PhotoStory

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TB&XH

(Dân trí) - Không nằm trong nhóm được hỗ trợ, một số người khó khăn ở TPHCM đã gọi điện đến đường dây nóng Bộ LĐ-TB&XH cầu cứu. Khi nhận được quà cứu trợ từ Tổ công tác, họ đã xúc động, không kìm được nước mắt.

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TB&XH

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 1

Ông Huỳnh Văn Hùng (quê Sóc Trăng) ngụ tại khu trọ thuộc phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) hai mắt ngấn lệ nói: "Gần hai tháng rồi chúng tôi vẫn chưa được hưởng trợ cấp từ địa phương, khổ quá nên mới gọi điện lên cầu cứu Bộ LĐ-TB&XH. Tôi là một cựu chiến binh, hiện đang làm lao động tự do tại TPHCM, một tháng phải chạy lo 1,4 triệu tiền đóng trọ, suốt hai tháng qua nhờ các mạnh thường quân bó rau, chai nước sống qua ngày, chúng tôi đuối sức rồi".

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 2

Sau khi tiếp nhận những thông tin từ bà con khu trọ, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Trước hết tôi xin chia sẻ với cô bác. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn xin cô bác thông cảm, thành phố vừa phòng chống dịch vừa lo cho bà con, có thể vài nơi chính sách chưa đến tận nơi. Nhận thông tin từ cô bác, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo văn phòng đại diện tại TPHCM đến xem tình hình và có chút quà tiếp sức, mong bà con cố gắng vượt qua đại dịch".

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 3

Đại diện lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa B cho biết: "Chúng tôi đã hỗ trợ cho bà con lần một ngày 23/7 gồm nửa con gà, 2 chai nước ngọt, 0,5 kg đậu phộng, 2 kg gạo. Lần 2 vào ngày 20/8 cho 5 kg gạo và rau củ quả. Chính sách của thành phố luôn muốn chăm lo tốt nhất cho người dân vượt qua đại dịch nhưng quy định trong văn bản thì có những người là lao động tự do không thuộc nhóm ngành nghề được nhận hỗ trợ theo văn bản triển khai của Thành phố. Đây chính là khó khăn của cán bộ cơ sở khi lập danh sách đề xuất".

"Để kịp thời hỗ trợ cho các trường hợp lao động tự do không thuộc 6 nhóm ngành nghề được nhận hỗ trợ, UBND phường đã triển khai đến các khu phố, tổ dân phố tiến hành rà soát các hộ khó khăn, phòng trọ khó khăn để đề xuất Thành phố, Quận chăm lo", vị lãnh đạo nêu giải pháp.

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 4

Tổ công tác tiếp tục tìm đến khu trọ tại hẻm 162, đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Gò Vấp hỗ trợ các "túi an sinh" cho người dân trong một khu trọ có hoàn cảnh khó khăn do mất việc.

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 5

Nghe có đoàn từ thiện phát quà, bà Nguyễn Thị Lan vội khoác chiếc áo chạy ra phụ giúp đoàn công tác. Ôm 20 kg gạo trên tay, bà Lan đi nhanh về cuối con hẻm, nơi có dãy phòng trọ cách đoàn xe khoảng 200 m.

"Chính quyền địa phương đã kê khai danh sách rồi cũng chưa ai nhận được gì hết. Tôi từ Quảng Bình vào đây làm phụ việc nhà theo giờ, công việc cũng ngưng gần 2 tháng nay. Mấy ngày nay sống bằng gạo và quà của một số nhà hảo tâm. Có gạo là chạy ra mang vào thôi, chả biết nặng là gì, có cái ăn rồi", cô Nguyễn Thị Lan hồ hởi.

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 6

"Tiền trọ được chủ nhà bớt cho 200.000 đồng, số tiền phải đóng còn lại là 1,2 triệu. Trước dịch tôi còn đi làm phụ ông bạn tại một tiệm tạp hóa, hai tháng nay cũng ngưng luôn. Ngày thường tích cóp được bao nhiêu thì giờ lấy ra đóng tiền trọ, mua gạo. Nhiều người cũng hỏi cần tiền không cho mượn, vợ chồng tôi nói mượn rồi lấy gì trả, nên không dám", ông Nguyễn Bá Giang (thuê trọ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Gò Vấp) chia  sẻ khi nhận được gói hỗ trợ.

