Lương hưu thấp vẫn tốt hơn không có

Lê Hoa

(Dân trí) - Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng lương hưu còn 15 năm, có ý kiến cho rằng nhiều người sẽ đối diện với mức lương hưu rất thấp.

Hỗ trợ công nhân chuyển đổi nghề nghiệp

Liên quan đến đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đề xuất này sẽ đảm bảo an sinh cho người lao động và tiến tới tăng độ bao phủ cho nhiều người hưởng chế độ hưu trí.

Đặc biệt, đối với người lao động tham gia vào thị trường lao động muộn, những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục vẫn sẽ có cơ hội được nhận chế độ này.

Liên quan đến băn khoăn giảm số năm đóng mức lương hưu sẽ giảm, ông Quảng cho biết, dù mức lương hưu có thấp đi thì tiền lương hưu sau này của họ vẫn sẽ được đảm bảo hơn nhiều so với việc không thuộc diện chi trả.

Lương hưu thấp vẫn tốt hơn không có - 1

Ngoài 35 tuổi, nhiều công nhân trong khu công nghiệp không còn phù hợp với công việc.

Ngoài mức lương hưu thấp, nhiều ý kiến lo ngại về việc giảm năm đóng song tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên, khiến nhiều người lao động trong các khu công nghiệp cũng chưa muốn gắn bó với hệ thống.

Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đánh giá, thực tế trong các khu công nghiệp có đặc thù ngành nghề, thường sử dụng các lao động trẻ và có sức khỏe nhiều hơn, độ tuổi ngoài 35 - 40 không phù hợp với các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Châu, cần nhìn rõ vấn đề là đến một thời điểm có thể họ không còn phù hợp với công việc ở khu công nghiệp, nhưng vẫn phù hợp với công việc khác vì vẫn còn tuổi lao động, còn sức khỏe.

Do đó, cần có cơ chế đối với các khu công nghiệp về việc đào tạo cho những lao động lớn tuổi để chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc sắp xếp những công việc khác sau khi rời nhà máy để họ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sau đó có lương hưu.

Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng cho rằng, đừng suy nghĩ sau tuổi 35 - 40, lao động các khu công nghiệp không thể làm việc nữa mà chỉ chờ đợi hưởng lương hưu, mà họ vẫn có cơ hội để cống hiến. Vì vậy, cần xây dựng các chế độ đối với khu công nghiệp, hoặc chuyển đổi nghề cho những công nhân này để họ có công ăn việc làm.

"Hút" lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội

Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm muộn, có thời gian tham gia ngắn do không tham gia liên tục được hưởng lương hưu.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khuyến khích người dân đóng bảo hiểm tự nguyện, giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Lương hưu thấp vẫn tốt hơn không có - 2

Giảm số năm đóng tối thiểu bảo hiểm xã hội tăng cơ hội tiếp cận lương hưu của người lao động.

Tuy vậy, việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp bởi nguyên tắc cơ bản là đóng - hưởng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại); đối với người lao động có tiền đóng bảo hiểm hằng tháng thấp, thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật cân nhắc và bổ sung thêm luận chứng trong đánh giá tác động chính sách.

Còn Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhất trí với chính sách này, chính sách phù hợp với Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Đồng thời phù hợp với thực tế về thời gian tham gia lực lượng lao động ở khu vực chính thức của người lao động khi mà tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm đáng kể sau độ tuổi 40, đồng thời thu hút được nhiều hơn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí sẽ có lợi đối với lao động nữ và người lao động ở khu vực phi chính thức - nơi chiếm một tỷ lệ lớn việc làm trong thị trường lao động.

"Việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí sẽ gắn kết hiệu quả với chế độ hưu trí xã hội khi Điều 29, đây cũng sẽ là cơ hội để giảm thiểu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và giúp đạt được mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội theo định hướng của NQ số 28-NQ/TW", góp ý của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nêu.