(Dân trí) - 12 năm trước, bà Nguyễn Thị Bé, 49 tuổi, mang con theo đi nhặt ve chai xuyên Tết. Giao thừa năm nay, ngoài con, bà còn chở thêm cháu ngoại gần 3 tuổi theo cùng.
20h, bà Bé đạp xe chở con gái 6 tuổi, cháu ngoại 3 tuổi lên đường nhặt ve chai. Thấy thùng rác, cái Hân - con gái bà nhảy phốc xuống trước chạy lại lục lọi, gom được 4 chai nhựa. Còn bà thì tiến lại thùng rác lớn hơn, cố nhặt nhạnh những cành thông trang trí Giáng sinh bị bỏ đi, đem về đốt lấy sắt bán.
Trên chiếc xe đạp, thằng Khang, 3 tuổi cháu ngoại của bà ngồi quan sát mẹ và dì làm việc. Thi thoảng, thấy dì nhặt được món đồ gì lạ mắt, Khang đứng lên ghế, nhõng nhẽo đòi lấy chơi cho bằng được.
"Mình nghèo nên con mình cũng nghèo theo"
Hơn 20 năm trước, bà theo chân người quen từ Huế vào TPHCM lập nghiệp. Ban đầu là đi dọn nhà thuê, sau đó bà xin làm phục vụ ở một quán ăn rồi quen người chồng cũ. Trước khi sinh con đầu lòng, vợ chồng bà quyết định về quê sống, sinh liền một mạch 3 đứa con.
Không nghề nghiệp ổn định, không có ruộng vườn, cuộc sống dần trở nên túng quẫn. Cuối năm 2008, chồng bà vào lại TPHCM, nói rằng sẽ đi làm kiếm tiền gửi về nuôi vợ con nhưng biệt tích. Cũng thời điểm đó, bà biết mình đã mang thai đứa con thứ 4 được vài tháng.
"Đêm 20 tháng Giêng năm 2009, tôi vác bụng bầu, dắt theo ba đứa con với 200.000 đồng bắt xe đò vào Sài Gòn tìm chồng", bà Bé nói.
Không có tiền mướn trọ, bà dắt các con ngủ bụi ở Chợ Lớn. Ban ngày thì nhặt ve chai kiếm sống. Từ đó, bà dạt về xóm trọ nghèo trên bãi đất trống gần cầu Lò Gốm, quận Bình Tân mướn trọ sống cho đến nay.
Ngày đi đẻ đứa thứ 4, người phụ nữ dẫn 3 đứa con theo chân vào viện. Mẹ nằm lầu trên chờ đẻ, những đứa trẻ được gửi chờ người ta trông giúp ở lầu dưới. 2 tháng sau, bà xin đi phụ hồ rồi quen một người đàn ông làm chủ thầu công trình.
Ngậm ngùi chia sẻ về lý do quyết định đi thêm bước nữa trong khi đã có 4 đứa con, bà Bé thở dài nói: "Lúc đó tôi không nghĩ xa xôi, chỉ thấy ông ấy chưa vợ, lại có việc làm ổn định, thương mấy mẹ con. Tôi nghĩ mình cần một chỗ dựa".
Bà Bé không biết, cũng vì quyết định đó mà sau này, bà có thêm 2 đứa con nữa. Gánh nặng thêm đè vai người phụ nữ bất hạnh vì người chồng "hờ hững", phó mặc để bà tự lo liệu cho 6 đứa con.
Hiện tại, 2 người con gái lớn của bà đã có gia đình riêng. Cô con gái thứ 3 năm nay mới 19 tuổi nhưng đã có 2 con, đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi, cũng bị chồng phụ bạc. Để con an tâm đi phụ bán hàng, bà Bé nhận chăm sóc 2 đứa cháu ngoại.
Đã hơn chục năm nay, cứ tối đến, khi lo cơm nước cho các con xong, bà đóng cửa, để chúng tự ngủ rồi ôm đứa nhỏ nhất đi nhặt ve chai đến gần sáng mới về. Cũng ngần ấy thời gian, bà không về quê ăn Tết.
"Ngày xưa thì ôm con, giờ phải ôm thêm cả cháu vì nhỏ không để ở nhà được", bà Bé giãi bày.
Bà Nga, 54 tuổi, một người hàng xóm đã biết bà Bé từ 12 năm nay khẳng định: "Chúng tôi cùng ở trong xóm lao động nghèo với hàng trăm cảnh khó khăn khác nhau nhưng bà Bé được xem là có cảnh khổ nhất vì con cháu đông quá".
Đêm giao thừa, thấy bà ngoại lấy những chiếc bao lớn móc lên thùng xe đẩy, thằng Khang cháu ngoại bà đã leo tót lên xe ngồi chờ sẵn. Bé Hân cũng ríu rít chạy quanh chiếc xe, mong chờ được cùng mẹ đi nhặt ve chai. Sở dĩ người phụ nữ phải dẫn Hân theo là để em canh chừng Khang. Nhiều lần mải lục thùng rác kiếm ve chai, thằng nhỏ nhảy khỏi xe chạy ra đường, tìm thùng rác lôi về một bịch nilong to. Chưa nói sõi, em chỉ tay vào bịch rác, gật đầu với ý nói với bà ngoại rằng: "Trong này có ve chai".
