Làng Nủ ngày chó nghiệp vụ sục bùn tìm người trong ký ức lính biên phòng
(Dân trí) - "Nhìn máy xúc đào bới lên từng phần thi thể người bị lũ cuốn, hầu hết chúng tôi không kìm được nước mắt. Quay về đơn vị, tôi vẫn ám ảnh trong cả những giấc mơ", Thiếu úy Giàng A Lan nhớ lại.
Chó nghiệp vụ bới từng góc tìm kiếm người dân
Ngày cùng đồng đội lên đường tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) hồi tháng 9, Thiếu úy Giàng A Lan, 24 tuổi, cảm giác hồi hộp, lo lắng "liệu có hoàn thành nhiệm vụ hay không?".
Đây là nhiệm vụ đầu tiên Lan đảm nhận sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp 24 Biên Phòng (Ba Vì, Hà Nội).
Sáng 12/9, Giàng A Lan cùng các huấn luyện viên mang theo 5 chó nghiệp vụ, lội bùn tới Làng Nủ. Đây là những chú chó tinh nhuệ, khỏe mạnh và xuất sắc nhất, từng tham gia tìm kiếm người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337, tại vùng sạt lở Trà Leng năm 2020, động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023.
"Không khí tang thương bao trùm, cả một thôn xóm bị san phẳng, xung quanh đều tan nát", Lan nhớ lại ngày đầu tiên ở Làng Nủ.
Người dân Làng Nủ thấy bóng dáng bộ đội biên phòng, chạy lại khóc nức nở. Họ ra tận nơi với hy vọng những người lính nghiệp vụ có thể giúp gia đình tìm kiếm người thân còn nằm dưới lớp bùn đất.
Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ tập trung quân số tìm kiếm ở khu vực cầu Làng Nủ, cách điểm sạt lở khoảng 4km. Khu vực trũng, tập kết nhiều vật dụng trôi dạt xuống, được dự đoán tìm thấy nhiều người mất tích.
Chưa quen thao trường, chú chó nghiệp vụ Otki, 5 tuổi, do Giàng A Lan huấn luyện, còn nhiều bỡ ngỡ. Bùn nhão, nước đọng khiến việc đánh hơi, tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Sau 2 buổi, Otki dần quen địa hình, nhanh nhẹn sục sạo trong bùn, rác thải để tìm người.
Sau hồi lâu đánh hơi, chú chó dừng lại một điểm nghi ngờ. Giàng A Lan cho biết mỗi chú chó nghiệp vụ có một cách thức khác nhau để báo hiệu cho huấn luyện viên. Như Otki, chú thường hít thật sâu, lấy hai chân cào, bới tại điểm nghi ngờ.
Lan báo cáo đồng đội, gọi thêm một chó nghiệp vụ nữa để kiểm tra chéo. Nếu 2 con cùng ra dấu hiệu, lính cứu hộ sẽ mang xẻng đến đào bới vị trí nghi có nạn nhân.
Những chú chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Làng Nủ hồi tháng 9 (Ảnh: Hữu Khoa, Hoài Thu).
Trong lần tiếp cận khe suối, Giàng A Lan không may bị sụt toàn bộ chân phải xuống hố bùn, chân trái vẫn còn trên bờ. Đồng đội xung quanh vội chạy đến, cùng người dân kéo Lan lên bờ, may mắn không bị thương.
"Lúc đó tôi không lo lắng vì đã quen với những tình huống phát sinh như vậy trong lúc tập luyện", chàng trai 24 tuổi tâm sự.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, Lan dẫn Otki về lán cho ăn, uống nước. Buổi trưa, chó nghiệp vụ được nghỉ ngơi ở nơi có bóng mát, tối ngủ trên xe chuyên dụng.
Thiếu tá Đoàn Văn Hoàn - huấn luyện viên chó tìm kiếm cứu nạn, Khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng - đã cùng chú chó Olat 35kg, 4 tuổi, lội bùn đất tìm kiếm người dân Làng Nủ.
