DNews

Lời hẹn thề bất ngờ của anh bộ đội và cô dân công ở Điện Biên Phủ

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trong những ngày tháng ác liệt của chiến trường Điện Biên Phủ 70 năm trước, anh bộ đội Trần Quang Thiều gặp cô dân công hỏa tuyến rồi hứa hẹn rằng: "Nếu sau này còn sống trở về thì ta cưới nhau".

Lời hẹn thề bất ngờ của anh bộ đội và cô dân công ở Điện Biên Phủ

Từ đầu tháng năm đến nay, cả nước đều hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Dù không thể tới vùng đất Điện Biên, vợ chồng cụ Trần Quang Thiều và Trần Thị Tâm (cùng 94 tuổi, quê tỉnh Hà Nam) ở Bạc Liêu cũng hết sức bồi hồi.

"Nhiều năm rồi chưa trở lại Điện Biên Phủ, nơi từng là chiến trường xưa của 70 năm trước mà chúng tôi đã từng có mặt", cụ Thiều xúc động.

"Đánh để bảo vệ đất nước"

23 tuổi, từ một du kích địa phương, chàng trai Trần Quang Thiều vào bộ đội và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ năm 1953, trong một đơn vị bộ binh của Quân khu 3 lúc bấy giờ.

Nhiệm vụ lúc đó của chiến sĩ Thiều cùng đồng đội là đào hào và đánh địch. "Cấp trên quán triệt cố gắng đánh để bảo vệ đất nước, chúng tôi cứ thế thực hiện theo", cụ Thiều nhớ lại một thời trai trẻ.

Lời hẹn thề bất ngờ của anh bộ đội và cô dân công ở Điện Biên Phủ - 1

Cụ Trần Quang Thiều năm nay đã 94 tuổi, từng là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước (Ảnh: Huỳnh Hải)

Cụ Thiều kể, giữa mưa bom lửa đạn của mặt trận Điện Biên Phủ có thể chết bất cứ lúc nào. Pháo đạn của địch từ trên các đồi cứ trút xuống, đơn vị của chiến sĩ Thiều có lúc phải đào hào ngầm để giảm tổn thất.

Chiến trường ác liệt, chiến sĩ Thiều và đồng đội ngày chiến đấu, đêm canh thay nhau ngủ ngồi tựa lưng vào vách hào, cứ thế quyết tâm không chùn bước dù muôn vàn khó khăn gian khổ.

"Vừa đào hào vừa đánh tới, từng tý một chúng tôi tiến sát hầm chỉ huy của địch rồi đặt kích nổ thành công khối thuốc cả ngàn ký", cụ Thiều nhớ lại và xúc động khi nhiều đồng đội đã hy sinh trong trận chiến này.

Lời hẹn thề bất ngờ của anh bộ đội và cô dân công ở Điện Biên Phủ - 2

Cụ Trần Thị Tâm từng là dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (Ảnh: Huỳnh Hải).

Cụ Trần Thị Tâm chia sẻ, lúc đó cụ tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, với nhiệm vụ tải đạn và gạo từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ.

"Mấy lần tôi thoát chết trước quân địch. Có một lần đang tải hàng trên đường 21 thì gặp quân Pháp, tôi liền nhảy xuống ao trốn, dìm cả đạn và gạo xuống nước. Lúc đó có con đỉa to cắn vào tay mà chẳng dám kêu la. Đợi quân Pháp đi mới dám ngoi lên, chứ nếu tôi động đậy chắc là khó sống", cụ Tâm nhớ lại.

Lời hẹn thề bất ngờ của anh bộ đội và cô dân công ở Điện Biên Phủ - 3
Lời hẹn thề bất ngờ của anh bộ đội và cô dân công ở Điện Biên Phủ - 4

"Nếu còn sống thì ta cưới nhau"

Chiến trường Điện Biên Phủ 70 năm trước cũng là nơi cụ Thiều và cụ Tâm gặp gỡ.

Khoảng năm 1953, anh bộ đội Thiều tình cờ gặp cô gái dân công hỏa tuyến, cùng quê Hà Nam. Có lẽ duyên nợ từ sự trùng hợp đó, chàng trai 23 tuổi hứa hẹn như nửa đùa nửa thật với cô dân công rằng: "Nếu sau này còn sống trở về thì ta cưới nhau".

Nhớ lại câu chuyện đó, cụ Tâm cười: "Lúc đó, tôi chỉ thích đi thanh niên xung phong thôi nên không đồng ý hứa hẹn gì với ông ấy cả".

Đó cũng là lần gặp đầu tiên và duy nhất của chàng trai và cô gái đang tuổi thanh xuân, cho đến 4 năm sau họ mới gặp lại và nên duyên vợ chồng, sau chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Lời hẹn thề bất ngờ của anh bộ đội và cô dân công ở Điện Biên Phủ - 5

Hai vợ chồng cụ Thiều và cụ Tâm chụp ảnh kỷ niệm 60 năm ngày cưới (Ảnh: Huỳnh Hải).

"Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cả 2 chúng tôi may mắn sống sót trở về. Đến năm 1957, UBND xã nơi quê tôi tổ chức đám cưới tập thể cho tôi với bà ấy cùng 2 cặp đôi khác. Ngày cưới, tôi mặc quân phục bộ đội, còn bà ấy mặc quần áo công nhân. Mâm lễ đơn sơ chỉ có 5 bao thuốc lá và một nón trà tươi", cụ Thiều chia sẻ lại câu chuyện tình của mình và cho biết sau đó lần lượt 8 đứa con ra đời.

Sau năm 1975, cả gia đình cụ Thiều vào tỉnh Minh Hải (sau này tách thành Cà Mau và Bạc Liêu) sinh sống và làm việc cho đến nay. Hiện vợ chồng cụ Thiều sống trong một căn nhà ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.