập danh sách và chỉ định người thừa kế hoặc người được ủy quyền quản lý.

Sau khi được tư vấn, những thông tin xây dựng sẽ được lưu trữ ưu trữ hoặc được hướng dẫn để lưu trữ an toàn, hướng dẫn truy cập và các di nguyện liên quan đến tài sản số.

Sau khi khách hàng qua đời, họ sẽ thực hiện các yêu cầu đã được chỉ định, chẳng hạn như đóng tài khoản mạng xã hội, chuyển giao quyền truy cập vào email hoặc tài khoản lưu trữ đám mây cho người thân, hoặc xóa dữ liệu theo yêu cầu. 

Dịch vụ này cũng giúp giải quyết các vấn đề, thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản số.

Nghề dọn dẹp cuộc sống ảo nơi trần thế của người đã khuất - 3

Việc quản lý tài sản số đang được thực hiện giống như tài sản hữu hình (Ảnh minh họa: Taneff Law).

Khoảng trống tại Việt Nam

Tại Việt Nam, vấn đề di sản số vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ. Khi một người dùng qua đời, việc truy cập, quản lý hoặc xóa bỏ các tài khoản số như email, mạng xã hội, lưu trữ đám mây thường phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài và không có quy định pháp lý rõ ràng để thân nhân thực hiện các thủ tục này.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được hiểu là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105). Tuy nhiên, các tài sản kỹ thuật số như tài khoản mạng xã hội, ảnh số, email hay dữ liệu lưu trữ đám mây chưa được quy định cụ thể trong luật. Điều này dẫn đến những lúng túng trong việc xác lập quyền thừa kế, xử lý và bảo vệ những thông tin cá nhân thuộc về người đã khuất.

Trong khi đó, các nền tảng công nghệ lớn như Google hay Apple lại đặt ra nhiều điều kiện để truy cập vào tài khoản của người dùng đã mất, chẳng hạn yêu cầu giấy chứng tử, quyết định ủy quyền hợp pháp, bản dịch công chứng và xét duyệt kéo dài hàng tuần đến hàng tháng. Thực tế này khiến nhiều gia đình buộc phải bỏ mặc dữ liệu cá nhân của người thân vì không đủ giấy tờ hợp lệ hoặc không nắm rõ thủ tục.