Trong một buổi sáng, Olat đã sục sạo suốt 3,5 giờ tìm kiếm ở thượng nguồn, cùng huấn luyện viên lội trong bùn nhão ngập đến đầu gối. Cả Otki và Olat đều bị thương ở phần móng chân, được đội cán bộ biên phòng chăm sóc.
Sáng 12/9, dưới sự giúp sức của chó nghiệp vụ, lực lượng chức năng tìm thấy thêm 8 nạn nhân. Thiếu úy Giàng A Lan ám ảnh tiếng khóc vang thấu trời của người dân, những người phụ nữ khóc chờ chồng quay về trong vô vọng.
"Nhìn máy xúc đào bới lên từng phần thi thể người dân, chúng tôi hầu hết không kìm được nước mắt. Quay về đơn vị sau đó, tôi vẫn còn ám ảnh trong cả những giấc mơ", Lan nói.
Buổi tối, anh Hoàn và Lan cùng đồng đội ở nhờ nhà người dân cách hiện trường 1,5km. Bà con không yên tâm, cảnh báo bộ đội nguy cơ sạt lở do phía sau nhà đã từng bị sạt một lần.
Đêm thứ 4, Giàng A Lan trong lúc trực đêm, giật mình nghe tiếng sấm kèm mưa lớn. Toàn bộ căn nhà sàn rung mạnh, các anh em đều tỉnh giấc, không dám ngủ lại.
"Dù mệt và buồn ngủ, chúng tôi vẫn phải tỉnh, đối mặt nguy cơ sạt lở", anh nói.
Olat từng bị thương trong lúc thực hiện nhiệm vụ ở Làng Nủ (Ảnh: Mạnh Quân, Thành Đông).
Sau 10 ngày, nhóm chó nghiệp vụ đầu tiên cùng huấn luyện viên trở về đơn vị. Anh Hoàn nhớ mãi tình cảm của bà con. Dù mất hết nhà cửa và người thân, họ vẫn dành cho bộ đội một chỗ nghỉ ngơi tươm tất, nhiều người còn nhường nhà cho bộ đội.
"Dù chỉ là một bát canh, người dân cũng nhường cho anh em chúng tôi. Ngày chúng tôi về lại đơn vị, bà con đứng hai bên đường tiễn biệt, khóc nức nở", anh Hoàn nói.
Sau 3 tháng, Làng Nủ dần hồi sinh sau thảm họa, bà con vực dậy tinh thần. Họ không bao giờ quên những chiến sĩ bộ đội biên phòng đã giúp mình lúc hoạn nạn. Thỉnh thoảng, Giàng A Lan lại nhận được điện thoại của bà con Làng Nủ. Họ hỏi anh: "Dạo này thế nào, khỏe không, lên Làng Nủ thăm bà con".
"Tổ quốc cần là người lính lên đường"
Trong 20 năm làm nghề, từng tham gia nhiều chiến dịch cứu nạn cứu hộ, Thiếu tá Đoàn Văn Hoàn ấn tượng nhất chiến dịch cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023.
Trận động đất mạnh 7,9 độ ngày 6/2/2023 đã khiến hơn 40.000 người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố báo động cấp độ 4 và kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.
76 quân nhân Việt Nam từ các lực lượng cứu sập, công binh, đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, quân y, sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cứu nạn sau động đất.
Trong đó, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cử 9 huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ. Năm trong sáu quân khuyển có màu lông đen vàng, giống becgie Đức, con còn lại màu đen giống Malinois, đã được huấn luyện cứu hộ cứu nạn nhiều năm.
Nhận lệnh của chỉ huy, Thiếu tá Đoàn Văn Hoàn cùng đồng đội chuẩn bị khẩn cấp trong khoảng một tiếng, sẵn sàng lên đường. Gia đình bày tỏ lo lắng vì đây là nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của anh Hoàn, song anh trấn an người thân: "Là người lính, Tổ quốc cần thì mình lên đường".
Gia đình động viên anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ gìn sức khỏe, "đảm bảo tính mạng để an toàn trở về".
