1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM đề nghị suy tôn liệt sĩ 5 trường hợp đặc biệt là chiến sĩ biệt động

Q.Huy

(Dân trí) - Do chiến tranh khốc liệt tại chiến trường miền Nam, cho đến lúc hy sinh, chiến sĩ biệt động của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng chỉ để lại lòng yêu nước và một ít dòng lý lịch hoặc tên biệt danh.

UBND TPHCM vừa báo cáo, đăng ký buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng tháo gỡ việc công nhận liệt sĩ đối với 5 trường hợp đặc biệt thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Những trường hợp này không có hồ sơ lưu lại do tính chất đặc thù của công tác nội đô thời đó.

Hiện tại, danh tính của cả 5 chiến sĩ biệt động đều không phải họ tên thật mà phải mượn họ liệt sĩ Lê Thị Riêng. UBND TPHCM cũng cho biết, các trường hợp này cũng không có giấy tờ, tài liệu cung cấp theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Do không tìm được tên tuổi, quê quán, thân nhân, Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đề xuất lấy họ của đồng chí Lê Thị Riêng làm họ cho 5 chiến sĩ đã hy sinh. Những người này là Lê Thị Hai (tự Hai Đòn Gánh); Lê Văn Tư (tự Tư Cơm Tấm); Lê Thị Sáu (tự Sáu Già); Lê Văn Bo; Lý Giao Duyên.

TPHCM đề nghị suy tôn liệt sĩ 5 trường hợp đặc biệt là chiến sĩ biệt động - 1

Lễ thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, tại nghĩa trang liệt sĩ TPHCM (Ảnh: Hải Long).

UBND TPHCM phân tích, do lịch sử chiến tranh khốc liệt tại chiến trường miền Nam, đa số cán bộ, chiến sĩ là người từ các miền quê bị bom đạn chiến tranh tàn phá, không nơi nương tựa và cán bộ chiến sĩ cũ bị giặc phát hiện, truy sát trôi dạt tới Sài Gòn. Họ phải thay tên đổi họ hoặc dùng tên biệt danh, được đơn vị tìm hiểu, cảm hóa, hướng dẫn tham gia công tác.

Ngoài ra, đặc thù của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng là bám trụ hoạt động bí mật trong nội đô đầu não giặc. Do đó, để tồn tại và tránh tổn thất, việc bổ sung quân, lực lượng chỉ biết bí danh, không biết họ tên thật cũng như quê quán, tên cha mẹ hoặc thân nhân.

Cho đến lúc hy sinh, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn chỉ để lại lòng yêu nước và một ít dòng lý lịch hoặc tên biệt danh.

Trong số những trường hợp đặc biệt được TPHCM đề nghị suy tôn liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng có bà Lê Thị Hai cư ngụ trong khu ổ chuột Khánh Hội (thuộc lõm căn cứ kích hoàn Khánh Hội, cây bàng, Vĩnh Hội).

Năm 1967, bà Hai là quần chúng lao động buôn bán lẻ ở chợ Xóm Chiếu. Được vận động, hướng dẫn, bà tham gia cùng tiểu thương, người lao động buôn gánh bán bưng vùng chợ Xóm Chiếu chống giặc vơ vét, chống thuế, chống khủng bố, bảo vệ người bán hàng rong vùng chợ.

Bà dùng đòn gánh đánh trả bọn giặc cướp phá hàng, hướng dẫn mọi người đấu tranh. Bà được người lao động chợ Xóm Chiếu quý mến gọi bà với biệt danh "Hai đòn gánh".

Tháng 3 năm 1968, bà được tuyển vào Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà Lê Thị Hai cùng  các chiến sĩ khác bị giặc chống phản kích quyết liệt. Bà cùng nhiều đồng đội đã hy sinh trên dòng Kinh Tẻ (Kinh Tẻ là con sông lớn, nước cuốn ra Nhà Bè).

Ông Lê Văn Tư sinh năm 1935, là công nhân bến thương cảng quận 4, cư ngụ trong khu ổ chuột, vùng Khánh Hội (thuộc căn cứ Khánh Hội, Cây Bàng, Vĩnh Hội, quận 4 của Tiểu đoàn). 

Cuối năm 1966 đầu năm 1967, giặc chủ trương sa thải 600 công nhân bến quân cảng (quân cảng liền với thương cảng quận 4) để lấy lao động Phi Luật Tân sang, nhằm bí mật bốc xếp vũ khí và hóa chất độc hại, mưu đồ sát hại cách mạng và dân 3 nước Việt, Miên, Lào.

