1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cải thiện lương hưu, cần đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 70% tổng thu nhập

Lê Hoa

(Dân trí) - TS Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia về lao động, tiền lương khuyến cáo đóng bảo hiểm xã hội phải dựa trên tổng thu nhập và mức đóng không thấp hơn 70% tổng thu nhập tiền lương.

Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra hai phương án quy định. Theo đó, phương án 1 xác định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là lương tháng bao gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Phương án 2 nêu rõ, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, so với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Phân biệt tiền lương và khoản thu nhập khác

Liên quan đến vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề xuất sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong trường hợp người lao động hưởng lương do thỏa thuận với người sử dụng lao động thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề xuất, Chính phủ sẽ quy định chi tiết tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động quy định. Từ đó, đảm bảo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.

Lý giải về việc đưa ra đề xuất này, Bảo hiểm xã hội Hà Nội viện dẫn, vấn đề trên đã được Nghị quyết số 28 đã quy định, nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng cần xem xét lại cả phương án trên. Ở đây, căn cứ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội phải dựa trên tổng thu nhập về tiền lương và không được thấp hơn 70% tổng thu nhập tiền lương.

Cải thiện lương hưu, cần đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 70% tổng thu nhập - 1

Người lao động giải quyết các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Theo ông Lợi, Nghị quyết của Trung ương về cải cách tiền lương cũng chỉ rất rõ, trong kết cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thì 70% là tiền lương, 30% là các phụ cấp có tính chất tiền lương. Vậy căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm này là 100% tiền lương đó, trừ quỹ thưởng.

Đối với khu vực có quan hệ lao động, Bộ luật Lao động quy định tiền lương tối thiểu theo bốn vùng và được công bố hằng năm. Vì vậy, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực có quan hệ lao động ít nhất phải bằng tiền lương tối thiểu vùng, cộng thêm các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương (gồm các khoản phụ cấp hạch toán vào giá thành sản phẩm chứ không phải các khoản phụ cấp khác).

Từ đó, ông Lợi đề nghị đối với khu vực công, cần nêu rõ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là toàn bộ tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương. Với khu vực có quan hệ lao động, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tối thiểu vùng cộng với các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương mà thanh toán vào giá thành sản phẩm, không gồm các phụ cấp khác mà không kết cấu trong giá thành sản phẩm.

Bất cập việc tổ chức thực hiện

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được phản ánh của các địa phương, mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, bao gồm thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán, và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.

Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 5% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).

Bộ Tư pháp cho rằng, theo nhận định này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết về tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

"Như vậy, vấn đề bất cập ở việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật khi các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã phân chia tiền lương của người lao động thành các khoản khác nhau để tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; không xuất phát từ vướng mắc của quy định pháp luật", văn bản góp ý của Bộ Tư pháp nêu.

Trước đó, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, số liệu từ cơ quan bảo hiểm xã hội cho thấy, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của cả hệ thống năm 2022 là 5,73 triệu đồng.

Còn Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội xác định, đảm bảo tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất lương.

Theo Tổng cục thống kê, mức thu nhập bình quân nhóm đối tượng làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. Như vậy, ông Cường thông tin, mức đóng bảo hiểm xã hội bình quân 5,73 triệu đồng/tháng nghĩa là đã bằng khoảng 75% mức thu nhập bình quân.