Bi kịch đằng sau những cụ bà cố tình phạm tội để được vào tù... dưỡng già
(Dân trí) - Một số cụ bà ở Nhật Bản đã cố tình vi phạm pháp luật để được vào tù dưỡng già. Họ cho biết đã tuyệt vọng khi sống bằng khoản lương hưu ít ỏi, chấp nhận "ổn định" trong tù còn hơn sống bên ngoài.
Sống trong nhà tù còn hơn chết cô độc bên ngoài
Nhà tù nữ Tochigi là trung tâm giam giữ phụ nữ lớn nhất Nhật Bản nằm ở phía Bắc Tokyo. Cơ sở này giam giữ khoảng 500 tù nhân, trong đó 1% là người lớn tuổi.
Những người già, tay chân nhăn nheo và lưng còng lê bước chậm rãi dọc hành lang, một số người dùng xe tập đi.
Nhân viên tại nhà tù hỗ trợ người lớn tuổi các hoạt động cơ bản như tắm rửa và ăn uống, khiến nơi này giống như một viện dưỡng lão. Lịch trình hằng ngày của nhà tù được quản lý nghiêm ngặt, tù nhân phải thức dậy lúc 6h và tắt đèn lúc 21h.
Một cụ bà 81 tuổi, được biết đến với cái tên Akiyo, bị bỏ tù 2 lần vì tội trộm cắp, đã tìm thấy "cảm giác ổn định bất ngờ sau song sắt".
"Có rất nhiều người tốt trong nhà tù này. Có lẽ cuộc sống hiện giờ là ổn định nhất đối với tôi", cụ bà với mái tóc ngắn màu xám và đôi bàn tay lấm tấm những đốm đồi mồi, nói.
Akiyo lần đầu bị bỏ tù vì tội ăn cắp thức ăn khi bà ở độ tuổi 60. Sau đó, khi bà phải sống dựa vào khoản lương hưu ít ỏi được trả 2 tháng một lần, sự tuyệt vọng đã khiến bà lại ăn cắp thức ăn.
"Tôi đã đưa ra quyết định tồi tệ và ăn cắp vặt, nghĩ rằng đó sẽ là vấn đề nhỏ. Nếu tôi ổn định về tài chính và có lối sống thoải mái, tôi chắc chắn sẽ không làm như vậy", bà nói.
Akiyo không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình. Trước khi bị bắt giữ, bà sống với con trai 43 tuổi. Người con thường mong muốn bà rời đi, khiến bà càng tuyệt vọng hơn.
"Tôi cảm thấy mình không còn quan tâm đến những gì đã xảy ra nữa. Tôi nghĩ sống chẳng có ý nghĩa gì và chỉ muốn chết thôi", bà nói.
Tháng 10/2024, Akiyo được mãn hạn tù, nhưng bà phải vật lộn với sự xấu hổ và sợ bị con trai phán xét.
"Tôi sợ cách con trai có thể nhìn nhận mình. Ở một mình là một điều rất khó khăn và tôi cảm thấy xấu hổ vì đã rơi vào hoàn cảnh này. Tôi thực sự cảm thấy nếu bản thân có ý chí mạnh mẽ hơn, tôi có thể đã sống một cuộc sống khác, nhưng giờ tôi đã quá già để làm bất cứ điều gì", bà nói.
Câu chuyện của Akiyo nêu bật những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt do dân số già hóa.
Trộm cắp là tội phạm phổ biến nhất mà các tù nhân lớn tuổi vi phạm, đặc biệt là phụ nữ. Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, vào năm 2022, hơn 80% tù nhân nữ cao tuổi bị giam giữ vì tội trộm cắp, số lượng tù nhân từ 65 tuổi trở lên gần gấp 4 lần so với năm 2003.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 20% người Nhật Bản trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo đói, cao hơn mức trung bình 14,2% của 38 quốc gia thành viên.
Takayoshi Shiranaga, một sĩ quan tại nhà tù dành cho phụ nữ Tochigi, cho biết đối với nhiều tù nhân lớn tuổi, sống trong nhà tù còn hơn chết cô độc bên ngoài.