"Con, cháu tôi không đòi sắm Tết vì không biết Tết là gì"
Trước thềm năm mới, người người bắt đầu bày mâm cúng giao thừa ngoài trời, một số khác chở nhau trên xe máy dạo phố, bà Bé cùng con, cháu vẫn chỉ biết để mắt vào thùng rác, mong kiếm thật nhiều thứ có thể bán được lấy tiền.
Bà chia sẻ, năm nay đi đâu cũng nghe mọi người than về việc kinh tế khó khăn. Chưa học hết cấp 1, bà chẳng biết kinh tế khó khăn cụ thể là gì, chỉ biết đến cả ve chai cũng khó kiếm hơn mấy năm trước.
"Thường cuối năm dọn nhà, họ vứt bỏ nhiều thứ như máy quạt, đồ điện gia dụng nhặt về bán có tiền lắm. Năm nay thì chỉ có chai nhựa, giấy vụn thôi. Nhặt đầy 1 xe chai nhựa nhưng chỉ bán được vài nghìn thôi", bà nói.
Nhiều năm đi nhặt ve chai, thời điểm cận Tết là lúc bà có thể kiếm được khá hơn ngày thường. Những con đường trong quận 6 bà và con cháu đã đi mòn, thế nhưng người phụ nữ đôi khi vẫn tủi cho phận mình. Ban đêm, bà vẫn mang theo chiếc nón rách để khi đến chỗ đông người thì đội lên khi lục thùng rác.
"Người ta chẳng thấy tôi, tôi chẳng thấy ai có như thế tôi mới đỡ tủi thân", người phụ nữ nói.
Bà chia sẻ, người Huế, quê hương của bà rất coi trọng việc thờ cúng. Bản thân bà cũng rất muốn làm mâm cơm cúng giao thừa nhưng đã nhiều năm rồi chẳng làm được. Có năm, vào rạng sáng mùng 1 Tết, mấy mẹ con nhặt được vài trái bưởi tiểu thương bán ế vứt đi rồi đem về cúng. Nhưng đó chưa phải là giao thừa vui nhất, vì có năm bà nhặt được một xấp giấy trong đó có bao lì xì đựng tờ tiền 100 USD.
"Tuy chẳng thể kịp mua sắm gì, nhưng tôi mua được mấy tô bún bò cho con cháu - món mà đứa nào cũng thèm ăn nhưng hiếm có dịp ăn được", bà hồi tưởng, gương mặt rạng rỡ hơn đôi chút.
Cực khổ là thế, nhưng bà Bé chưa bao giờ có ý định sẽ dẫn con, cháu ra đường ngửa tay xin tiền người dưng vì còn sức lao động.
Duy chỉ có 1 lần bà nhen nhóm ý định đi xin tiền đó là 3 năm trước. Khi đứa con gái thứ 3 sinh bé Khang bị nhiễm trùng máu phải nằm viện cả tháng. May mắn, bà được một người chủ trọ tốt bụng đã trả tiền viện phí, còn vận động thêm người quen góp tiền ủng hộ nên con bà được tai qua nạn khỏi.
Cuộc đời bà cũng từng vô số lần mắc nợ, song chưa bao giờ bà dám nợ số tiền lớn như hồi năm ngoái. Lần đó, vì muốn dẫn 6 người con, 2 đứa cháu ngoại ra Huế làm lại toàn bộ giấy tờ tùy thân nên bà liều vay chủ trọ 20 triệu làm lộ phí.
"Đời tôi giờ đây dù có cố gắng đến mấy cũng chẳng thoát khỏi cảnh khổ nữa rồi. Thứ còn lại tôi có thể lo được cho các con, cháu là cho chúng biết quê hương, có được mảnh giấy lận lưng", giọng nghèn nghẹn, bà nói.
Dẫu vậy, tấm căn cước công dân mới mà bà vất vả để về quê làm lại hiện đang ở tiệm cầm đồ đã mấy tháng nay, chưa có tiền chuộc lại.
Không có tiền cho các con đi học như bao đứa trẻ khác, nhưng mấy đứa con bà lớn nhỏ đều biết mặt chữ vì được học ở lớp tình thương. Các con bà tuy chẳng được chỉ bảo lễ nghĩa, nhưng chúng chủ động cám ơn khi được ai đó cho ve chai mà không cần bà phải nhắc.
Trời về khuya, hai đứa trẻ chẳng còn đủ sức cười đùa, chạy lon ton đi tìm ve chai nữa mà được bà lấy tấm bìa carton lớn lót trong thùng xe đẩy để nằm.
"Ngày xưa cứ mỗi dịp giao thừa tôi lại hay ước rằng nhất định sang năm cuộc sống của mình sẽ đỡ bớt khổ hơn. Nhưng năm nay tôi không có ước mơ gì cả", bà nói cho qua. Nhưng ít phút sau, bà bất giác thêm lời: "À, tôi mong được đi khám xem mình bệnh gì. 3 tháng nay ở mông có khối u, màu tím đen làm tôi đau chân lắm, đang ngồi đứng lên không nổi".
Thấy những cặp vợ chồng chở nhau trên đường phố khi đi đón giao thừa trở về, bà Bé rơi nước mắt. Bà tự hỏi: "Sao đời mình lại chất chồng nhiều nỗi khổ đến vậy?". Bà không trả lời được, cũng chẳng có ai bên cạnh giúp bà trả lời. Người phụ nữ 49 tuổi, mắt vô hồn nhìn xa xăm, những vòng quay xe đạp cứ thế càng nặng nề hơn khi sương sớm đầu năm trùm kín xuống khắp các nẻo đường.
Diệp Phan