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 7

Bà Nguyễn Thị Liên (vợ  ông  Giang) xúc động khi nhận được quà từ Tổ công tác của Bộ LĐ-TB&XH. "Khổ lắm chú ơi, chồng tôi 75 tuổi, tôi 77 tuổi không dám ra khỏi nhà, con cái không có, nhà cửa cũng không, hai vợ chồng phải đi ở trọ. Mấy nay hàng xóm đi xin đồ ăn, về cho lại, ai cho gì thì ăn nấy. Hôm nay được phần quà này quý lắm, tôi xin cám ơn các cô chú".

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 8

"Tổ công tác phường 1, quận Gò Vấp đã tiếp nhận thông tin từ phóng viên và đã xác minh. Người dân trong khu trọ hẻm 162, đường Nguyễn Trọng Tuyển cho biết có đăng ký với tổ trưởng, nhưng khi rà soát lại thì không thuộc đối tượng trong nhóm 6 ngành nghề quy định trong nghị quyết 09-HĐND TP. Về quà thì chúng tôi không thấy tổ trưởng đăng ký với MTTQ phường nên giờ chúng tôi sẽ ghi nhận và đăng ký, khi nào có nhà  hảo tâm hỗ trợ thì chúng tôi chuyển đến tay người dân", đại diện lãnh đạo phường 1, quận Gò Vấp nói.

Vị này nói thêm: "Đợt 2 hỗ trợ theo Nghị quyết 68 sắp tới có đưa vào đối tượng khó khăn, ở trọ, chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ cho người dân. Mấy hôm nay chúng tôi giải quyết khá nhiều trường hợp người dân đăng ký qua tổng đài 1022, không hiểu sao hơn hai mươi hộ dân tại đây không gọi được".

Người dân xóm trọ bật khóc khi nhận quà từ Tổ công tác đặc biệt Bộ LĐ-TBXH - 9

Tại một khu nhà trọ trên đường số 4, khu phố 3, phường Linh Xuân (Thành phố Thủ Đức), đoàn đã gửi quà đến 6 hộ gia đình thuê trọ hiện đang thất nghiệp cũng như gửi một phần kinh phí tiền trọ. Anh Đinh Văn Tuấn (26 tuổi, quê huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) xúc động đón nhận quà từ ông Nguyễn Anh Thắng.

Hơn 2 tháng mất việc, không còn khả năng bám trụ lại Sài Gòn, đánh liều chạy xe máy chở vợ và con nhỏ 10 tháng tuổi với ý định vượt quãng đường nghìn cây số từ TPHCM về quê ở Hà Tĩnh tránh dịch nhưng không được. "Giờ ở lại đây không biết lấy tiền đâu đóng tiền trọ", Tuấn than thở.

Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, ngày 19/8, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH đã trực tiếp đi khảo sát tại các khu nhà trọ ở Quận Bình Tân, Gò Vấp, TP Thủ Đức và chuyển lời thăm hỏi động viên, chia sẻ của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đến từng người dân, người lao động, lao động tự do đang gặp khó khăn, đồng thời gửi những "Túi an sinh" tới người dân, người lao động thất nghiệp trên địa bàn TPHCM.

"Trong thời gian qua, đường dây nóng của Bộ LĐ-TB&XH nhận được rất nhiều cuộc gọi của bà con ở khu vực TPHCM, đặc biệt là ở những khu trọ phản ánh về cuộc sống khó khăn. Chúng tôi xuống tìm hiểu cuộc sống của bà con, trao những phần quà thiết thực trong chương trình một triệu "Túi an sinh" để bà con yên tâm phòng chống dịch. Chúng tôi mong muốn tất cả người dân cũng như anh em lao động mất việc không nên suy nghĩ chuyện về quê lúc này vì vừa nguy hiểm cho bản thân vừa mang nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho địa phương mình", ông Thắng cho biết.

Tại buổi khảo sát, sau khi lắng nghe những chia sẻ của người dân, những lao động thất nghiệp vì dịch Covid-19, ông Phạm Anh Thắng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên những lao động thất nghiệp. Sau buổi khảo sát thực tế, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH tại phía Nam sẽ có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo UBND TPHCM để tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời, đồng thời sẽ tiếp tục đi trao những phần quà "Túi an sinh" đến người dân khó khăn, người lao động mất việc.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4