"Một số người cao tuổi sẵn sàng trả 20.000 đến 30.000 yen hằng tháng để được ở tù nếu họ có thể. Có những người đến đây vì trời lạnh hoặc vì họ đói", Shiranaga nói.
Những người bị bệnh có thể được điều trị y tế miễn phí trong tù, nhưng khi họ ra tù sẽ phải tự trả tiền. Do đó, một số người muốn ở lại đây lâu nhất có thể.
"Bây giờ chúng tôi phải thay tã cho họ, giúp họ tắm rửa, ăn uống. Nơi này giống viện dưỡng lão hơn là một nhà tù đầy tội phạm bị kết án", Shiranaga cho hay.
Bà Yoko, 51 tuổi, đã bị giam giữ vì ma túy 5 lần trong 25 năm qua. Mỗi lần quay lại nhà tù, bà thấy các phạm nhân ngày càng già hóa.
"Một số người cố tình vi phạm pháp luật để có thể vào tù một lần nữa nếu họ hết tiền", bà nói.
Người già vật lộn với cô độc
Megumi, một cai ngục tại nhà tù nữ Tochigi, cho biết một vấn đề đối với những cựu tù nhân là thiếu sự hỗ trợ khi họ tái hòa nhập xã hội.
"Ngay cả khi được ra tù và trở lại cuộc sống bình thường, họ vẫn không có ai chăm sóc. Cũng có những người bị gia đình bỏ rơi sau nhiều lần phạm tội, họ không có nơi nào để về", nữ cai ngục nói.
Các nhà chức trách Nhật Bản đã thừa nhận vấn đề này. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, từ năm 2021 những tù nhân lớn tuổi nhận được hỗ trợ sau khi ra tù ít có khả năng tái phạm hơn những người không nhận được.
Bộ này cho biết kể từ đó đã tăng cường các nỗ lực can thiệp sớm để các trung tâm hỗ trợ cộng đồng hỗ trợ tốt hơn cho những người già yếu.
Bộ Tư pháp cũng đã triển khai các chương trình dành cho tù nhân nữ, cung cấp hướng dẫn về cuộc sống tự lập, phục hồi sau cai nghiện và cách điều hướng các mối quan hệ gia đình.
Chính phủ hiện xem xét các đề xuất nhằm giúp nhiều người lớn tuổi có thể tiếp cận các chế độ trợ cấp nhà ở. 10 thành phố trên khắp Nhật Bản đã thử nghiệm các sáng kiến hỗ trợ người lớn tuổi không có người thân.
Dân số lớn tuổi đang tăng nhanh đến mức Nhật Bản sẽ cần 2,72 triệu nhân viên chăm sóc vào năm 2040. Nước này đang nỗ lực khuyến khích nhiều người gia nhập ngành điều dưỡng và nhập khẩu lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống.
Điều đó thể hiện rõ ở Tochigi, nơi các sĩ quan "chủ động yêu cầu tù nhân có trình độ điều dưỡng" chăm sóc những người cao tuổi khác.
Yoko là một trong những người như vậy. Bà đã học được trình độ điều dưỡng trong thời gian thụ án. Khi nhà tù không đủ nhân lực chăm sóc người già, bà đã giúp những tù nhân khác tắm rửa, thay quần áo và đi lại. Trong khi đó, các nhà tù khác tiếp tục chật kín "những tù nhân tóc bạc".
Câu chuyện về những người già phạm pháp để được ngồi tù ở Nhật Bản đã gây ra cuộc tranh luận trên mạng xã hội.
"Một người phải ích kỷ đến mức nào khi nói với mẹ mình rằng: "Con ước mẹ có thể rời đi?". Thật đau lòng", một người dùng mạng bình luận.
"Đây chính là xã hội già hóa dân số. Bạn có con hay không cũng không tạo ra nhiều khác biệt. Vấn đề chính là không có đủ tiền hoặc không có khả năng tự chăm sóc bản thân", một người khác nói.