Vượt quãng đường hơn 8.000km với hai chặng bay, di chuyển bằng ô tô đến Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), đập ngay vào mắt anh Hoàn là khung cảnh thành phố du lịch nằm bên bờ Địa Trung Hải là một trong 10 địa phương chịu thiệt hại nặng sau thảm họa thiên tai.
Hàng nghìn ngôi nhà đổ sập, hàng trăm tấn bêtông đè ép lên nhau, chênh vênh, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Dư chấn động đất vẫn liên tục xuất hiện với 6,2-6,4 độ. Ám ảnh nhất là gương mặt thất thần, mệt mỏi, khổ đau của những người còn sống sót, mòn mỏi tìm người thân.
Đội Việt Nam được giao tìm kiếm tại xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya của Hatay, nơi có khoảng 5.200 người dân.
Theo anh Hoàn, chiến thuật của đội là dùng chó nghiệp vụ đánh hơi, công binh dò tìm, đánh dấu vị trí nạn nhân bị vùi lấp, bàn giao cho lực lượng cứu hộ nước bạn đưa nạn nhân ra.
Chó nghiệp vụ có thể tìm được nguồn hơi ở độ sâu 5-7 m, thậm chí 12m, giúp đẩy nhanh thời gian tìm kiếm. Trong đó Pocka - quân khuyển 8 tuổi từng tham gia nhiều vụ cứu hộ trong nước - luôn xông xáo nhất đoàn.
Nhờ những chiếc mũi tinh nhạy của chó nghiệp vụ, ngày đầu tiên đội Việt Nam tìm thấy 3 vị trí nghi có nạn nhân. Công binh mở đường cùng cứu hộ địa phương đưa một thi thể ra ngoài; hai vị trí còn lại đội bàn giao cho lực lượng sở tại đào bới, tìm thêm được ba nạn nhân.
Sáu chó nghiệp vụ của Trường trung cấp 24 Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trở thành những "trinh sát bốn chân" đánh hơi tìm kiếm vị trí nạn nhân hoặc dấu hiệu sự sống.
Sang ngày thứ hai ở Hatay, chui sâu vào hầm một căn nhà đổ sập, Pocka phát hiện thêm một vị trí có nguồn hơi. Bị mảnh kính cắt chảy máu chân, nó được đưa về sở chỉ huy tạm nghỉ ngơi, để bác sĩ thú y băng bó. Các quân nhân ngồi quanh, người giữ chân, người xoa đầu Pocka.
Ngày làm việc của những người lính kéo dài từ 8h đến 19h, các bữa trưa đến vội bằng lương khô, mì tôm sống và nước lọc. Bữa tối là chiếc xoong lớn đầy mì tôm, không rau xanh.
"Thời tiết khắc nghiệt là thách thức lớn nhất với những người lính cùng 6 chú chó nghiệp vụ", anh Hoàn nói, cho hay ban đêm nhiệt độ tại Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống âm 6-10 độ.
Đoàn cứu hộ của quân đội Việt Nam sau 10 ngày tìm kiếm tại 31 điểm đã xác định 15 vị trí có người, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu sự sống, lực lượng cứu hộ sau đó tìm thấy 28 thi thể. Hạnh phúc nhất với đội là tìm thấy dấu hiệu sự sống dưới đống đổ nát, dù là mong manh nhất.
Trong lúc quân nhân đang tìm kiếm dưới những tòa nhà sập, rung chấn vẫn xảy ra. Đội luôn phải bố trí người cảnh giới phía ngoài, kịp hỗ trợ khi cần thiết. Những nơi xe không vào được, bộ đội vác máy móc, đi bộ hàng chục cây số.
"20 năm làm nghề, chiến dịch nào cũng nhớ, nhớ nhất là tình cảm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày chúng tôi trở về, họ bật khóc, đồng loạt vỗ tay cảm ơn Quân đội Nhân dân Việt Nam", Thiếu tá Đoàn Văn Hoàn tâm sự.