Ông Lê Văn Tư phối hợp chặt chẽ với các bên để điều tra cung cấp những tên đặc vụ, mật báo bến cảng, nhóm xây dựng lực lượng, thực hiện trấn áp phản cách mạng, diệt 2 tên đặc vụ có nợ máu với công nhân. Được phá kiềm, công nhân bến cảng đã tổ chức tọa đàm, hội thảo, tham gia sinh hoạt các phong trào cách mạng.

Khi công nhân bến cảng đình công chiếm bến, giặc đem thủy quân lục chiến đến đàn áp. Ông Tư cùng công nhân thương cảng vào cuộc tiếp sức cùng quần chúng chống đàn áp khủng bố cho đến khi đình công thắng lợi.

Tháng 3 năm 1968, ông được tuyển vào Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông Lê Văn Tư cùng  các chiến sĩ khác bị giặc chống phản kích quyết liệt. Ông cùng nhiều đồng đội đã hy sinh trên dòng Kinh Tẻ.

Lê Thị Sáu cư ngụ trong khu ổ chuột Cây Bàng, quận 4, thuộc lõm căn cứ Khánh Hội, Cây Bàng, Vĩnh Hội.

Cuối năm 1966 đầu năm 1967, khi công nhân bến cảng quận 4 ủng hộ công nhân quân cảng đình công chống sa thải tập thể, bà Sáu tích cực tham gia các buổi sinh hoạt của công nhân, tham gia thông tin, chuyển tin và tham gia các chương trình.

Bà Lê Thị Sáu đã vận động người dân trong khu ổ chuột đóng góp giúp cho gia đình công nhân bến quân cảng khi công nhân đình công chiếm bến. Khi giặc xua thủy quân lục chiến tới đàn áp, bà vận động người trong xóm lao động ra chống.

Tháng 3 năm 1968, bà được tuyển vào Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà Lê Thị Sáu cùng  các chiến sĩ khác bị giặc chống phản kích quyết liệt. Bà cùng nhiều đồng đội đã hy sinh trên dòng Kinh Tẻ.

Ông Lê Văn Bo sinh năm 1918, nhà ở khu ổ chuột Khánh Hội, quận 4 (thuộc lõm căn cứ Khánh Hội, Cây Bàng, Vĩnh Hội của Tiểu đoàn).

Từ cuối năm 1966 đầu năm 1967, khi công nhân thương cảng phá kiềm, những hộ công nhân bến quân cảng chống sa thải tập thể, ông Bo gắn bó với mọi hoạt động của công nhân, tích cực tham gia các sinh hoạt của công nhân, vận động công nhân chống giặc sa thải, chống đàn áp.

Ông là một trong số những người giỏi võ thuật ở bến cảng. Ông đã vận động một số băng đảng quận 4 ủng hộ các nhóm thanh niên chống bắt lính trong xóm lao động do khóm xây dựng lực lượng tổ chức.

Ông Lê Văn Bo cùng đại hiệp Lê Văn Bi (một đàn anh nổi tiếng mà các băng đảng quận 4 nể phục, gọi bằng đại sư huynh) trực tiếp dạy võ nâng cao cho các cơ sở đầu mối của ta. 

Tháng 3 năm 1968, ông được tuyển vào Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Ông hy sinh trên dòng sông Kinh Tẻ cùng đồng đội trong chiến dịch này.

Lý Giao Duyên, sinh năm 1950, cư ngụ khu ổ chuột Vĩnh Hội, quận 4. Là lao động đô thị, bà Lý Giao Duyên tham gia một số cuộc xuống đường của quần chúng lao động nội đô. 

Là cô gái trẻ có giọng hát ngọt ngào, nhất là hát điệu lý giao duyên, bà được nhiều người mến mộ tặng cho cô biệt danh "Lý Giao Duyên".

Bà Lý Giao Duyên đã tích cực phát huy các loại hình "Hát cho đồng bào tôi nghe, Tiếng hát những đêm không ngủ", động viên tinh thần yêu nước, phát triển văn hóa dân tộc, chống lại văn hóa đồi trụy, sa đọa được ngụy quyền Sài Gòn khuyến khích lúc bấy giờ.

Tháng 3 năm 1968, bà được tuyển vào Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Trong đợt phản kích chiến dịch Mậu Thân, bà đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội trên dòng Kinh Tẻ.

Trước khi vào trận, bà đã gửi cây đàn ghi ta tại nhà cơ sở nội đô. Hiện, cây đàn được Bảo tàng TPHCM lưu giữ và trưng bày.

Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng chiến đấu trong và sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Tiểu đoàn có 13 chiến sĩ đã hy sinh.

Chiến sĩ Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng bị thương mất một cánh tay và bị địch bắt tù đày ra Côn Đảo. Đến năm 1973, ông được địch trao trả.

Ngày 20/7/2012, 8 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng được Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công để tôn vinh liệt sĩ. Hiện nay, tiểu đoàn còn 5 trường hợp hy sinh chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công